(Baothanhhoa.vn) - Thời gian của năm 2023 chỉ còn đếm bằng ngày, trong khi số vốn đầu tư công giải ngân mới đạt 61,5% kế hoạch. Con số này đồng nghĩa với việc, khối lượng công việc trong thời gian eo hẹp cuối năm là rất lớn. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải tranh thủ từng phút, từng giờ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân phần vốn còn lại.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa

Thời gian của năm 2023 chỉ còn đếm bằng ngày, trong khi số vốn đầu tư công giải ngân mới đạt 61,5% kế hoạch. Con số này đồng nghĩa với việc, khối lượng công việc trong thời gian eo hẹp cuối năm là rất lớn. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải tranh thủ từng phút, từng giờ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân phần vốn còn lại.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữaThi công hạng mục hạ tầng đường nội bộ Dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: MINH HẰNG

Con số phản ánh khó khăn ở chặng cuối

Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023. Song, do những hạn chế, khó khăn và vướng mắc về chính sách, trong tổ chức triển khai thực hiện và những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2023, đã khiến cho 14.924,312 tỷ đồng (tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh), mới giải ngân được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% kế hoạch (tính đến ngày 25/11/2023). Dẫu rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, con số 61,5% đã cao hơn 2,03% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (đạt 59,47%). Song, đây vẫn là con số đang và sẽ tạo ra rất nhiều áp lực cho chặng cuối, khi thời gian còn lại của năm 2023 chỉ còn được tính bằng ngày.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2023, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách. Đặc biệt là tiến hành điều chỉnh 9 đợt kế hoạch vốn năm 2023, với số vốn là 935,148 tỷ đồng (trong đó, có 4 đợt kế hoạch vốn năm 2023 giữa các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân chậm sang cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh, với tổng số vốn là 671,732 tỷ đồng; 5 đợt điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 trong nội bộ của các dự án, nội bộ ngành, lĩnh vực của đơn vị sử dụng nguồn vốn, với tổng số vốn là 263,416 tỷ đồng). Hiện nay, UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh thêm 1 đợt kế hoạch vốn năm 2023 giữa các dự án, với số vốn là 188,89 tỷ đồng; đồng thời, dự kiến 2 đợt điều chỉnh vốn trong nội bộ của dự án trong tháng 12/2023 là 28,4 tỷ đồng, nhằm tranh thủ thời gian để giải ngân cao nhất số vốn còn lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp nói trên, thiết nghĩ, phải tháo được “nút thắt” về con người, mà cụ thể ở đây là tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị. Bởi thực tế, có những địa phương, đơn vị giải ngân tốt, dù ban đầu vướng thể chế. Cụ thể, trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% KH). Điển hình như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công Thương, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND huyện Yên Định... Bên cạnh đó, vẫn còn 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình toàn tỉnh và 3 chủ đầu tư chưa giải ngân. Có thể điểm ra đây một số cái tên “nổi bật” như Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh... và các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Ngọc Lặc, Thường Xuân...

Cùng với đó, trong tổng số 296 dự án, nhiệm vụ, chương trình được giao vốn, có 103 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, với số vốn là 926,106 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án có tiến độ giải ngân chậm, như dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa- Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), hợp đồng BOT; cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, vay vốn AFD; các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp của một số dự án còn chậm, theo đó, tính đến ngày 4/12/2023, vẫn còn 17 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp (UBND huyện Mường Lát là 6 dự án; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND thị xã Nghi Sơn, UBND các huyện Ngọc Lặc, Nông Cống, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân là 1 dự án; UBND TP Sầm Sơn, huyện Quan Hóa là 2 dự án)...

“Quyết liệt, thần tốc”

Mới đây nhất, khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (diễn ra vào sáng 5/12), Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã một lần nữa chỉ ra những “nút thắt”, trở ngại đã kéo chậm, kéo lùi tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này trong suốt gần 1 năm qua. Bên cạnh các vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ, thì “điểm nghẽn” lớn nhất vẫn là trách nhiệm chưa cao của các địa phương, đơn vị; là sự hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ và đặc biệt là năng lực của các nhà thầu.

Thực tế cho thấy, cùng một hành lang pháp lý nhưng có chủ đầu tư, địa phương làm tốt, có chủ đầu tư, địa phương làm chưa tốt. Điều này chỉ có thể “đổ lỗi” cho tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện dự án còn chưa cao, thiếu sâu sát. Mặc dù ngay từ đầu năm các chủ đầu tư, đơn vị đã cam kết sẽ giải ngân hết theo quy định, song đến cuối năm lại báo cáo không có khả năng giải ngân hết, điều chỉnh giảm vốn?! Trong khi, năng lực triển khai thực hiện của nhiều chủ đầu tư, các đơn vị liên quan có mặt còn hạn chế, một số nhà thầu xây lắp năng lực và khả năng huy động nguồn lực tài chính thấp, không tập trung đủ máy móc, nhân lực, thiết bị thi công theo hồ sơ dự thầu. Một số địa phương vẫn chưa thật sâu sát, quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án, cũng như chưa dự báo được các tình huống khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án. Đó là chưa kể, công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả. Một số vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có sự phối hợp để xử lý dứt điểm, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhiệm vụ giải ngân những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn, với số vốn phải giải ngân là 5.742 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát và theo dõi, đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự báo số vốn còn dư, không có khả năng giải ngân là 2.024,2 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở thời điểm hết sức gấp rút và nhiều khó khăn này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải “quyết liệt, thần tốc” trong triển khai nhiệm vụ. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Bởi lẽ, khi các vướng mắc về cơ chế chính sách, về vốn... đã cơ bản được giải quyết, thì vấn đề cuối cùng là cách thức triển khai, là đốc thúc các địa phương, đơn vị vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả.

Theo đó, để có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “quyết liệt, thần tốc”, đầu tiên và trước hết là phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nhằm tránh tư tưởng vì là “trách nhiệm tập thể” nên “tập thể phải chịu trách nhiệm”, khiến công việc chung bị ách tắc, đình đốn. Cùng với đó là sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; là tinh thần trách nhiệm cao nhất của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ nhằm tháo được “nút thắt” về con người để thúc đẩy công cuộc giải ngân vốn đầu tư công đi đến đích. Cuối cùng và cũng quan trọng không kém là tập trung “bắt đúng bệnh để kê đúng thuốc”, nghĩa là làm rõ nguyên nhân gây chậm tiến độ ở từng dự án, từng khâu để có biện pháp tháo gỡ cụ thể, hiệu quả. Chẳng hạn như, đối với các nhà thầu thi công chậm trễ thì chủ đầu tư có trách nhiệm đôn đốc; đồng thời, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường các dự án, kiên quyết thanh lý hợp đồng đối với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, chất lượng và quy định của pháp luật. Ngoài ra các chủ đầu tư cần chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, nâng cao tính sẵn sàng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của dự án khởi công mới năm 2023...

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]