(Baothanhhoa.vn) - “Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”! Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 21/7/1954).

Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình

“Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”! Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 21/7/1954).

Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tìnhTượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” - nơi lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên.

Lời khẳng định của Người ra đời trong bối cảnh đất nước vừa tạm yên tiếng súng và ngổn ngang công việc phải làm. Trong đó, việc chuyển quân và tập kết ra Bắc được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thậm chí là sự định hướng mang tính chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi, quá trình chuyển quân, tập kết của cán bộ, bộ đội, đồng bào, học sinh miền Nam ra Bắc, còn gắn liền với nhiều khung cảnh, nhiều câu chuyện đầy xúc động và ấm áp tình người.

Lời tạm biệt từ miền Nam...

Chiến tranh chấm dứt, Nhân dân được trở lại cuộc sống hòa bình, nhưng đây lại là “cái tang” lớn của địch. Chúng coi đây là “ngày quốc hận” và ra lệnh cho tất cả các công sở ở vùng chúng kiểm soát treo cờ rủ ba ngày. Trong khi đó, khắp nơi từ Cà Mau đến vĩ tuyến 17, hàng triệu lượt quần chúng đã tham dự các cuộc mít tinh, hội thảo mừng hòa bình, liên hoan văn nghệ, chiếu phim, xem văn công biểu diễn...

Sau ngày ngừng bắn, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức hai cuộc mít tinh lớn ở Gò Su (Quảng Ngãi) và sân bay Phù Cát (Bình Định). Các cuộc mít tinh có bộ đội diễu binh, đông đảo Nhân dân diễu hành, phát huy khí thế chiến thắng, động viên quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ở các vùng giải phóng cũ Nam bộ, vùng tự do Liên khu V, hàng vạn người tập trung liên hoan, có nơi kéo dài hai, ba ngày. Nhiều ngả đường tràn ngập cờ đỏ sao vàng, cờ xanh hòa bình, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng muốn gặp nhau để trò chuyện, nói cho nhau nghe nỗi niềm vui mừng và những băn khoăn trong lòng khi phải chia tay người thân đi tập kết và những khó khăn trên bước đường đấu tranh sắp tới. Họ tha thiết dặn dò người ra đi an tâm làm nhiệm vụ, người ở lại quyết tâm đấu tranh để sau hai năm gặp lại nhau trong ngày Bắc - Nam thống nhất.

Ở các tỉnh đều diễn ra các cuộc mít tinh, liên hoan chia tay giữa quân với dân. Hàng vạn đồng bào các vùng căn cứ, vùng tạm bị chiếm, vùng đối phương mới tiếp quản nô nức về dự mít tinh. Nhiều bà mẹ, người vợ, người yêu suốt mấy năm không gặp mặt người thân, nay vượt qua đồn bốt địch để ra vùng tự do tìm gặp. Rồi sau đó, họ lại lưu luyến chia tay, kẻ xuống tàu ra Bắc, người ở lại quê nhà tiếp tục đấu tranh, hứa hẹn gặp lại nhau ngày thống nhất nước nhà.

Vùng Trị - Thiên, nơi địa đầu tiếp giáp miền Bắc, theo hiệp định, hai tỉnh bàn giao lại ngay cho đối phương quản lý và chuyển quân tập kết sớm nhất. Ngày 18/8, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Phước Môn, có trên 6.000 người dự để tiễn đưa con em của quê hương lên đường tập kết.

Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên tổ chức thành Trung đoàn 269. Ngày 26/8, Trung đoàn đã chỉnh tề đội ngũ hành quân ra Bắc. Tại khu vực tập kết 80 ngày ở miền Đông Nam bộ, các Tiểu đoàn chủ lực 300, 303, 306 của các tỉnh Bà Chợ, Thủ Biên, Gia Định và Sài Gòn cùng với bộ đội địa phương các huyện tổ chức thành hai trung đoàn hành quân bộ và cơ giới ra bến Hàm Tân, Xuyên Mộc. Ở khu vực tập kết 100 ngày, các tiểu đoàn chủ lực 302, 304, 309, 311, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở miền Đông Campuchia rút về nước, cùng với bộ đội địa phương Long Châu Sa, Mỹ Tho hành quân về Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười.

