Ký ức từ một tấm hình
Như đã thành thói quen, từ ngày cha tôi mất, cứ đến dịp 22/12 là mẹ lại giở chiếc hộp bằng sơn mài trong có những tấm ảnh đã ố vàng do thời gian ra ngắm. Mẹ thường dừng để ngắm tấm hình chụp ngày chị em tôi còn bé và cha mẹ tôi còn rất trẻ. Đó là tấm hình được chụp vào đầu năm 1970, khi cha tôi về nghỉ phép để đi “B dài”.
Năm ấy tôi 12 tuổi. Em kế tôi 9 tuổi, hai em sinh đôi 6 tuổi và em trai út 5 tuổi. Thường thì đẻ ba năm một đôi là chuyện thường, nhưng mẹ tôi hai năm sinh ba đứa. Mẹ sinh đôi được ba tháng, cha tôi về phép và mẹ tôi mang bầu tiếp. Cha tôi có ý bảo mẹ bỏ đi vì sợ mẹ vất vả. Nhưng mẹ không nghe bảo cứ để đẻ. Cha tôi cười: “Lỡ lại con gái thì sao, là năm con vịt giời đấy”! Mẹ tôi chỉ cười... Sinh em xong mẹ chưa đặt tên, viết thư báo tin mừng cho cha. Bà ngoại tôi gọi là thằng Bớ. Cả nhà cùng gọi theo thành quen. Chiến tranh ác liệt, thư từ đi về cũng rất lâu. Mãi hơn một năm sau, nhà mới nhận được thư cha. Cha tôi bảo đặt tên là Phước - tiếng miền Nam nghĩa là Phúc.
Tôi 7 tuổi đã có bốn đứa em. Cũng may có bà cô họ của cha tôi không lấy chồng giúp đỡ. Nếu không thì mẹ tôi không biết xoay sở ra sao.
Tôi lên tám thì bế được em đi chơi. Em năm tuổi chỉ biết ngồi đưa võng. Ngày ấy nhiều ruồi, mùa hè rôm sẩy mọc như phát ban, lắm hôm thấy em gái ruồi bu đầy đầu, vừa gãi vừa khóc, mặt mũi nhòe nhoẹt. Tôi lấy cái quạt mo quạt cho nó. Mẹ tôi đi dạy học chưa về.
Sau tết Mậu Thân 1968 cả xã đồn ầm lên là bố tôi hy sinh. Bà tôi khóc suốt, bảo mẹ tôi: Chị lên huyện hỏi xem có tin tức gì của anh Mật không!
Mẹ tôi sang Huyện đội rồi lên Tỉnh đội đều được trả lời là không. Đến bữa ăn, bà lấy thêm đôi đũa và cái bát xới cơm để lên mặt thổi, mắt ngân ngấn nước. Mấy hôm sau mẹ tôi sụt sùi bảo bà tôi: U đừng làm thế nữa, kẻo các cháu buồn không ăn cơm!
Mẹ tôi là người đàn bà nghị lực không khóc trước mặt các con bao giờ, nhưng đêm về tôi biết mẹ khóc rất nhiều...
Chiến tranh ác liệt, thấy để tin đồn lâu ảnh hưởng đến công tác tuyển quân nên năm 1970 cha tôi được về phép thăm nhà và mang quà về cho cô Dung vợ bác Chuyền chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Lần chia tay ấy là lần cuối, khi cha tôi trở lại đơn vị thì bác Chuyền đã hy sinh...
Đợt phép ấy, cha tôi về nghỉ được 10 ngày. Khi cha về đến đầu làng, cả nhà tôi đã biết vì các anh con bác tôi chạy về báo tin.
Lúc ấy tôi đang nấu cám lợn, mẹ tôi vừa ở trường về còn các em thì đi chơi mỗi đứa một nơi. Tối hôm ấy họ hàng bà con trong làng đến chơi đông lắm. Trời đầu xuân vẫn còn lạnh, vậy mà khoảng 12h đêm ai mới về nhà ấy. Thôi thì đủ chuyện, chuyện làng xã, chuyện chiến trường... Chắc cha mẹ tôi cũng sốt ruột lắm vì đã mấy năm cha tôi không về.
Mấy ngày đầu em trai tôi toàn gọi cha tôi là chú bộ đội. Mãi đến ngày cuối cùng của đợt phép, khi quen câu “bố” thì cũng là lúc cha tôi lên đường trở lại đơn vị.
