(Baothanhhoa.vn) - Việc xây dựng và được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã khó, song duy trì, phát triển sau bảo hộ còn khó khăn hơn. Bởi, nhãn hiệu tập thể mang tính cộng đồng, nếu không có sự kết nối, duy trì thì khó có thể phát huy sức mạnh của tập thể. Do đó, làm thế nào để phát huy, phát triển nhãn hiệu tập thể đang làm bài toán khó đối với nhiều tổ chức hội và chính quyền địa phương.

Gian nan phát triển nhãn hiệu tập thể sau bảo hộ

Việc xây dựng và được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã khó, song duy trì, phát triển sau bảo hộ còn khó khăn hơn. Bởi, nhãn hiệu tập thể mang tính cộng đồng, nếu không có sự kết nối, duy trì thì khó có thể phát huy sức mạnh của tập thể. Do đó, làm thế nào để phát huy, phát triển nhãn hiệu tập thể đang làm bài toán khó đối với nhiều tổ chức hội và chính quyền địa phương.

Gian nan phát triển nhãn hiệu tập thể sau bảo hộ

Sản xuất bánh gai Tứ Trụ tại cơ sở Hải Hạnh, xã Thọ Diên (Thọ Xuân).

Toàn tỉnh hiện có 15 sản phẩm địa phương được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể, các nhãn hiệu chứng nhận gồm: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, miến gạo Thăng Long, kẹo nhãn Lang Chánh, mực khô Sầm Sơn, nước mắm Sầm Sơn, Cam Xuân Thành, bánh lá răng bừa Xuân Lập.

Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể đều được thành lập hiệp hội hoặc hội để kết nối các cơ sở sản xuất của địa phương, từ đó phát triển thành viên để cùng hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Thế nhưng, trên thực tế, sau khi được thành lập, có tổ chức hội hoạt động hiệu quả, nên phát triển được nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm. Song cũng có những tổ chức hội hoạt động không hiệu quả.

Năm 2014, sản phẩm bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân) được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch cho sản phẩm. Sau khi sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, cùng năm hiệp hội bánh gai Tứ Trụ đã được thành lập. Hiệp hội hoạt động với tôn chỉ, mục tiêu tập hợp các cơ sở sản xuất bánh gai trên địa bàn xã Thọ Diên và các xã trong huyện liên kết cùng phát triển, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất với cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền trong việc xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Lê Hữu Lâm, Chủ tịch Hiệp hội bánh gai Tứ Trụ, nhớ lại: Năm đầu mới thành lập, đa số các hộ làm nghề đều háo hức tham gia. Thời điểm đó, có tới hơn 40 hội viên tham gia, tương ứng với hơn 40 cơ sở sản xuất. Đi vào hoạt động, để phát triển được nhãn hiệu tập thể, Ban chấp hành hiệp hội đã thiết kế logo, nhãn mác. Đồng thời, kết nối các thành viên để quảng bá giới thiệu sản phẩm, liên kết du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển hoạt động của hiệp hội gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Hiệp hội bánh gai Tứ Trụ gần như tan rã, ngừng hoạt động.

Lý giải nguyên nhân về việc hiệp hội không phát huy hiệu quả, ông Lê Hữu Lâm, cho rằng: Nhãn hiệu tập thể bánh gai Tứ Trụ được xây dựng trên cơ sở là làng nghề truyền thống, nhiều hộ dân làm nghề vẫn sản xuất và kinh doanh theo nếp cũ, dạng cha truyền con nối, mạnh ai nấy làm, gây khó khăn cho quản lý và phát triển nhãn hiệu. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân làm nghề không thích bị ràng buộc bởi những quy định của hiệp hội. Ngoài ra, do nhận thức của người dân còn hạn chế, họ nghĩ rằng tham gia hiệp hội không có lợi ích gì, nên dần từ bỏ. Hiệp hội hoạt động không hiệu quả, không kết nối được các thành viên, thế nên, sau 8 năm vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bánh gai Tứ Trụ vẫn chưa thể vươn xa như kỳ vọng.

Sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2014. Cùng năm Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng cũng được thành lập. Từ khi được thành lập đến nay, hiệp hội luôn duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, số hội viên tăng lên không đáng kể. Lý giải về điều này, ông Dương Văn Tác, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn), cho biết: Theo điều lệ của hiệp hội, những hộ được kết nạp làm thành viên phải có cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến mắm bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy mô, sản lượng sản xuất đạt từ 40 tấn/năm trở lên. Ngoài ra, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng, độ đạm và an toàn thực phẩm. Vì vậy, mặc dù đã có nhiều hộ xin tham gia thành viên hiệp hội, song do chưa bảo đảm được các tiêu chí nên không được kết nạp. Số thành viên hạn chế đồng nghĩa với việc tính kết nối, phát huy sức mạnh tập thể, cộng đồng yếu cả về sức và nguồn lực, nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nhãn hiệu tập thể nước mắm Do Xuyên - Ba Làng vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.

Tìm hiểu thêm nguyên nhân về việc phát triển nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh, như: miến gạo Thăng Long, nước mắm Khúc Phụ, nhiều hộ dân cho rằng, các sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể hay được bảo chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của cả hiệp hội, hội, HTX không của riêng ai nên không tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ thương hiệu dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, làm cho danh tiếng của sản phẩm bị ảnh hưởng. Vì vậy, dù đã có thương hiệu chung nhưng các các hộ dân vẫn theo kiểu mạnh ai người ấy làm, thiếu tính liên kết. Lối tư duy này khiến các hộ làm nghề đang đánh mất đi “báu vật” để phát triển nhãn hiệu và thương hiệu cho sản phẩm.

Việc phát triển nhãn hiệu tập thể, đòi hỏi phải có thời gian, kế hoạch, lộ trình và vì thế doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh phải biết kết hợp với cơ quan quản lý địa phương, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ, giới thiệu, trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu. Để phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể sau bảo hộ, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tranh thủ các nguồn từ kinh phí hỗ trợ từ các dự án của trung ương và địa phương cho doanh nghiệp, HTX và các hộ kinh doanh. Đồng thời, cần tăng cường giới thiệu và trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ đăng tải sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể trên các website của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, các hiệp hội, hội, HTX đại diện, chủ sở hữu nhãn hiệu phải tăng cường công tác quản lý hội viên, quản lý chất lượng sản phẩm đã được đăng ký. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng cần tăng cường nhận thức, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, chủ động trong kinh doanh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]