Bộ đội hành quân có lúc phải băng qua vùng tạm chiếm cũ, có đơn vị phải qua thành phố đầy lính quân đội Sài Gòn, lính Pháp. Bất chấp sự ngăn cản của đối phương, đồng bào vẫn đổ ra đường hoan hô và tiễn chân bộ đội. Đặc biệt, những ngày cuối cùng của việc chuyển quân, mặc dù địch kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ngày nào không có người dân từ vùng địch kiểm soát ra thăm. Có người từ cực Nam ra Quy Nhơn, có người từ Sài Gòn xuống Cà Mau.

Thấy bộ đội không nhận quà bánh, các má, các chị đã để lại vọng gác rồi về. Họ tiễn đưa và tặng nhau kỷ vật là quyển sổ tay, chiếc huy hiệu, tấm khăn... để nhắc nhở nhau làm tròn nhiệm vụ. Có chị bán hàng vải đến phút cuối cùng xé ngay tấm lụa hồng ký tên vào, rồi mọi người xúm nhau ký tên không còn một chỗ trống. Một bà má ôm bộ đội hôn rồi tặng một cây cờ: “Đây cờ đấu tranh/ Con giữ bên mình/ Thấy cờ con nhớ học hành/ Thấy cờ con nhớ mối tình Bắc - Nam”.

Đặc biệt, trong ngày chuyển quân cuối cùng của Nam bộ, Nhân dân Cà Mau đã gửi bộ đội nắm đất ở mũi xa nhất của miền Nam, mang ra dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dặn dò: “Con ra thưa với Bác Hồ/ Đất này chỉ cắm một cờ vàng sao”!

...

Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ, chiến sĩ miền Nam rời cảng Quy Nhơn ra Bắc. Công cuộc chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng của ta ở lại miền Nam đã hoàn thành thắng lợi. Khoảng 12 vạn bộ đội, cán bộ các ngành ở miền Nam tập kết ra Bắc, đem theo 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc, khí tài và 236 xe ô tô các loại. Đây là lực lượng rất quý của đồng bào miền Nam gửi ra Bắc, để tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức và năng lực, góp công, góp sức xây dựng miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

...và trên đất Bắc

Cùng với việc chỉ đạo chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng ở miền Nam, thì trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước cũng tập trung chỉ đạo đấu tranh với địch, tiếp quản vùng mới và chuẩn bị các điều kiện để đón đồng bào, chiến sĩ tập kết. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện thấm đẫm lòng nhân ái của đồng bào miền Bắc dành cho những người con tập kết, đã trở thành minh chứng sinh động cho câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Thanh Hóa là một trong những địa phương được chọn là điểm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh tập kết ra Bắc và cũng là nơi còn lưu lại nhiều câu chuyện cảm động, nhiều hình ảnh đẹp về tình đồng bào, đồng chí. Trong những chuyến tàu đầu tiên, Nhân dân Thanh Hóa đã đến bến Sầm Sơn đón, có khi đông tới cả vạn người. Về sau, để bảo đảm sản xuất nên số người đi đón tiếp có giảm đi, nhưng cũng không hiếm những hình ảnh cảm động. Ví như có những cụ già, em bé đi xa hàng ba, bốn chục cây số, mang theo cơm khoai, cơm sắn đi đón tiếp đồng bào. Rồi có những chị phụ nữ xung phong cõng thương binh về lán. Còn các mẹ thì đến quạt mát, hỏi han, vỗ về các anh như những đứa con đi xa nhà lâu ngày trở về. Rồi khi đồng bào về các địa phương không chỉ được các gia đình dành cho đồ ăn thức uống, mà còn được chăm sóc tận tình, nhất là thương binh và trẻ nhỏ. Đó là hình ảnh các bà mẹ bồng trẻ nhỏ cả đêm khi các bé đau ốm; hay những đứa trẻ đã biết giúp đỡ thương binh tắm rửa. Rồi thì người dân sẵn sàng nằm đất nhường giường cho đồng bào, nhường buồng cho vợ chồng trẻ... Tất cả những hình ảnh đẹp và chứa chan tình cảm ấy, đã khiến cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam phải thốt lên: “Đến chết cũng không quên được đồng bào miền Bắc”.

