(Baothanhhoa.vn) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc bằng vàng” được dựng lên từ máu và nước mắt, tình yêu nước thẳm sâu. Đây cũng là chiến thắng từ đường lối chiến tranh Nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, của khát vọng độc lập – tự do; ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Đặc biệt, bài học về việc khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là nền tảng, động lực to lớn đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Khơi dậy sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc bằng vàng” được dựng lên từ máu và nước mắt, tình yêu nước thẳm sâu. Đây cũng là chiến thắng từ đường lối chiến tranh Nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, của khát vọng độc lập – tự do; ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Đặc biệt, bài học về việc khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là nền tảng, động lực to lớn đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Khơi dậy sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới

Chiếc xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Chiến tranh Nhân dân - một cách nói thật súc tích, giản dị mà cao quý, thiêng liêng về chiến lược quân sự riêng có của Việt Nam nhằm chỉ chung các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc do Nhân dân các dân tộc Việt Nam tiến hành trong diễn trình lịch sử. Trong đó, tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết như một “lực lượng vô địch”, kết dệt nên “thành trì lòng dân” kiên cố, bền chặt, sẵn sàng ngăn bước và đè bẹp bất kỳ âm mưu nào của quân địch làm phương hại đến quốc gia, dân tộc Việt, đưa con thuyền cách mạng cập bến thành công.

Nhớ những ngày cả dân tộc đoàn kết, kề vai sát cánh, chung một ý chí, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn với những chiến thắng giòn giã tại cứ điểm Him Lam và Độc Lập, sau đó là Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm này. Trong tháng 4, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh. Liên tiếp nhận những “đòn đau”, quân địch rơi vào thế bị động, mất tinh thần cao độ. Dù thực dân Pháp đã phải gia tăng quân số lên đến 16.000 nhưng cũng không thể nào lật ngược được “thế cờ”. Thừa thắng xông lên, trong các ngày từ 1 - 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20” và đi vào lịch sử thế giới. Bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đồng minh trong một chiến dịch quân sự lớn.

Điều gì đã giúp Việt Nam - một đất nước nhỏ bé, vẫn bị xem là “nhược tiểu” đủ sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”? Sau này khi tổng kết về chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu của cả Việt Nam và Pháp đều thống nhất quan điểm: Nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của QĐNDVN tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn sức người và của để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà thực dân Pháp cho rằng không thể giải quyết được.

Lần giở lại những dấu mốc lịch sử cùng những sự kiện, diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, các thế hệ cháu con hôm nay càng thêm thấm thía bài học về phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch đưa ra quyết định cực kỳ quan trọng, kịp thời, chính xác chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã đặt ra áp lực vô cùng lớn đối với công tác hậu cần. Tính toàn sơ bộ, bước đầu, ta phải huy động cho chiến dịch ít nhất 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối và 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá.

Nhưng rồi, chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo, gian khó ấy, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo, sức mạnh đại đoàn kết một lần nữa lại kết tỏa từ khắp mọi miền Tổ quốc, khơi dậy khí thế, ý chí trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Một trong những hình ảnh đẹp, tiêu biểu nhất cho tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tỏa sáng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tạc vào những trang sử vàng chói lọi của dân tộc - đó là hàng vạn xe đạp thồ của dân công hỏa tuyến hăng hái vượt đèo, núi cao dưới làn mưa bom bão đạn, không quản hiểm nguy, gian khó vẽ nên con đường tiếp lương, tải đạn hào hùng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam với sức mạnh thời đại, là “thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần, khí phách Điện Biên Phủ cùng những bài học quý báu sẽ “mãi mãi cổ vũ Nhân dân ta vững bước tiến lên trên hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới”. Ở đó, vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không bao giờ thay đổi. Nó là di sản văn hóa, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, trong bất kỳ thời đại nào, biến động ra sao, việc gìn giữ, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, cơ sở vững chắc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Với thế và lực tích luỹ được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt - đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt có trách nhiệm vinh quang, cao cả”.

Với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phát động nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua, xây dựng nhiều mô hình thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân, cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đồng tình, tham gia, hưởng ứng. Ví như việc phối hợp triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là hoạt động tiêu biểu, nổi bật trong việc đổi mới phương thức triển khai công tác an sinh xã hội.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Hoạt động đối ngoại Nhân dân có đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín, mở ra cơ hội phát triển cho đất nước...

Trong kỷ nguyên mới, dân tộc ta cần phải tiếp tục đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để không ngừng vươn tới, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Bài và ảnh: Đăng Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]