Hương ước - truyền thống và hiện đại
Đã có khá nhiều bàn luận, khảo cứu về hương ước nhưng có một điểm tương đối thống nhất rằng, đây là một bộ phận quan trọng của văn hóa làng.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa chăm chú lắng nghe thuyết minh về giai thoại “người thầy dạy chữ ven đường Nguyễn Sư Lộ” và truyền thống hiếu học của làng Bột Thượng xưa, xã Hoằng Lộc nay. Ảnh: Hương Thảo
Theo nhiều sử liệu, hương ước xuất hiện khá sớm, cùng thời với các ngôi làng cổ nhất của xứ Thanh, của Đại Việt và bao gồm khá nhiều tên gọi như: Hương biên, Hương khoán, Hương lệ, Khoán ước, Khoán lệ, Điều ước, Điều lệ, Cựu khoán tục lệ... Do vậy, phần đa các nhà nghiên cứu về văn hóa lịch sử làng quê Việt Nam đã đúc kết: Hương ước có thể được xem như là một hệ thống luật tục của đơn vị làng, trong hệ thống quản trị xã hội, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật Nhà nước. Ở một chừng mực nào đó, hương ước còn là “cánh tay nối dài” của chính quyền mà không cần phải bố trí nhân lực hành chính để giám sát hoạt động và cũng không cần phải chi phí tiền bạc từ ngân khố.
Hương ước được cộng đồng thôn làng tôn trọng, giữ gìn trở thành một truyền thống, vì đó là những thỏa thuận, cam kết với nhau mà các nội dung chính trong văn bản gắn chặt với đời sống của cộng động cư dân bản địa trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của phong tục tập quán đồng thời phải phù hợp với pháp luật quốc gia.
Do những mặt tích cực và cập nhật nêu trên, xung quanh phạm trù hương ước và quy cách “chế tài” thực hiện hương ước đã để lại nhiều câu chuyện thú vị và rất đáng suy nghĩ.
Ví như câu chuyện về bản hương ước của làng Gia Miêu (xã Hà Long, huyện Hà Trung) – vùng đất quý hương của nhà Nguyễn, quy định trai làng dù là bạch đinh, “chân trắng” hay mệnh quan, thiên tử, dù làm ăn, công cán gần xa nơi đâu, hằng năm ít nhất cũng phải một lần về tế Thành hoàng hoặc dâng hương tại nhà thờ tổ, nếu không sẽ bị làng phạt vạ. Thế mà vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), nhà vua lại không xa giá về tế Thành hoàng, tế miếu tổ. Căn cứ vào hương ước, làng cử một đoàn gồm các bô lão đi bộ từ Gia Miêu vào kinh thành Huế trình lên đức vua bản hương ước của làng. Nhà vua phải thân đến quán xá (nhà khách) tạ lỗi, vì bận việc nước mà ngài trót sao nhãng trách nhiệm “trai đinh”. Tạ rồi, vua Minh Mạng phải cho thuê một người về Gia Miêu làm mõ sáu tháng để chuộc lỗi với làng, thực hiện nhiệm vụ “trai đinh” trước hương ước.
Làng Bột Thượng xưa (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa nay) còn có thêm bản Thúc ước, gồm những quy định về các điều khoản trong hương ước của làng và các mục ưu đãi sự nghiệp khuyến học, tôn vinh nhân tài từ khoa cử, trường học. Hương ước cũng thêm phần phụ lục về Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, người được Nhân dân và các bậc thức giả trong vùng tôn thành mỹ danh Nguyễn Sư Lộ, tức là người thầy bên đường họ Nguyễn. Hòn đá mà thầy Sư Lộ ngồi dạy học, cũng được dân làng trân trọng đặt theo tên gọi của bậc tài danh. Hiện hòn đá Sư Lộ được đặt trong khuôn viên của Bảng môn đình – nơi được ví như “Quốc tử giám trong lòng xứ Thanh” có tấm bia ghi dòng chữ: “Học trò đi học thì phải vào nhà học, phải theo bài bản. Nhưng trong đời có biết bao nhiêu người không được đi học, không có lớp. Và cũng có bao nhiêu người phải học ngoài nhà trường. Lớp học bên đường cũng là lớp học!”.
Hương ước làng Hòa Chúng (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) quy định dân ngụ cư của làng nếu có đóng góp tiêu biểu và học hành giỏi giang thì rút ngắn thời gian trở thành đinh của làng. Nhờ thế mà có một thầy đồ đến làng dạy học, được làng công nhận là “đinh” chỉ trong một năm vì chính thầy đã đỗ cử nhân và có hai học trò đỗ tú tài.
