(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Lương (Lang Chánh) đã có nhiều giải pháp giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Đồng Lương thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế

Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Lương (Lang Chánh) đã có nhiều giải pháp giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Đồng Lương thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế

Mô hình trồng rau an toàn của HTX Nông nghiệp an toàn hữu cơ Lang Chánh.

Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn hữu cơ Lang Chánh Lương Thị Niệm, cho biết: "Nhận thấy nhu cầu của người dân về thực phẩm, nông sản an toàn ngày càng nhiều, năm 2021 tôi đã thuê lại 3ha đất nông nghiệp của người dân thôn Chiềng Khạt (Đồng Lương), trong đó xây dựng gần 6.000m2 nhà màng, nhà lưới, cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến và phân khu sản xuất đối với từng đối tượng cây trồng để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP".

Nhận thấy vùng đất này phù hợp với một số giống rau, quả, nên chị đã chủ trương trồng rau cải, súp lơ baby, su hào ngồng, bí bao tử, ớt, dưa chuột, bí đỏ... Đặc biệt, trong sản xuất nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để trừ sâu và côn trùng. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, lại được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây rau sinh trưởng tốt. Rau, củ, quả được các doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội thu mua với giá ổn định. Trung bình, mỗi năm HTX sản xuất và xuất bán được trên 30 tấn, doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lương Nguyễn Viết Thắng, cho biết: Để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua xã đã chỉ đạo Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn với XDNTM. Trong đó, tập trung tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ổn định 256ha lúa, 129ha ngô, 25,5ha sắn, 49,5ha mía, 40,4ha rau màu, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi trên 12ha đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập cao. Xã đang từng bước quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu, dần hình thành vùng sản xuất tập trung trở thành hàng hóa. Để cây trồng mang lại hiệu quả cao, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học - kỹ thuật gieo mạ, cấy các giống lúa lai, ngô lai, bón phân viên nén dúi sâu cho bà con nên năng suất cây trồng tăng cao.

Xã hiện có trên 2.252ha đất lâm nghiệp, trong đó có 1.305,6ha luồng, mỗi năm cho thu nhập trên 25 tỷ đồng. Tận dụng dưới tán rừng, người dân tập trung phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có 24.389 con gia súc, gia cầm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tiếp tục được duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống như sản xuất gạch không nung, đồ mộc gia dụng, đan lát, khai thác đá; đồng thời phát triển các ngành nghề mới như hàn xì, sản xuất than hoạt tính, may gia công túi siêu thị xuất khẩu...

Với lợi thế có Quốc lộ 15A chạy qua, người dân trong xã đã tập trung phát triển dịch vụ. Trên địa bàn xã có 1 cơ sở may gia công, 153 cơ sở, hộ kinh doanh ăn uống, hàng tạp hóa, dịch vụ vận tải, dịch vụ nông nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của xã đạt 42,98 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển người dân càng có điều kiện để đóng góp XDNTM.

Bài và ảnh: Khánh Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]