Không chỉ có tình cảm ruột thịt và trách nhiệm lớn nhất đối với đồng bào tập kết, mà trong nhiều trường hợp có tính cấp thiết, thì tình cảm và trách nhiệm của đồng bào miền Bắc càng được thể hiện một cách sâu sắc.

Trong một Thông tri của Ban Gia đình (Thuộc Ban đón tiếp miền Nam Trung ương) về vấn đề gia đình cán bộ, quân đội và dân thường miền Nam tự động ra Bắc, còn ghi lại sự việc. Đó là trong số những người vợ từ miền Nam ra thăm chồng con tập kết, có nhiều chị “không muốn xa chồng con, không muốn sống dưới chế độ thối nát của bọn Ngô Đình Diệm, nên đã tự nguyện ở lại miền Bắc làm ăn”. Đặc biệt “do ngưỡng mộ miền Bắc và quan hệ gia đình, do tình hình rối ren hiện nay ở miền Nam và trước việc đấu tranh đặt quan hệ bình thường Nam - Bắc của ta, triển vọng số gia đình miền Nam tự động ra còn đông hơn nữa”.

Trước tình hình đó, Ban đón tiếp miền Nam Trung ương đã có chủ trương: Dù số gia đình miền Nam tự động ra Bắc không được hưởng tiêu chuẩn tập kết, nhưng các địa phương vẫn phải tổ chức nơi đón tiếp, ăn ở chu đáo, nồng hậu, không để họ bị bơ vơ, lạc lõng. Đối với những gia đình hết tiền ăn, sẽ được phụ cấp trong thời gian ở tạm với mức người lớn 1 cân 200/ngày, em bé dưới 6 tuổi thì 1⁄2 suất. Đối với số chị em phụ nữ có nguyện vọng ở lại miền Bắc, “Ban Phụ trách gia đình có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn làm ăn, hoặc giới thiệu về các cơ sở tự túc. Chị em đưa vốn liếng, khả năng mình ra kinh doanh, tự lực là chính. Trường hợp có những chị không còn vốn kinh doanh, sẽ tìm cách cho vay mượn hoặc đề nghị trên xét”. Ngoài ra, “tất cả các gia đình miền Nam được giới thiệu về các địa phương làm ăn, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương có trách nhiệm hết sức giúp đỡ, để chị em có nơi làm ăn vững vàng”.

Đáng nói hơn, dù là hướng xử lý ra sao thì đối với những phụ nữ, những gia đình miền Nam tự động ra Bắc, các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân miền Bắc đều có thái độ thân ái và đều nhận thức rõ đồng bào ra Bắc là những người ruột thịt để sẵn lòng san sẻ, đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ họ.

...

Còn vô vàn những câu chuyện thấm đẫm niềm vui và nước mắt của những năm tháng tập kết. Những câu chuyện đã trở thành hành trang cho những người con miền Nam tập kết ra Bắc và thành động lực để họ quyết trở về chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Những câu chuyện về tình nghĩa đồng bào Bắc - Nam ruột thịt, thủy chung, son sắt ấy đã hun đúc thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao, để dân tộc ta bước vào một cuộc trường chinh lớn, đầy gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng nhất định thắng lợi.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]