(Baothanhhoa.vn) - Giữa những năm tháng kháng chiến khốc liệt, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh, những lá thư là sức mạnh, nguồn động viên của hậu phương gửi tiền tuyến, là niềm tin và ý chí mạnh mẽ nơi chiến trường. Tất cả những điều đó đã được tập hợp trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023).

Những lá thư thời chiến: Chuyện không chỉ của ngày hôm qua

Giữa những năm tháng kháng chiến khốc liệt, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh, những lá thư là sức mạnh, nguồn động viên của hậu phương gửi tiền tuyến, là niềm tin và ý chí mạnh mẽ nơi chiến trường. Tất cả những điều đó đã được tập hợp trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023).

Những lá thư thời chiến: Chuyện không chỉ của ngày hôm qua“Những lá thư thời chiến” (Tuyển tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023).

“Tại sao lại là thư và nhật ký mà không phải là những thứ khác?”. Có những cựu chiến binh, trong suốt những năm tháng chiến tranh chưa hề viết một lá thư, chưa ghi một trang nhật ký nào. Và đến một ngày ông quyết định đến bưu điện để đánh bức điện khẩn về quê cho gia đình chỉ vỏn vẹn 8 chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” rồi ký tên và chấm hết. Thế hệ những người lính là vậy, hồn nhiên như không giữa chiến trường ác liệt.

Chắc chắn viết thư hay ghi nhật ký, đều không phải là làm văn, mà trước hết đó là chính cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy mà lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả. Vì thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ.

Đó là bức thư của Đại tá Đỗ Sâm, nguyên là sĩ quan pháo binh đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, từng chiến đấu tại các chiến trường ác liệt Trung bộ và Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ chiến trường miền Nam ác liệt ông đã gửi 35 lá thư ra Bắc. Tất cả là những lá thư tình, được bắt đầu bằng những dòng chữ “Em yêu quý”, “Em yêu quý nhất đời của anh”; “Em yêu duy nhất của anh!”; “Em vô cùng thương mến”... Những dòng thư ông viết: “Cuộc đời chúng ta còn dài, còn tươi đẹp lắm. Một năm xa cách có là bao em nhỉ. Anh vừa giở bản đồ ra xem, nhìn chặng đường mình đi đã vượt qua bao sông núi hiểm trở, với hàng ngàn cây số để đến với mảnh đất Thành đồng Tổ quốc mà kinh ngạc. Anh bỗng thấy rùng mình, mắt sáng hẳn ra, tâm hồn cao đẹp hẳn lên vì tự hào: Ta đã vượt qua được một chặng đường lịch sử thật là vĩ đại”. Sau này gặp lại nhau, ôn lại những ngày xa nhau, vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước... chắc cả em và anh đều chung tự hào”... để hôm nay chúng ta đọc mà vừa tự hào vừa nghẹn ngào.

Đó là bức thư “có một không hai” của ông Phạm Nho Nghĩa, nguyên là Ủy viên Thường trực Thông tấn xã Giải phóng, giai đoạn 1965-1974. Nói bức thư đặc biệt vì khi học xong lớp nghiệp vụ thông tấn báo chí, ông cùng với những đồng chí khác lên đường vào Nam. Làm thế nào để báo cho vợ con biết mình đã đi chiến trường, sẵn có miếng vải kaki bằng bàn tay cắt ra từ chiếc quần cũ, ông dùng bút bi đỏ viết vội mấy dòng thư rồi dùng kim băng cài miếng vải thư ấy vào chiếc vỏ chăn để nhà trường chuyển về gia đình. “Em Loan yêu. Khi em nhận được những quần áo còn ấm hơi anh, thì anh đã đi được chặng đường khá dài và đang tiếp tục cuộc hành quân tới đích. Chúc em và 3 con Bách + Hồng + Việt mạnh khỏe và tin tưởng ở ngày mai thắng lợi. Thương yêu anh, em hãy tỏ ra có nghị lực, gan góc - đừng tỏ ra mềm yếu, buồn rầu mà ảnh hưởng tới sức khỏe...”.

Hầu hết các bức thư còn được giữ đến ngày hôm nay là thư tình gửi người yêu, viết về cho vợ hoặc thư gửi về cho gia đình.

Đó còn là bức thư có đoạn nhắc nhở người em của liệt sĩ Phạm Quang Hoàn, khi ông đang chiến đấu ở khu vực giáp biên giới Campuchia: “Kính thưa ba, đẻ! Con xin nói với em Long vài câu: Long đã lớn rồi, sống phải biết suy nghĩ, hãy chọn bạn mà chơi. Hè này cố gắng xem sách, báo cho nhiều. Xem quen sẽ thấy thú vị em ạ. Xem nhiều sẽ hiểu biết rộng hơn. Sau này sẽ có ích nhiều khi vào đời”.

Là bức thư của ông Vũ Xuân Thu (Vĩnh Phúc) người may mắn đi qua chiến tranh và bình yên trở về với gia đình. Những lá thư ông viết 30 năm trước gửi cho mẹ và gia đình, phần nào đã nói lên tình cảm của người lính với nhau: “Vì xa gia đình nên cuộc sống nơi chúng con là đùm bọc nhau. Đau thì đau chung. Vui thì vui cùng. Nhờ cách mạng mà con hiểu và được sống cùng những anh em như thế đấy mẹ ạ. Mẹ ơi, cách mạng đã toàn thắng. Ngày con về thăm mẹ và gia đình không xa nữa đâu”. Với những dòng tái bút: “Con nói khẽ với mẹ thôi nhé. Mẹ xem có “khóm hoa” nào tươi tốt, ngắm kỹ một bông hoa dù trắng hay hồng, cốt ở cái hương mà được người khen thơm rồi mẹ mách trước cho con để con... Mẹ đừng nói cho ai biết và đừng cười con mẹ nhé!".