Còn có thể kể rất nhiều những điểm tích cực, đặc biệt là ở sự nghiệp khuyến học ở các làng nổi tiếng như: Đình Bảng (Bắc Ninh), Đường Lâm (Hà Nội), Kẻ Rị, Dương Xá, Cổ Bôn (Thanh Hóa)...
Sau một thời gian tương đối dài, do một số nguyên nhân, hương ước ít được quan tâm, tuy nhiên sức sống của văn bản dân gian này vẫn tồn tại và âm ỷ nảy mầm trong không ít các cộng đồng làng xã.
Bước sang thời kỳ đổi mới, lấy việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" làm nền tảng, làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách lớn về văn hóa, trong đó hương ước đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp và phong tục tập quán của mỗi làng quê thôn bản, tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007, quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong các chính sách này, nội dung của hương ước có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng làng trong sự nghiệp XDNTM, bảo vệ quyền lợi và khơi gợi trách nhiệm của người dân sống trong từng làng xã; xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi mê tín,... nhằm tạo không khí dân chủ, đoàn kết, tính tự quản cao, tinh thần tương tác an sinh xã hội nhiệt thành, đặc biệt là với sự nghiệp khuyến nông, khuyến học.
Văn bản hương ước mới với sự tiếp nhận tinh hoa của phong tục tập quán truyền thống kết hợp với nội dung đổi mới trong thời hiện tại được thực hiện trên cơ sở bàn luận, thuyết phục, thống nhất lòng tin để mọi người trong cộng đồng thôn làng tự giác tuân theo. Việc xây dựng nội dung hương ước cũng đã được thể chế cụ thể, đảm bảo cho mỗi thành viên trong thôn làng và các đoàn thể quần chúng tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp ý kiến, tự nguyện thực hiện các nội dung đã được thống nhất ban hành, khác hẳn với cách xây dựng hương ước “lão quyền” xa xưa, do các tiên chỉ, tộc biểu, trùm họ... quyết định.
Trong những năm gần đây, việc xây dựng hương ước và viết lịch sử quê hương, bản quán được đông đảo các làng xã thực hiện và luôn nổi bật những điểm sáng. Ở làng Ngọc Tháp (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống), bản hương ước của làng được soạn khá khúc triết với các nội dung khuyến học, khuyến nông, khuyến khích tương giao an sinh cộng đồng đã được khắc, treo trang trọng tại bối cảnh trung tâm của xã, nơi có nhà văn hóa, có bia đá vinh danh các bậc khoa cử, các Anh hùng liệt sĩ và những người có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương. Việc quảng bá này rất được dân làng ủng hộ và lớp trẻ càng như được bồi đắp thêm lòng tự hào, ý chí vươn lên, xứng đáng với những tấm gương, những công lao của tiền nhân.
Hương ước của các làng Hòa Chúng (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), Bột Thượng (Hoằng Hóa), làng Kẻ Rị (Thiệu Hóa)... được các họ tộc nối nhánh thành một số tộc ước như: Tộc ước của họ Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh; họ Lê Đồn, hậu duệ của Đại tướng quân Lê Lương, thời Tiền Lê (TP Sầm Sơn); họ Lê Văn ở huyện Thiệu Hóa – quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu... Nội dung các tộc ước này nhấn mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến nông, khuyến thiện và tôn vinh sự đóng góp xây dựng thôn làng, quê quán.
Sức sống bền bỉ và sự tiếp biến của hương ước là một hấp lực để những người xa quê hướng về tổ tiên, bản quán và có những đóng góp về tinh thần, vật chất thường xuyên rất nghĩa cử, thành tâm. Tình cảm đó đã đi vào thi ca với biết bao nhiêu cảm động và lan tỏa như: “Ngày xuân con cháu về đền/ Chắp tay hương hỏa rước tiên tổ về/ Ai bươn bả, ai xa quê/ Nẻo thiêng lại gặp đề huề ông cha” (Từ Nguyên Trực)...
*Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách, bài viết: “Văn hóa làng”, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa xuất bản năm 1990; “Đại Việt sử ký toàn thư”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội- 2002; “Địa chí Văn hóa xã Quảng Thọ”, NXB Thanh Hóa...
Tiến sĩ, Nhà văn Lê Ngọc Minh
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-02-13 14:41:00
Hàng nghìn người dân và du khách trẩy hội Phủ Na