Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX đã nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong XDNTM tại các địa phương. Đã có hàng trăm mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc (Nông Cống) tạo việc làm cho hàng trăm lao động khu vực nông thôn.
Đánh giá về vai trò của KTTT nói chung, HTX nói riêng, đồng chí Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: HTX ngày càng thể hiện rõ nét vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho lao động và một bộ phận không nhỏ người yếu thế trong xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, HTX đã huy động đa dạng nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và đóng góp vào quá trình XDNTM ở các địa phương. Nhiều HTX kiểu mới, HTX chuyên ngành được thành lập đã phát huy tốt vai trò dẫn dắt hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc (Nông Cống) được thành lập năm 2018, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là một trong những điển hình trong tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Bà Nguyễn Thị Hường, giám đốc HTX, cho biết: HTX tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Thông qua việc đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, HTX đã chủ động tìm kiếm đối tác, gia tăng đơn hàng để tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động trên địa bàn 5 huyện, thị xã, gồm: Nông Cống, Như Thanh, Thiệu Hóa, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn, với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí giảm nghèo, thu nhập... trong chương trình XDNTM.
Là HTX quy mô toàn xã đầu tiên của tỉnh, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn tiên phong, đi đầu trong phát triển các chuỗi liên kết bền vững trong nông nghiệp và nâng cao trình độ sản xuất cho người dân. Thông qua những mô hình phát triển sản xuất, HTX đã định hướng để người dân địa phương thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống sang chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật, để sản xuất theo quy mô hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Sự chủ động, thay đổi tư duy, cách làm của nông dân trong liên kết sản xuất giúp các mô hình KTTT được phát triển nhiều hơn và phát huy lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở xã Phú Lộc. Ông Hoàng Văn Toàn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, cho biết: HTX hiện có hơn 950 thành viên. Nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên HTX đã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Trong đó, HTX đã xây dựng được hơn 2.000m2 nhà lưới để sản xuất thủy canh, hằng năm xây dựng được hơn 500ha cây trồng liên kết sản xuất, đảm bảo việc làm cho thành viên và 10 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Xác định rõ tầm quan trọng của KTTT, thời gian qua, việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, hỗ trợ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.329 HTX hoạt động theo Luật HTX, trong đó có 835 HTX nông nghiệp. Hiện nay, số HTX của Thanh Hóa xếp thứ 2 toàn quốc, lợi nhuận trung bình mỗi HTX đạt 276 triệu đồng/năm. Hoạt động của các HTX ngày càng mở rộng theo hướng đa ngành, đa nghề, đa khâu dịch vụ. Kinh tế HTX đã trở thành một kênh huy động nguồn lực trong dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM...
Để tạo điều kiện cho các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh phát triển, Liên minh HTX tỉnh với vai trò là cầu nối đã kết nối HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng thiết bị công nghệ cao vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX... Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2024 có 30 HTX được thành lập mới, có 50% số HTX hoạt động khá, tốt, giảm HTX yếu kém xuống dưới 12%. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ HTX từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm...
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: Trải qua 78 năm thành lập và phát triển, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa luôn vận dụng linh hoạt, hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng được những mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phát huy được sự tin tưởng, tín nhiệm của Nhân dân. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX; phối hợp triển khai xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực KTTT, HTX để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2025-01-04 12:49:00
Hiệu quả liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm khoai tây vụ đông
-
2025-01-04 12:45:00
Xã vùng biên Tam Lư huy động nguồn lực XDNTM nâng cao
-
2024-04-10 14:47:00
Nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm qua hỗ trợ truy xuất nguồn gốc
Nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Hoằng Hóa
Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029
Nâng cao kết quả tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi
Bản tin tài chính 10/4/2024: “Quay xe” giảm, SJC lao dốc quanh mốc 84 triệu đồng
Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị 20 về tiết kiệm điện
“Khơi thông” nguồn lực từ cơ chế, chính sách đặc thù
Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án
Từ 10/4, áp dụng chính sách tiền lương mới khối doanh nghiệp Nhà nước