(Baothanhhoa.vn) - Có nghị quyết mở đường, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, trên địa bàn huyện Quan Hóa đã có nhiều mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp ra đời, bước đầu mang lại giá trị, hiệu quả cao cho nông dân.

Kinh tế nông, lâm nghiệp mở hướng phát triển bền vững

Có nghị quyết mở đường, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, trên địa bàn huyện Quan Hóa đã có nhiều mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp ra đời, bước đầu mang lại giá trị, hiệu quả cao cho nông dân.

Kinh tế nông, lâm nghiệp mở hướng phát triển bền vữngÔng Hà Văn Thính (bên trái) ở bản Chong, xã Thiên Phủ (Quan Hóa) giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Gia đình ông Hà Văn Thính (63 tuổi) ở bản Chong, xã Thiên Phủ được biết đến là một điển hình trong phát triển sản xuất ở huyện Quan Hóa. Không chỉ mạnh dạn đưa cây mắc ca vào trồng và thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm trên núi đồi quê mình, ông còn mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ dân trong xã.

Hiện tại, gia đình ông Thính đã có gần 3ha với hơn 400 cây mắc ca, trong đó có quá nửa diện tích đang cho thu hoạch. Lần ông trồng gần đây nhất là hơn 100 gốc vào năm 2022 sau khi được cấp ủy, chính quyền xã Thiên Phủ cung cấp thông tin thị trường và định hướng phát triển để mở rộng diện tích. Còn trước đó, giống cây trồng này đã được ông Thính trồng thành 2 đợt, đợt 1 vào năm 2015, đợt 2 vào năm 2018.

Ông Thính cho biết, chỉ riêng số lượng trồng từ năm 2018 trở về trước với hơn 300 gốc, sau khi trừ nhân công, vật tư, phân bón, gia đình vẫn thu lãi trung bình 100 triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm làm ra được ông chia thành 2 loại, quả tươi bán cho thương lái, số ít được sấy khô, tách hạt, đóng gói bán tại địa phương. Dù bán quả mắc ca ở dạng nào thì sản phẩm ông làm ra luôn “cháy hàng”.

Trên địa bàn xã Thiên Phủ, cây luồng phát triển khá mạnh và được nhiều hộ gia đình trồng, chăm sóc. Tuy nhiên, theo tính toán của ông Thính, với giá hiện tại, 1ha luồng với chất lượng và năng suất cao thì mỗi năm cũng chỉ cho thu lãi chưa đầy 5 triệu đồng. Với diện tích luồng ở xa đường giao thông, thì giá trị kinh tế không bằng, vì chi phí vận chuyển khá cao. Do vậy, nếu trồng luồng thì người dân may lắm cũng chỉ đủ ăn, không thể thoát nghèo. Trong khi trồng cây mắc ca thì chi phí giống không quá cao, chỉ khoảng 15 triệu đồng/1ha, công chăm sóc không nhiều, người nông dân ở Thiên Phủ có thể làm được.

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Thiên Phủ đã có thêm 15 hộ trồng với diện tích hơn 10ha cây mắc ca. Được biết, xã Thiên Phủ đang hướng đến thành lập HTX và xây dựng sản phẩm OCOP đối với hạt mắc ca.

Ngoài mô hình cây mắc ca, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Quan Hóa còn có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi ra đời, bước đầu mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình chăn nuôi gà ri lai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia của các hộ gia đình ông Hà Văn Ướng (bản Chiềng) và gia đình ông Vi Văn Nguyên (bản Bất) xã Nam Động. Cả ông Hà Văn Ướng và ông Vi Văn Nguyên đều là đảng viên. Trong mô hình này, các hộ gia đình nhận con giống, chăn nuôi và bán gà thương phẩm cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển AAT Group. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc và vệ sinh phòng dịch, nên gà phát triển đạt yêu cầu, cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng/hộ. Hiện tại, những hộ dân này đang mở rộng mô hình theo hình thức hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho các hộ gia đình trong xã, hình thành các cơ sở chăn nuôi “vệ tinh”.

Từ nghị quyết mở đường

Cụ thể hóa chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 6/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2030 (gọi tắt là Nghị quyết 05 - PV). Không lún sâu vào việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì, nghị quyết này hướng đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng gần dân, sát dân, đồng hành với người dân để tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn, có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.

Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, chuyển biến hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Vận động cán bộ, đảng viên và người dân phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện đã tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và Trung ương, như: Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân tham gia mô hình. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phối hợp tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân...

Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 đã có 90 hộ, nhóm hộ gia đình và HTX triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp có quy mô ở 15/15 xã, thị trấn. Trong đó, các mô hình chăn nuôi bò, lợn, dê sinh sản đang được nhiều hộ gia đình tham gia với số lượng hàng nghìn con. Các mô hình ra đời không những giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về trình độ sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, ngoài các mô hình nông lâm nghiệp được khuyến khích theo Nghị quyết 05, cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Thời gian tới, huyện Quan Hóa sẽ thực hiện kiểm tra, đánh giá cụ thể để có giải pháp nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời chủ động hỗ trợ các xã, thị trấn, nhóm hộ, HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con...

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]