Khi người già “cô đơn” tìm cách vượt qua nỗi buồn
Theo thống kê, năm 2023 quy mô dân số Việt Nam khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi (NCT). Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” với hơn 21 triệu NCT (chiếm gần 20% tổng dân số), trong đó có hàng triệu NCT sống cô đơn một mình.
Mạng xã hội giúp người cao tuổi kết nối gần hơn với con, cháu và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1940, quê ở huyện Hoằng Hóa luôn được chồng quan tâm, chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ; thậm chí trời chỉ hơi trở lạnh là ông không cho bà ra vườn hoặc không cho rửa bát; tất cả mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ do một tay ông lo liệu. Vì vậy, những NCT cùng xóm ai cũng ghen tỵ với bà vì có người chồng yêu thương, con cái thành đạt. Nhưng rồi, trong một lần ông đột nhiên sốt, con cái đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Và rồi chỉ sau 2 lần xạ trị, ông đã không qua khỏi.
Hiểu được sự mất mát to lớn của mẹ nên các con bà Hoa đã thay nhau thu xếp công việc về với bà; thậm chí đưa bà ra Hà Nội để ở cùng, nhưng một phần vì các con, cháu đi làm, đi học cả ngày đến tối mới về, một phần không muốn để bàn thờ ông lạnh lẽo nên bà nằng nặc đòi về quê sống.
Trò chuyện với bà Hoa trong căn nhà nhỏ, với mảnh sân trước nhà đủ các loài hoa khoe sắc và những luống rau xanh mơn mởn, bà Hoa bộc bạch: "Năm đầu tiên ông nhà tôi mới mất, tôi bị hụt hẫng về tinh thần nên sức khỏe suy sụp; tôi thường xuyên phải nhập viện vì bệnh tim tái phát. Các con phải thay nhau nghỉ làm để chăm sóc tôi. Thấy các con tất tả chạy ngược, chạy xuôi chăm lo cho mẹ nên tôi tự nhủ không được suy sụp tinh thần, phải học cách chấp nhận với sự cô đơn để không làm phiền con cái".
Từ ngày trở về quê sinh sống, tôi tập làm quen với việc chăm sóc bản thân, ăn uống, tập thể dục đúng giờ. Tôi cũng chọn niềm vui cho mình bằng việc cải tạo lại mảnh vườn nhỏ trước nhà, trồng vài luống rau sạch gửi ra cho các con; dành một mảnh đất nhỏ, trồng các loại hoa mà mình yêu thích; chiều lại mấy bà hàng xóm sang ngồi trò chuyện, rồi rủ nhau đi bộ trong xóm... Một tháng đôi lần các con, cháu về thăm. Nhìn thấy tôi mạnh khỏe, vui vẻ là chúng yên tâm công tác rồi.
Cũng như bà Hoa, từ khi chồng mất, bà Trần Thị Lợi, sinh năm 1949, ở phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa luôn xác định ở một mình, không đi theo con vào TP Hồ Chí Minh. Bà Lợi lý giải: "Ở quê vườn tược rộng rãi, có bà con lối xóm để trò chuyện cho hết thời gian, chứ ở thành phố lúc nào cũng thui thủi một mình. Từ sáng sớm, con cháu ra khỏi nhà, đến tối mịt chúng nó mới về. Ăn, uống, tắm giặt xong là đứa nào vào phòng đứa đấy, đóng cửa lại làm việc, học hành... không có thời gian trò chuyện nên không khác gì “nhà tù giam lỏng”. Để không bị cô độc ở quê, sáng sớm bà tham gia với các ông, bà trong thôn đạp xe đạp, chiều đến ra nhà văn hóa thôn tập thể dục, tối đi sinh hoạt câu lạc bộ liên thế hệ. Cứ thế, thời gian không chỉ trôi đi nhanh mà còn rèn luyện sức khỏe cho bản thân, không phải làm phiền con, cháu hay bất kỳ ai.
Không đủ sức khỏe như bà Hoa, bà Lợi để hằng ngày đi tập thể dục và có bà con lối xóm để trò chuyện, ông Lê Văn Sơn, ở huyện Quảng Xương đã sống khép mình trên mảnh đất của cha ông để lại. Bởi, khi còn trẻ, làm ra tiền, ông đã bỏ vợ con ở quê nhà để vào Nam xây dựng hạnh phúc mới. Nhưng khi về già, không còn làm ra kinh tế nữa lại hay ốm đau, bệnh tật, hạnh phúc cũng “bay theo gió”. Ông trở về quê, sửa lại căn nhà cũ của bố mẹ, sống bên cạnh anh em, họ hàng. Cũng chính vì có nỗi niềm riêng nên ông ít giao tiếp với bà con chòm xóm. Hai năm trở lại đây, ông thấy sức khỏe sa sút hẳn, khó có thể phục vụ tốt cho bản thân nên ông nhờ người thân kiếm cho một người giúp việc đến nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Thỉnh thoảng lại có người trò chuyện.
