(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 7.000 phương tiện khai thác hải sản, trong đó 1.172 phương tiện công suất lớn chuyên khai thác xa bờ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, nhất là những ngày trung tuần tháng 3-2022 xăng, dầu “đội giá” lên cao nhất trong lịch sử khiến ngư dân gặp khó. Phương tiện càng lớn, càng vươn khơi xa, thì càng lỗ…

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 7.000 phương tiện khai thác hải sản, trong đó 1.172 phương tiện công suất lớn chuyên khai thác xa bờ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, nhất là những ngày trung tuần tháng 3-2022 xăng, dầu “đội giá” lên cao nhất trong lịch sử khiến ngư dân gặp khó. Phương tiện càng lớn, càng vươn khơi xa, thì càng lỗ…

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Tàu cá công suất lớn của ngư dân Sầm Sơn nằm bờ, xếp dài gần 1 km dọc khu vực Cảng cá Lạch Hới.

Cảng cá Lạch Hới thuộc phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) những ngày giữa tháng 3-2022 không còn không khí huyên náo, nhộn nhịp như thường nhật. Một khung cảnh đìu hiu đã thay thế hoạt động thu mua và trung chuyển hải sản tấp nập vốn có.

Trước kia, mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền cập bờ, thì nay chỉ một vài tàu, có ngày không ghi nhận phương tiện nào trở về. Dọc cảng cá lớn bậc nhất tỉnh Thanh Hóa này hàng trăm tàu, thuyền lớn nhỏ phải nằm bờ, xếp san sát trải dài gần cây số.

Thông tin từ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, toàn TP Sầm Sơn có 247 tàu lớn khai thác xa bờ neo đậu tại đây mỗi khi không ra khơi. Khoảng hơn một tháng nay luôn có hơn 200 phương tiện ngừng hoạt động, nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu tăng quá cao.

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Phương tiện càng lớn thì khả năng lỗ càng cao sau mỗi chuyến vươn khơi.

Đã trở về cảng được hơn nửa tuần, nhưng nỗi buồn trên khuôn mặt chủ tàu Ngô Văn Tuấn ở khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến vẫn còn hiện hữu.

Do khai thác nghề giã, nên gia đình ông luôn phải vươn khơi cùng lúc 2 tàu công suất lớn, mỗi phương tiện 420 CV. Chuyến đi gần đây ông định cho đôi tàu vươn khơi từ 7 đến 10 ngày, nhưng đến hết ngày thứ 2, thấy tình trạng chi phí quá “căng” nên miễn cưỡng trở về giữa chừng.

Trong nỗi thất vọng, chủ tàu Ngô Văn Tuấn chia sẻ: Đôi tàu của chúng tôi trước kia hoạt động mỗi ngày đêm hết hơn 10 triệu đồng tiền dầu, nhưng những ngày giữa tháng 3-2022 khi giá dầu tăng quá cao nên phải tốn hơn 20 triệu đồng. Qua 3 lần buông lưới trên Vịnh Bắc bộ, thấy lượng hải sản thu được quá ít so với chi phí, tôi không dám tiếp tục chuyến đi.

Theo ông Tuấn, hạch toán chi phí cho chuyến vươn khơi này đôi tàu thu được 50 kg mực và hơn tấn cá tạp với tổng giá trị 16 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chi phí cho chuyến đi hết 60 triệu, riêng tiền dầu đã tốn gần 50 triệu đồng, còn lại chi phí công cho 11 thuyền viên, tiền ga, thực phẩm, đá lạnh… Hiện gia đình ông Tuấn còn thêm nỗi lo “treo lơ lửng” trên đầu là khoản lãi hằng tháng của gần 700 triệu đồng đang nợ Ngân hàng Công thương Chi nhánh Sầm Sơn.

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Vừa trở về từ khu vực biển miền Trung, tàu cá TH 91744 TS của chủ tàu Đỗ Văn Tiếp ở phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) đã lỗ 10 triệu đồng.