Đêm cuối cùng ở nhà hình như cha mẹ tôi không ngủ. Tôi tỉnh giấc thấy hai người rì rầm nói chuyện cho đến sáng. Khoảng 5h hơn thì mẹ tôi dậy, tôi cũng dậy theo và ôn bài.
Cha mẹ tôi đèo nhau bằng xe đạp lên ga tàu để cha tôi về đơn vị. Bà nội đã gói sẵn cho cha tôi một mo cơm nắm, ít muối vừng, tép rang gói trong lá chuối khô. Tôi với bà tiễn cha tôi ra cổng, cha tôi nắm tay bà, nói: “U ơi con đi nhé !” Bà không nói gì chỉ vuốt nhẹ chiếc bi đông treo ở ba lô, hình như mắt bà rớm lệ. Không ngờ đây là cuộc chia tay cuối cùng của bà với cha, vì sau đó hai năm bà ốm nặng rồi mất.
Quay sang tôi, cha nhẹ nhàng: “Con là chị lớn ở nhà nhớ chăm chỉ học hành và giúp mẹ, chắc chiến tranh cũng không còn lâu nữa, rồi bố sẽ về!”. Tuy còn bé nhưng tôi đã rất ra dáng chị cả đảm đang và giúp mẹ được nhiều việc... Sự chia xa ngày ấy thì gia đình nào cũng có, và tôi cũng cảm thấy bình thường... Sau khi đưa cha lên tàu về, mẹ tôi buồn lắm. Tôi thấy mẹ ra chái nhà đứng khóc. Chắc mẹ không muốn các con mình nhìn thấy. Tôi thấy thương mẹ quá...
Bài thơ sau này tôi viết cho mẹ có câu: "Mẹ ngậm ngùi chôn chặt tuổi thanh xuân/ôm gối chiếc giấu đêm vào trong tóc".
Đến bây giờ, khi đã là đàn bà có tuổi, tôi mới hiểu tại sao có những đêm hè, nửa đêm mẹ tôi chạy ra ao tắm. Có lẽ đó là nỗi khao khát tình cảm bị dồn nén giầy vò. Bà nội tôi ở giường bên thở dài: “Rõ khổ”. Năm ấy mẹ tôi mới 37 tuổi.
*
Chiến tranh thật là tàn khốc - nó đã cướp đi tuổi thanh xuân của những người vợ lính, tuổi thơ vắng cha của những đứa con nhà lính. Của những bà mẹ lúc lâm chung không nhìn thấy mặt con. Xin trích lại một đoạn trong bài: “Tuổi thơ tôi”
..."Tuổi thơ tôi/ cha mải mê chinh chiến/bàn chân đi khắp mọi miền/thư gửi hoen màu nắng gió/nỗi buồn mẹ gửi vào đêm/lá rụng bên thềm/nhìn trăng hát lời chinh phụ/mòn mỏi chờ trông suốt cả một đời"...
Sau đó cha đi sâu vào chiến trường B, để rồi đến năm 1975 giải phóng mới lại trở về.
Chiến tranh đã đi qua và cha mẹ tôi cũng đã về cõi vĩnh hằng. Cầu mong cha gặp lại những đồng đội của mình năm xưa đã hy sinh khi còn rất trẻ. Cầu mong đất nước mình luôn sống trong hòa bình không có chiến tranh. Để những đứa con được gọi bố ngay lúc chào đời, những người vợ không phải sống đời chinh phụ, những đôi lứa chỉ có sô cô la và hoa hồng thắm đỏ.
Một tấm hình mang đầy hoài niệm xa xôi...
Lê Phương Liên
{name} - {time}
-
2024-12-14 17:19:00
17 năm đồng hành cùng ngành giáo dục xứ Thanh
-
2024-12-14 15:10:00
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
-
2023-12-20 16:20:00
3 phương án doanh nghiệp lựa chọn cho người lao động nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Phát triển tài sản trí tuệ - hiệu quả lâu dài và lan tỏa
Trung đoàn 762 hành quân dã ngoại làm công tác dân vận
Chung tay giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
Hiệu quả mô hình camera an ninh ở Bá Thước
Tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023
Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 1/2/2024
Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc dịp Tết, lễ hội xuân 2024
Bộ Nội vụ công bố số người bị tinh giản biên chế trong năm 2023
Đột phá trong xuất khẩu lao động ở Thường Xuân