Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Biết Dương Văn Tùng (sinh năm 1996 ở phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn) qua chương trình “Việc tử tế” của kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam nhưng phải đến gần đây, chàng trai ấy mới chịu đồng ý cho chúng tôi viết bài. Bởi với Tùng, làm việc tử tế không phải để được nhiều người biết đến mà đơn giản chỉ vì anh thấy vui, thấy hạnh phúc mỗi khi làm một điều ý nghĩa.
Dương Văn Tùng trong một chuyến trao quà cho học sinh dân tộc Thái ở điểm trường Đồng Lách (xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn).
Cho đi là hạnh phúc
Sinh ra ở vùng quê ven biển - nơi đầu sóng ngọn gió, khiến cho tuổi niên thiếu của Dương Văn Tùng từng trải qua và chứng kiến nhiều những mảnh đời vất vả, cơ cực. Vì vậy mà càng lớn lên, Tùng càng thấy đồng cảm với những hoàn cảnh nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Đó cũng chính là lý do thôi thúc Tùng đi làm thiện nguyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tùng kể: "Ngày đó, khi thấy những hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, trong xã, em rất muốn làm điều gì đó cho họ. Trăn trở mãi, cuối cùng, em quyết định kêu gọi bạn bè, hàng xóm ủng hộ quần áo, sách vở cũ... rồi mang đi tặng. Sau lần ấy, em thấy vui lắm. Thế là cùng với nỗ lực học tập, em bắt đầu lên kế hoạch tổ chức các hoạt động thiện nguyện nhỏ lẻ với sự giúp sức của những người bạn học cùng".
Dấn thân vào làm công tác thiện nguyện cũng là lúc Tùng có những đêm dài không ngủ vì bị ám ảnh bởi những số phận con người đau khổ. "Có lần xem qua tivi, thấy có một hoàn cảnh một gia đình toàn người ốm đau, bệnh tật nhưng chỉ ăn mỳ gói cho qua ngày, em đã không thể cầm lòng được. Và để có tiền giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy, em đã tranh thủ đi làm thêm sau giờ học. Tiếc là số tiền kiếm được chẳng là bao, càng không thể chia sẻ cho nhiều cảnh ngộ khó khăn trong xã hội. Từ đây, em hiểu được ra, làm từ thiện nếu chỉ có sự nhiệt huyết thôi là chưa đủ mà còn phải biết lan tỏa, kết nối yêu thương từ cộng đồng xã hội mới có thể đi được đường dài" - Dương Văn Tùng nhớ lại.
Những bước chân không mỏi
Làm thiện nguyện chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là với những người bình thường và còn trẻ như Tùng. Nhưng vượt qua những vất vả, khó khăn, Tùng lại tiếp tục cuộc hành trình mà mình đã chọn với một niềm tin mãnh liệt. Anh nhận thấy cuộc sống này có rất nhiều người giàu lòng nhân ái, chỉ muốn cho đi mà không mong nhận lại. Vì vậy, để có nguồn kinh phí ổn định, ngoài làm việc thiện từ tiền mồ hôi, công sức của mình, Tùng còn liên hệ với các câu lạc bộ và tổ chức từ thiện để đi kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và cả Việt Kiều đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.
Nói về động lực đi kêu gọi, quyên góp làm việc thiện nguyện, Tùng chia sẻ: “Hiện nay vẫn còn có rất nhiều hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh cần được sẻ chia, giúp đỡ. Điều đó chỉ có thể làm tốt được khi nhiều người cùng chung sức đồng hành. Em cũng chỉ mong bản thân có thật nhiều sức khỏe để góp phần nhỏ bé của mình, giúp cho những con người không may mắn ấy bớt đi sự mặc cảm, thêm tự tin và lạc quan hơn vào cuộc sống này".
Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn tại các địa phương, Tùng còn cất công đi thiện nguyện ở những vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La... Chỉ cần nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, gặp tai nạn, bất hạnh, anh lại tìm đến tận nơi chia sẻ, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền, quà để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, anh thường xuyên đồng hành với các hoạt động như: phát cháo tình thương ở các bệnh viện; cùng các đoàn y, bác sĩ về những miền quê nghèo khám, chữa bệnh, phát thuốc; tham gia khắc phục hậu quả sau lũ lụt; đồng thời tổ chức các chương trình thiện nguyện tới học sinh nghèo vùng núi và nhiều chương trình nhân văn, thiết thực khác. Vì vậy mà việc đi lại giữa các tỉnh của anh Tùng diễn ra ngày một nhiều hơn, thậm chí có ngày sáng còn ở miền Bắc, chiều anh đã vào miền Nam chỉ để trao kịp thời một phần quà nhỏ bé cho một gia đình khó khăn vừa có người thân bị tai nạn.
