Giá dứa nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp gặp khó
Việc giá dứa nguyên liệu từ đầu năm đến nay luôn dao động từ 8.000 – 13.000 đồng/kg (tăng 25 - 30% so với cùng kỳ) khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dứa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do phải bù lỗ và nợ đơn hàng.
Do trồng rải vụ, gia đình ông Nguyễn Viết Dũng (phường Quang Trung) chuẩn bị có dứa thu hoạch lần 3.
Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Thắng Lợi) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả đóng hộp phục vụ thị trường xuất khẩu. Sản phẩm của đơn vị hiện có mặt tại thị trường các nước: Nga, Brazil, Belarus, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico... với số lượng hàng nghìn tấn dứa quả.
Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc công ty, cho biết: Năm 2025, công ty xây dựng kế hoạch chế biến 7.000 tấn dứa xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá dứa nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng cao, nhất là từ tháng 5 trở lại đây có giá thu mua 11.000 đồng/kg (tăng 25 - 30% so cùng kỳ), khiến hoạt động sản xuất của đơn vị gặp khó nên có thời điểm phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, đơn hàng giao cho đối tác không đảm bảo thời gian nên công ty bị phạt do vi phạm hợp đồng. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đặt ra, công ty chấp nhận bù lỗ. Ngoài thu mua dứa nguyên liệu tại các vùng trồng dứa trong tỉnh, công ty đã nhập thêm nguyên liệu từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, thậm chí nhập cả nguyên liệu từ Lào. Bằng cách làm này, đến hết tháng 6/2025, công ty đã thực hiện thu mua và chế biến dứa quả đạt 65% kế hoạch.
Giá dứa nguyên liệu tăng cao, không chỉ khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành gặp khó mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến dứa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn và chấp nhận bù lỗ, đảm bảo đơn hàng cũng như mục tiêu sản xuất, xuất khẩu của đơn vị.
Thanh Hóa là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất nhì cả nước, với diện tích 3.700ha. Trong đó có 1.300ha thuộc đất dứa của các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại là của các hộ dân. Dứa được trồng nhiều ở các địa phương như: xã Hà Long, phường Quang Trung, xã Yên Phú, xã Ngọc Liên... Thời gian gần đây, do trồng dứa rải vụ nên giá dứa nguyên liệu tăng cao và dao động ở mức từ 8.000 đồng – 13.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng lên 15.000 đồng/kg, đem lại khoản lợi nhuận cho người trồng dứa hàng trăm triệu đồng/ha/năm nên người trồng dứa rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Viết Dũng, ở phường Quang Trung, có 2ha đất trồng dứa. Do trồng rải vụ, mỗi năm gia đình ông có từ 3 – 4 lần thu hoạch dứa, thay vì chỉ thu hoạch 1 lần dứa chính vụ như trước đây. Ông Dũng cho biết: “Thực hiện trồng rải vụ, giá bán được nâng lên gần gấp đôi và không còn nơm nớp phải lo dứa không bán được. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch được 2 lần dứa vào dịp tháng 2 và tháng 5, với giá bán dao động từ 9.000 - 13.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận cho gia đình 200 triệu đồng”.
Theo ông Dũng, tuy giá bán tăng 25 - 30% so với những năm trước và thương lái về tận ruộng để thu mua nhưng họ mua với số lượng không lớn. Vì vậy, ông mong muốn có doanh nghiệp đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi dứa được thu hoạch, tiện trong việc thuê lao động.
Không riêng gì ông Dũng, nhiều hộ dân trồng dứa khác như gia đình ông Lê Văn Công (xã Hà Long), ông Hoàng Văn Phú (xã Yên Phú) hay gia đình chị Bùi Thị Hường (xã Ngọc Liên) đều mong muốn có đơn vị đứng ra ký hợp đồng thu mua sản phẩm.
Với 4 nhà máy chế biến dứa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bao gồm: Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Thắng Lợi), Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (phường Nguyệt Viên), Công ty TNHH Tư Thành (phường Hạc Thành) và Công ty CP XNK nông sản Đồng Xanh (phường Quảng Phú). Song, hầu hết các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng dứa, chủ yếu mua qua thương lái nên khi giá dứa tăng cao, các doanh nghiệp không thể mua được dứa, buộc phải tạm dừng hoạt động.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Bằng cách ký hợp đồng liên kết với người trồng dứa trong việc bao tiêu sản phẩm dứa. Trên cơ sở đó, xây dựng khung giá hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người trồng dứa. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tuân thủ nghiêm các nội dung cam kết trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng dứa được giá bán cho thương lái, lúc rẻ mới bán cho nhà máy. Đơn vị quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân về lợi ích, trách nhiệm trong việc tuân thủ hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã ký với doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2025-07-09 11:10:00
Nhiều hợp tác xã chưa thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2023
-
2025-07-09 10:28:00
Tổng Giám đốc Dược phẩm Tâm Bình dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025
-
2025-07-09 10:26:00
Doanh nghiệp nhỏ tìm đường lên sàn thương mại điện tử
Công bố 919 loài gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều loài gỗ mới
Thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm
Sự dịch chuyển kết cấu kinh tế - xã hội sau sáp nhập đơn vị hành chính
Khắc phục nhanh nhất sự cố, cấp điện trở lại trên đường dây 110kV Nông Cống - Nghi Sơn
6 tháng, sản lượng điện thương phẩm tỉnh Thanh Hóa đạt trên 4.200 triệu kWh
Quay số trúng thưởng đợt 2 chương trình khuyến mãi “Đón tên mới - Nhận lộc lớn” cùng BIDV Trung Sơn Thanh Hóa
“Chạm & Mở”: Lan tỏa tinh thần học hỏi, chia sẻ, kết nối của Dược phẩm Tâm Bình
Điểm tựa giúp nông dân vượt khó, làm giàu
Tháo gỡ “điểm nghẽn” tại Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường