(Baothanhhoa.vn) - Việc đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân có ý nghĩa quan trọng tất yếu dẫn đến hành động và thành quả đúng. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã chú trọng ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương đúng đắn trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.’

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hậu Lộc khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững

Bài 1: Từ những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Việc đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân có ý nghĩa quan trọng tất yếu dẫn đến hành động và thành quả đúng. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã chú trọng ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương đúng đắn trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.’

Bài 1: Từ những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhì, xã Tuy Lộc cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.A

Nghị quyết dẫn đường

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa. Cụ thể đã ban hành 11 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết chuyên đề; ban hành 26 chỉ thị, 408 thông báo kết luận, 76 kế hoạch, hướng dẫn và nhiều văn bản khác, để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời chỉ đạo, tiến hành tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, huyện cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, với 245 báo cáo. Trên cơ sở đó, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp chỉ đạo tiếp nối.

Cùng với đó, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và cơ chế, chính sách gắn phát triển nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhất là Chỉ thị số 07 về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng 2020-2025”, nhằm khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết hình thành các chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngay sau đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, huyện cũng đã xây dựng 1 trong 3 chương trình trọng tâm là tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, để thực hiện chương trình này.

Đặc biệt, huyện đã ban hành Nghị quyết 02 về đổi mới mô hình HTX; Nghị quyết 03 về xây dựng hệ thống lò đốt, xử lý rác thải; Nghị quyết số 38 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh huyện Hậu Lộc giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết số 06 về cơ chế, chính sách hỗ trợ khen thưởng và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết số 14 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn an toàn thực phẩm và hỗ trợ lò giết mổ tập trung gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, trên cơ sở đặc điểm tình hình của các địa phương, hàng năm, huyện thực hiện việc giao chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cho từng đơn vị, thường xuyên giao ban, chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Thành quả từ “những trái ngọt”

Trong rất nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, thành quả nổi bật nhất vẫn là “những trái ngọt” từ chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo chân cán bộ xã Tuy Lộc, chúng tôi đến thăm khu trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhì. Năm 2016, khi xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa, chị mạnh dạn thuê đất để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Từ nguồn vốn của gia đình và vốn huy động được khoảng 2 tỷ đồng, chị đầu tư cải tạo đất, xây dựng nhà xưởng, mua cây, con giống... Đến nay, trang trại rộng 2.500m2 của gia đình chị được trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà hậu bị, nuôi thả cá; mỗi năm cho thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội, trang trại của gia đình chị còn giải quyết việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng...

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc khẳng định: Những năm gần đây, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, triển khai cơ giới hóa đồng bộ trong gieo trồng gắn với quy hoạch thâm canh cánh đồng mẫu lớn. Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, những diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được xã quy hoạch thành những trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả (quy mô mỗi trang trại từ 1,5-2 ha). Từ năm 2016 đến nay, xã đã chuyển đổi được 20 ha đất lúa kém hiệu quả sang trang trại tổng hợp. Toàn xã có 45/68 trang trại, gia trại đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Từ xã Tuy Lộc nhìn rộng ra trên địa bàn huyện Hậu Lộc, sau 4 năm (2015-2019), toàn huyện có 13/23 xã, thị trấn tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đến người nông dân. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.500 ha đất kém hiệu quả sang trồng, chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, như: Vùng lúa năng suất, chất lượng cao ở các xã: Thuần Lộc, Mỹ Lộc, Thành Lộc, Tuy Lộc...; vùng rau xuất khẩu ở các xã: Phú Lộc, Liên Lộc, Hoa Lộc...; vùng nuôi hải sản nước mặn, nước lợ ở các xã: Đa Lộc, Hòa Lộc, Xuân Lộc...; nuôi ngao ở các xã: Hải Lộc, Đa Lộc... Một số xã có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi đạt kết quả khá cao như: Hoa Lộc, Phú Lộc, Liên Lộc, Đa Lộc và Đồng Lộc.

Từ thực tế cho thấy, mô hình chuyển đổi đất sản xuất từ đất 2 vụ lúa sang mô hình nuôi tôm nước lợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 245,2 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 13,8 lần so với trồng lúa. Tiếp đến là mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8,4 lần so với trồng lúa. Mô hình trồng cây ớt xuất khẩu, cây khoai tây sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được cao hơn diện tích đất trồng lúa từ 5-7 lần so với sản xuất thông thường. Đối với mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại hình chăn nuôi có liên kết (chăn nuôi gia công), sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi gà gia công đạt 152 triệu đồng/năm; nuôi lợn thịt đạt 128 triệu đồng/năm; nuôi lợn gia công đạt 82,5 triệu đồng/năm; chăn nuôi bò đạt 81,1 triệu đồng/năm (trong điều kiện ổn định, không có dịch bệnh). So với sản xuất 2 vụ lúa thông thường trên cùng diện tích, các mô hình kể trên đều cho giá trị kinh tế đạt cao hơn gấp trên 10 lần.

Nhìn chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hậu Lộc đã có sự chuyển biến rõ nét ở một số lĩnh vực, một số ngành, ở một số cây trồng, vật nuôi và một số sản phẩm chủ lực của huyện. Có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật gắn với công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý Nhà nước của ngành. Vì vậy, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định sự cần thiết, đúng đắn và hợp lòng dân của chủ trương này.

Trong 6 tháng cuối năm 2020 và quý I-2021, huyện Hậu Lộc sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề, nhằm cụ thể hóa các chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, cần tạo đà bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung tích tụ đất đai, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững”; Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách mới để triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Hậu Lộc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề án chuyển đổi đất lúa màu, đất xấu sang trang trại, gia trại tổng hợp, trồng cây ăn quả và các mô hình có giá trị kinh tế cao; kế hoạch mở rộng vùng sản xuất khoai tây, dưa hấu, rau an toàn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn VietGap; đề án mở rộng diện tích nhà lưới, nhà màng để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đề án khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân... Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025.

Bài 2: Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]