Ông Sơn bộc bạch: "Năm nay, tôi 76 tuổi rồi. Cuộc đời tôi trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng đến tuổi “xế chiều”, tôi nhận thấy “tiếng nói” của mình trong gia đình không còn nữa, sức khỏe ngày lại một giảm sút. Vì vậy, tôi về quê sinh sống để gần anh em, họ hàng. Cũng may, tôi có một khoản tiết kiệm dự phòng cho bản thân nên khi ốm đau, bệnh tật không trở thành gánh nặng cho con, cháu. Vì vậy, mỗi người trẻ khi còn sức khỏe, cố gắng làm việc, tiết kiệm để lúc biến cố xảy ra còn có chỗ bấu víu”.
Còn đối với ông Hà Văn Toản, ở huyện Đông Sơn, năm nay 80 tuổi. Cách đây 4 năm con gái sắm cho ông chiếc điện thoại thông minh, ông làm quen với mạng xã hội, như trẻ ra vài tuổi. Bởi, khi buồn ông lại vào nghe tin tức, xem các video hài hước hay nghe những bản nhạc ưa thích, xem những bài tập thể dục cho người già để tập theo, nấu những món ăn có lợi cho sức khỏe... Ông cũng thường xuyên gọi điện, kết nối với bạn bè, con cháu ở xa. Ông sử dụng điện thoại như “vật bất ly thân”, vì con gái ông cài đặt cả app ngân hàng để đi đâu ông cũng có thể thanh toán được, thậm chí ông còn mua hàng qua mạng xã hội, ứng dụng mua sắm trực tuyến trên Shopee, Lazada.
Ông Toản cho biết: “Dùng mạng xã hội cũng có cái lợi, cũng có cái không lợi đó là ông hay xem các quảng cáo bán thuốc, bán đồ dùng... Nghe thấy bùi tai là ông lại đặt hàng. Có cái dùng được, có cái không thể dùng được, con gái hay cáu bẳn ông vì bị “bẫy” trên mạng”.
Có thể nói, lão hóa mang lại nhiều thay đổi có thể khiến cuộc sống của những NCT trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Một trong những vấn đề lớn nhất với NCT là các vòng tròn kết nối xã hội của họ dần bị thu hẹp khi năm tháng trôi qua, nhất là người già cô đơn, dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, khiến họ suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
Vì vậy, chủ đề Ngày Quốc tế NCT năm 2024 là “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT”. Chủ đề này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ những định kiến trong việc chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung, đồng thời nâng cao nhận thức việc chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng NCT, không xem NCT là gánh nặng. Nhất là người Việt Nam có truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”, do vậy con cháu nên là “bờ vai tinh thần” vững chắc cho người già nương tựa, giúp họ phần nào nguôi ngoai đi sự tổn thương, cô độc ở tuổi “xế chiều”.
Và, để giảm bớt sự cô đơn, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho NCT, đó là nên thường xuyên mời bạn bè đến nhà trò chuyện, nấu ăn, tập dưỡng sinh; học cách sử dụng các thiết bị công nghệ để kết nối internet với xã hội, tiện liên lạc với bạn bè, con cháu. Nếu còn sức khỏe, NCT nên tham gia vào các hoạt động ở địa phương như các câu lạc bộ hát chèo, trồng cây, chơi cờ, đạp xe đạp... Thông qua các hoạt động, giúp NCT mở rộng được nhiều mối quan hệ khác bằng cách kết giao, chia sẻ những kinh nghiệm và sở thích với những người cùng tuổi...
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-12-15 14:10:00
Phát huy vai trò nhân sĩ, trí thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-12-15 13:46:00
Gieo mầm tri thức nơi biên cương
-
2024-10-02 10:59:00
Từ những “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”
Bàn giao nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Hơn 4.000 hành khách chưa nhận hoàn trả tiền vé tàu hỏa được bảo lưu
Thiệu Hóa quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn
Mưu sinh mùa lũ ở khu phố Ngọc Bồ
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Yên, Thành Trực, huyện Thạch Thành
Chặn nguy cơ, giữ hình ảnh đẹp
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Âm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân
Quỹ Vì tương lai xanh khởi động cuộc thi hùng biện - tranh biện Tiếng nói Xanh mùa 2
Quy định về mở, sử dụng, khóa tài khoản giao thông