Đó là bức thư của một chiến sĩ Nam Tiến lên đường nhập ngũ khi mới 15 tuổi rưỡi, phải khai tăng tuổi để được theo các anh chị khác tòng quân giết giặc. “Bố mẹ à, con ra đi chiến đấu, mang mối thù của quê hương bị tàn phá và mối thù của gia đình chú Bé, nên dù mấy gian khổ, mấy hy sinh con đều vượt qua”.

Ít ai khi đọc những dòng thư của các liệt sĩ, cựu chiến binh trong cuốn sách này mà có thể cầm được nước mắt. Đó là những trang thư của liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc, để buộc anh khai ra vị trí đóng quân của Bệnh viện 20 và Trường Quân chính Trà My, quân địch đã tra tấn anh bằng đủ mọi cực hình, và cuối cùng mang ra thiêu sống. Là những lá thư từ khi bắt đầu yêu, lấy vợ, sống và chiến đấu của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú Tạ Lưu. Là lá thư của đồng chí Nguyễn Tiến Bộ, nguyên Phó trưởng Đoàn cán bộ quân sự của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong tổ liên hợp quân sự bốn bên, làm nhiệm vụ tại trại David, trong sân bay Tân Sơn Nhất, người đã có mặt tại Sài Gòn trong thời khắc lịch sử những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Ngoài những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, đây đó ta còn bắt gặp cả những “nỗi buồn chiến tranh” những trang viết thấm đẫm nước mắt. Ta biết được đã có lúc người lính hoang mang vì rất có thể họ sẽ đón nhận những điều phũ phàng nhất do chiến tranh. Đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Xây dựng Hà Nội (1972), Lê Văn Huỳnh tình nguyện đi bộ đội và xung phong vào chiến trường đúng thời điểm Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất. Được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn, người chiến sĩ này hiểu rằng “đã sắp đến lượt mình” và anh bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ, trên đó có khắc đủ họ tên, quê quán, năm sinh... rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò mẹ già, vợ trẻ, anh chị, bố mẹ vợ và cả đứa cháu trai bé bỏng sau này lo việc thờ cúng hương khói cho mình... Hay là sự dặn dò ba mạ của người lính trẻ vừa 18 tuổi, Nguyễn Ngọc Tấn: “Nếu ngày chiến thắng đến mà con không về nữa thì mong ba mạ đừng buồn. Hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc, ba mạ sẽ thấy bóng hình con trong đó”.

Và có một nỗi sợ bao trùm lên nhiều người lính trẻ, đó là sự hèn nhát. Họ không ít lần phải “dặn lòng” mình. Trong bức thư của liệt sĩ Phan Đồng để lại: “Đại đội con nhiều đứa trốn về, con nhất định chẳng một lần làm thế. Trốn về chẳng những bôi nhọ danh dự bản thân mà còn cả danh dự gia đình. Con đã được tuyên dương ở đại đội. Biết là nhiều gian khổ, nhưng con sẽ vượt qua một cách chắc chắn”. Là những phút nhớ nhà của liệt sĩ Trần Cảnh Hùng hy sinh khi chưa đầy 17 tuổi: “Những lúc nằm không là những lúc con buồn và nhớ gia đình nhất. Có những đêm mắc tăng giữa rừng nằm một mình, nghe mưa rơi lộp độp trên tăng cảm thấy mình cô đơn vô cùng, nước mắt cứ trào ra”. Là nỗi đau khi một lần về thăm vợ và con gái, do chiến tranh in hằn trên gương mặt ông với những vết sẹo mà đứa con gái không chịu nhận ba. Rồi sự “thất hẹn” ngày trở về sum họp, để “cha mẹ sẽ lo cho con chuyện lớn” đã không thể thực hiện; là những niềm thương cho người vợ “đã 13 năm mà chỉ sống bên em may ra được 4 tháng"...

Bao nhiêu dòng thư là bấy nhiêu dòng tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, đất nước. Sống giữa làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng những người chiến sĩ lại luôn nghĩ và lo cho người thân. Họ quên mình để an ủi động viên cha mẹ; lo hầm trú bom cả mẹ và các em ở nhà chưa đủ kiên cố, lo mẹ và các em không kịp xuống hầm khi máy bay bắn phá...

“Những lá thư thời chiến Việt Nam” hầu hết là thư của những chiến sĩ đã hy sinh. Những ngày tháng Bảy này, tri ân những Anh hùng liệt sĩ, lật giở gần 400 trang sách đọc những dòng thư in chữ nghiêng tôi không khỏi xúc động. Qua từng trang viết máu thịt ấy, ta có thể hình dung ra từng số phận con người, hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống của một thế hệ, những người góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trong những năm tháng chiến tranh, từng lá thư, từng trang nhật ký trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương, là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm và mong ước hòa bình của người lính nơi chiến trường và khi quá khứ khép lại, những lá thư ấy trở thành hồi ức còn mãi với thời gian.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]