Tàu cá “hiếm hoi” vừa trở về Cảng cá Lạch Hới của ông Đỗ Văn Tiếp ở phường Quảng Tiến cũng không mấy khả quan về mặt thu nhập. Sau 9 ngày vươn khơi, tàu TH 91744 TS với công suất 450 CV có tổng chi phí hết 150 triệu đồng, trong đó tiền dầu đã tiêu tốn 125 triệu đồng, chiếm tỷ lệ quá cao so với chi phí vươn khơi trước kia. Tuy nhiên, chủ tàu cùng 10 thuyền viên chỉ khai thác được 1,5 tạ mực, 1 tạ tôm, 1,5 tạ cá chai và cá bơn cùng hơn tấn cá tạp. Sau khi bán toàn bộ số hải sản chỉ có thu nhập 140 triệu đồng, vẫn lỗ 10 triệu đồng.

Được biết, đây là chuyến biển thứ 2 của tàu ông Đỗ Văn Tiếp kể từ sau Tết Nguyên đán, và cả 2 chuyến đều có chi phí âm.

“Đa phần các tàu trở về những ngày gần đây đều lỗ, may ra mới có trường hợp hòa vốn hoặc có lời rất ít. Biết vậy nhưng để giữ anh em thuyền viên nhiều năm gắn bó với mình, tôi thỉnh thoảng vẫn đi khai thác. Dù lỗ lay lãi vẫn phải trả bạn thuyền 500.000 đồng mỗi ngày theo cam kết”, ông Tiếp nói.

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Những tàu cá còn duy trì đánh bắt hải sản những ngày này đa phần là các phương tiện công suất nhỏ, khai thác ven bở từ 1 đến 2 ngày.

Qua tìm hiểu tại địa phương, số tàu còn “mạnh dạn” vươn khơi chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Nhưng với giá dầu lên đỉnh điểm vào giữa tháng 3-2022, những ngày gần đây không phương tiện nào ra khơi.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ tàu đều mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, đồng thời điều tiết để các ngân hàng giảm lãi xuất với những hộ còn nợ. Cùng với đó, nên có gói hỗ trợ để bà con yên tâm bám biển.

Thống kê từ Phòng Kinh tế TP Sầm Sơn cho thấy, địa phương có 1.737 phương tiện tàu thuyền thường xuyên khai thác trên biển, trong đó gần 250 tàu trên 15 m chuyên khai thác ngư trường xa. Thời gian gần đây khi xăng, dầu tăng giá, đa phần các tàu lớn ngừng hoạt động, khoảng hơn 150 tàu nhỏ đánh gần bờ vẫn duy trì hoạt động nhưng lợi nhuận không cao.

Tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), ngư dân địa phương có truyền thống khai thác xa bờ nên càng ảnh hưởng khi giá dầu phi mã. 103 phương tiện cỡ lớn loại công suất trên 400 CV cũng đa phần nằm bờ tại Bến cá Hoằng Trường. Phía bên kia cửa biển Lạch Trường, nhiều tàu thuyền của ngư dân huyện Hậu Lộc cũng tranh thủ thời gian “nghỉ” để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa.

Theo ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, tính riêng các tàu lớn trên 15 m, hiện khu vực cảng có khoảng 40 chiếc không ra khơi, còn ở ven biển xã Hải Lộc và một số địa phương khác cũng có khoảng 80 tàu nằm bờ. Trước đây, những phương tiện này chủ yếu khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…

Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ

Chủ tàu và ngư dân trên địa bàn tỉnh đều mong muốn Nhà nước có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, có cơ chế riêng hỗ trợ để tiếp tục vươn khơi.

Thống kê từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 6.694 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 1.172 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ. Những ngày giữa tháng 3-2022, các địa phương tổng hợp có khoảng 1.200 tàu tạm không hoạt động, trong đó hơn 550 phương tiện có chiều dài trên 15 m chuyên khai thác xa bờ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang nắm bắt thêm tình hình, báo cáo các cấp trên để có hướng gỡ khó cho ngư dân.

Lê Đồng

Tin liên quan:
  • Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 2): Hàng loạt tàu cá nằm bờ
    Lắt lay trong cơn “bão giá” xăng dầu (Bài 1): Doanh nghiệp vận tải chịu lỗ để ...

    Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến đa phần hoạt động sản xuất ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cầm chừng trong thời gian dài. Nay giá xăng dầu liên tục tăng cao như “cú đấm bồi” khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh càng thêm khốn khó. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động vận tải và khai thác hải sản xa bờ dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất.


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]