Cũng vì hiểu được cuộc sống là những rủi ro bất thường, nhất là khi biết có những trường hợp tử vong vì không có nhóm máu phù hợp để tiếp tế, vì vậy, Tùng đã có 12 lần tự nguyện đi hiến máu, trong đó có lần anh phải lặn lội đi đến một bệnh viện cách xa nhà hàng chục km giữa đêm khuya để kịp thời tiếp tế cho một bệnh nhân đang nguy kịch có cùng nhóm máu với mình. Từ đó, để cho tiện lợi, bên cạnh đi vận động hiến máu trực tiếp, anh tích cực đẩy mạnh kết nối với các tình nguyện viên thông qua facebook và đến nay, anh Tùng đã có hơn 10.000 lượt người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện trong độ tuổi thanh niên (chủ yếu là ở các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...). Danh sách những người hiến máu hiện đã được lưu lại cụ thể và cẩn thận để khi cần, người nhà các bệnh nhân liên hệ với Tùng là thông tin sẽ được chuyển đến tình nguyện viên và sẽ có người ở gần nhất đến nơi tiếp tế. Bởi thế mà chỉ riêng năm 2023, đã có hơn 1.000 người trong số đó tham gia hiến máu cứu người.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của những việc tử tế trong cộng đồng mạng xã hội là điều không thể phủ nhận. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian làm thiện nguyện mà vẫn đem lại hiệu quả, anh Tùng đã sử dụng mạng xã hội facebook để làm phương thức kết nối và liên hệ với các cá nhân, tổ chức có cùng mục tiêu cũng như nhà hảo tâm ở các nơi, đặc biệt là những nhà hảo tâm của dòng họ Dương - nơi mà anh Dương Văn Tùng đang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh niên thị xã Nghi Sơn và Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh niên tỉnh Thanh Hóa. Qua trao đổi được biết, từng hoạt động của Tùng cho đến danh sách mạnh thường quân tham gia ủng hộ trong những lần kêu gọi đều sẽ được cập nhật trực tiếp trên mạng xã hội một cách công khai, minh bạch.
Nhận xét về anh Dương Văn Tùng, anh Lê Năng Cảnh, Bí thư Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tĩnh Hải, cho biết: "Tôi và anh Tùng là người cùng địa phương và đều trưởng thành từ phong trào đoàn. Tôi rất quý Tùng bởi tuổi còn trẻ nhưng anh không ngại khó, ngại khổ để làm những việc có ích cho xã hội. Điển hình như trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, tôi vẫn thấy Tùng lăn xả đi thiện nguyện ở các vùng tâm dịch. Phường Tĩnh Hải của chúng tôi lúc bấy giờ cũng được Tùng tổ chức các buổi tặng quà cho những hộ gia đình khó khăn và cho đến nay, nhắc đến Dương Văn Tùng thì ai nấy cũng đều yêu thương, quý mến".
Với những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng xã hội trong nhiều năm qua mà Dương Văn Tùng đã được nhiều cấp, ngành ở các địa phương tặng bằng khen, giấy khen... Đặc biệt, trong năm 2023, anh được đề nghị lên Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu cứu người và được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia Chương trình “Việc tử tế” trên kênh VTV1.
Bài và ảnh: Mai Vui
{name} - {time}
-
2024-12-28 15:36:00
Những người khuyết tật vượt nghịch cảnh
-
2024-12-28 10:44:00
Làm giàu nhờ nuôi gà siêu trứng
-
2024-01-06 14:32:00
Những nữ thủ lĩnh “trọn việc nước, tròn việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Nữ đảng viên 24 năm làm bí thư chi bộ
Hơn 20 năm nỗ lực vì cộng đồng
Tích cực tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Giảng viên về quê gây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại
Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon tận tâm với nghề
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN
Những cựu TNXP nêu gương sáng sản xuất, kinh doanh giỏi
Trưởng thôn Hoàng Thanh Nam gương mẫu, tận tụy với công việc