(Baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, lễ hội Cầu Ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển nói chung. Đối với Nhân dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), lễ hội Cầu Ngư là lễ lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển và các chiến sĩ hải quân đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc; cũng như cầu mong quốc thái, dân an, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Về Hoằng Trường xem lễ hội Cầu Ngư

Từ bao đời nay, lễ hội Cầu Ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển nói chung. Đối với Nhân dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), lễ hội Cầu Ngư là lễ lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển và các chiến sĩ hải quân đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc; cũng như cầu mong quốc thái, dân an, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.

Về Hoằng Trường xem lễ hội Cầu NgưLễ hội Cầu Ngư, xã Hoằng Trường năm 2019. Ảnh: Phương Trang (Trung tâm VHTTTT&DL huyện Hoằng Hóa)

Từ TP Thanh Hóa vượt qua quãng đường gần 17 km, chúng tôi đến với xã bãi ngang ven biển Hoằng Trường để được hòa mình vào không khí nhộn nhịp khẩn trương chuẩn bị cho lễ hội du lịch biển Hải Tiến diễn ra vào ngày 30-4. Nhân dịp này, lễ hội Cầu Ngư - nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển, sẽ được tái hiện tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường, xã Hoằng Trường để du khách gần, xa có cơ hội thưởng thức, hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của người dân miền biển.

Trò chuyện với các bậc cao niên trong xã, không ai biết rõ lễ hội Cầu Ngư trên địa bàn xã có từ khi nào mà chỉ biết rằng đời cha nối tiếp đời ông cứ đến đầu xuân năm mới, Nhân dân trong xã lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và gửi gắm sự tri ân, lòng biết ơn của họ đối với các bậc tiền nhân và những người lính khi xưa đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là dịp người dân tạ ơn biển khơi đã cho gia đình họ sự trù phú, ấm no và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển cũng như nông nghiệp được bội thu. Thế nên những người con của xã biển đi làm ăn xa về đón tết luôn cố nán lại cho đến khi xong hội cầu ngư mới lên đường.

Ông Phạm Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết: Lễ hội Cầu Ngư của xã Hoằng Trường có lịch sử cách đây hàng trăm năm và thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Chiến tranh loạn lạc, lễ hội bị gián đoạn, đến khi đất nước đổi mới lễ hội được khôi phục và gìn giữ cho đến ngày nay. Vào những ngày diễn ra lễ hội, Nhân dân trong xã nô nức tham dự các trò chơi dân gian truyền thống, như: chơi bài điếm, hát chèo, cờ tướng,... trong đó không thể không kể đến hội đua bè. Đây được xem là hoạt động đã đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân ven biển Hoằng Trường.

Ngày hội đua bè diễn ra, người dân nô nức, hối hả đổ về hai bên bờ sông Linh Trường ngóng đợi. Dòng Linh Trường lúc này được khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ sắc màu như để hòa mình vào không khí vui tươi của lễ hội Cầu Ngư. Mỗi đội đua sẽ đại diện cho một thôn, 9 nam giới sẽ được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm có cả sức khỏe và sự khéo léo. Trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi và 6 tay chèo. Tổng mũi là người chỉ huy, ngồi ở đầu bè; tổng thương ở giữa lo công tác đảm bảo an toàn và đánh trống thúc giục, tạo khí thế...; tổng lái chiếm vị trí đuôi bè là tay chèo lão luyện, vừa dùng mái chèo giữ thăng bằng cho bè khi lướt nhanh về phía trước, vừa ra những động tác mạnh mẽ, khéo léo lái bè đua ở những điểm quay đầu.

Trống lệnh nổi lên, bè đua xé nước lao đi. Trên bờ, gia đình đội đua và đông đảo bà con dân làng sát cánh bên nhau, khua chiêng, gõ mõ hối thúc đội nhà, làm huyên náo cả một vùng sông nước... Theo những người dân trong làng, bè đua của đội nào về đích đầu tiên thì năm đó, người dân thôn đó sẽ gặp nhiều may mắn, xóm làng bình yên, làm ăn thuận lợi cho nên trai tráng xóm nào cũng ra sức tranh tài... “Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm nay, xã Hoằng Trường muốn tái hiện lại lễ hội Cầu Ngư để phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa người dân miền biển của du khách thập phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hội đua bè phải lùi lại, các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường”, ông Nam cho biết.

Lễ hội năm nay sẽ được diễn ra trong 2 ngày từ ngày 30-4 đến ngày 1-5. Gồm phần lễ với các nghi thức long trọng và trang nghiêm, đan xen cùng phần hội là các sinh hoạt văn hóa dân gian, như: chơi bài điếm, hát chèo,... Các sinh hoạt văn hóa này là những hoạt động giải trí, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng chài trước khi bước vào vụ mùa mới.

Mở đầu phần lễ, chủ tế đọc văn tế kể về quá trình hình thành vùng đất quê hương và ý nghĩa thiêng liêng của tục lệ cầu ngư; ca ngợi công đức của thần, cầu xin cho thần ban cho dân làng mùa bội thu, thuyền ra khơi xuôi chèo mát mái, khi trở về tôm cá đầy ghe. Tất cả mọi người dự lễ đều thành kính dâng trọn niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với biển. Phần tiếp theo là lễ cúng, dâng lên bàn thờ mâm lễ vật gồm hoa quả, heo quay và một số món khác. Sau đó, vị chủ lễ đọc bài văn cúng gồm có ba phần: mở đầu là cúng cá Ông, tiếp theo là lễ cúng tiên hiền, hậu hiền, những bậc tiền nhân có công lập nên làng xã và cuối cùng là cúng cô hồn, âm hồn. Lễ cúng kéo dài gần một giờ, sau đó là nghi thức rước thuyền Long Châu từ Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường đến đền thờ Tô Hiến Thành, xã Hoằng Tiến để Nhân dân các xã ven biển huyện Hoằng Hóa thực hiện nghi lễ... Đi trước thuyền Long Châu sẽ có dàn nhạc ngũ âm, múa lân. Cờ... kèn và trống nổi lên không dứt, tạo nên một âm thanh sôi động trên cả một vùng biển.

Chiều muộn, tại công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường diễn ra các tiết mục văn nghệ độc đáo. Cuốn hút nhất phải kể đến màn chơi bài điếm. Đây là hình thức sinh hoạt cộng đồng thuần tính chất giải trí. Chính tiếng hát vận của người giao bài đã tạo nên không khí nhộn nhịp, tươi vui. Mỗi tiếng trống, câu hát vang lên tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh phù hộ cho dân làng có được cuộc sống bình an, khang thái; làm nông, làm biển được mùa, tri ân các bậc tiên hiền đã có công khai khẩn, xây dựng cuộc sống lâu dài trên quê biển... Không ai đếm hết được có bao nhiêu câu hát, câu rao từ bài điếm, mỗi năm lại có thêm những câu rao mới, hợp với xã hội, cuộc sống, giáo dục con người những đức tính tốt, hướng đến các giá trị về chân - thiện - mỹ.

Cuối ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương sẽ thực hiện nghi lễ rước thuyền Long Châu từ đền thờ Tô Hiến Thành về Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường. Sau khi làm lễ, thuyền được đưa xuống biển hóa mang theo lời nguyện cầu gửi gắm của dân làng ven biển một năm mưa thuận gió hòa. Đến khi thuyền Long Châu cháy hết thì một hồi trống bãi chầu vang lên, kết thúc lễ trong sự lưu luyến của con dân miền biển. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như những luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân Hoằng Trường trong mùa biển mới.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]