(Baothanhhoa.vn) - Với kinh nghiệm hàng chục năm viết giáo trình, sách tham khảo cho các bậc phổ thông, nhà lý luận phê bình, nhà giáo Lê Xuân Soan (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa) là một trong những cây viết bền bỉ, sung sức, kiến thức văn rộng, có xu hướng, có giọng điệu riêng. Qua mỗi trang viết "Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận" (2022, NXB Thanh Hóa), người đọc cảm nhận rất rõ tâm huyết, sự nhẫn nại, tỉ mỉ, công phu của tác giả. Lê Xuân Soan như “con ong cần mẫn”, gom nhặt từng dữ liệu, sự kiện, tác giả - tác phẩm mà phác thảo nên diện mạo, đời sống phong phú, sôi động của VHNT Thanh Hóa.

Đọc tập nghiên cứu, phê bình “Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận” của tác giả Lê Xuân Soan: Phác thảo diện mạo văn học nghệ thuật xứ Thanh

Với kinh nghiệm hàng chục năm viết giáo trình, sách tham khảo cho các bậc phổ thông, nhà lý luận phê bình, nhà giáo Lê Xuân Soan (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa) là một trong những cây viết bền bỉ, sung sức, kiến thức văn rộng, có xu hướng, có giọng điệu riêng. Qua mỗi trang viết “Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận” (2022, NXB Thanh Hóa), người đọc cảm nhận rất rõ tâm huyết, sự nhẫn nại, tỉ mỉ, công phu của tác giả. Lê Xuân Soan như “con ong cần mẫn”, gom nhặt từng dữ liệu, sự kiện, tác giả - tác phẩm mà phác thảo nên diện mạo, đời sống phong phú, sôi động của VHNT Thanh Hóa.

Đọc tập nghiên cứu, phê bình “Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận” của tác giả Lê Xuân Soan: Phác thảo diện mạo văn học nghệ thuật xứ ThanhCuốn sách nghiên cứu, phê bình "Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận" của tác giả Lê Xuân Soan.

Sôi động những sự kiện VHNT

Đọc “Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận”, độc giả có thể điểm lại một số sự kiện văn học tiêu biểu trong những năm gần đây của xứ Thanh như: “Dấu ấn cuộc thi sáng tác văn học trẻ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2018”, “Cuộc thi ký về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thanh Hóa; “Văn nghệ sĩ xứ Thanh với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026”; “Xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại”...

“Dấu ấn cuộc thi sáng tác văn học trẻ trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2018” cho thấy sự trân trọng, tin tưởng và tràn đầy hy vọng mà nhà lý luận phê bình, nhà giáo Lê Xuân Soan dành cho những cây viết trẻ. Tác giả nương theo dấu ấn thể loại để nhận diện từng gương mặt tác giả - tác phẩm: “Hai bảy truyện ngắn dự thi với những đề tài gần gũi với hiện thực đời sống phong phú và sinh động của ngày hôm nay. Các cây bút trẻ đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong việc xây dựng cốt truyện, khắc họa nhân vật, ngôi kể, lời kể... để tạo nên nét mới trong cách thể hiện...”. Ở mảng truyện ngắn, “một số tác giả tỏ ra rất già dặn trong khai thác và thể hiện tâm lý nhân vật (Thí dụ ngày mất tiền, Điều trong cõi nhớ, Ngược dòng, Lưng chừng mùa nhớ). Quan sát hiện thực và phản ánh vào trong tác phẩm là sự nhạy cảm của các tác giả và là những thông điệp gửi tới độc giả, rất thời sự, như: Viết về phòng, chống tham nhũng (Cuộc người); về NTM (Đoản hoa, Giấc mơ của bố); bạo lực trẻ em (Người ôm neo); đề tài giáo dục (Khát); xuất khẩu lao động (Hoàng hôn mênh mang), khởi nghiệp (Đi về phía chân trời)... Điều đó chứng tỏ khả năng bao quát hiện thực, tầm nhìn và một thái độ tích cực đối với cuộc sống của một thế hệ viết văn trẻ. Tương tự, tác giả khái quát dấu ấn của những người viết trẻ tham dự cuộc thi ở lĩnh vực thơ: “Thơ trẻ dự thi chủ yếu là thơ tự do. Điều đó dễ hiểu bởi đó là hình thức phù hợp để họ giãi bày, bộc lộ cảm xúc và thể hiện thái độ trước cuộc sống và thân phận con người”. Sự sát sao, tỉ mỉ, tận tình của tác giả càng đáng quý trọng khi điều đó không gắn với bất kỳ trọng trách, nhiệm vụ nào tại cuộc thi.

Khi tiếp cận cuộc thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng NTM” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức năm 2020, tác giả Lê Xuân Soan nêu bật lên được kết quả, ý nghĩa trên các phương diện: khẳng định và đề cao sự đồng thuận sâu sắc của xã hội với phong trào xây dựng NTM; khai thác và phản ánh những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân; ca ngợi những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với địa phương; nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa. Tác giả khéo léo lồng ghép các quan điểm, định hướng cùng những con số minh chứng cho phong trào xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh để làm nổi bật kết quả, ý nghĩa cuộc thi. Cuộc thi trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tuy đã khép lại, nhưng phong trào xây dựng NTM thì vẫn đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp với những cấp độ khác nhau. Và thực tế sinh động ấy là chất liệu hiện thực quý giá, “một đề tài lớn, một không gian rộng, hấp dẫn và kích thích sự sáng tạo cho các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là ký”. Chính những nhận định của Lê Xuân Soan đã góp phần nâng tầm, lan tỏa ý nghĩa của cuộc thi.

Chân dung văn nghệ xứ Thanh

Nếu những sự kiện văn học là nét vẽ điểm tô sắc màu thì những chân dung VHNT (tác giả, tác phẩm) chiếm phần lớn dung lượng cuốn sách, là linh hồn, chiều sâu của bức tranh văn nghệ xứ Thanh trên hành trình đổi mới và phát triển.

Phong cách viết lý luận - phê bình của Lê Xuân Soan là luôn bám sát các khái niệm. Từ nền tảng ấy mà khoan sâu tìm tòi những cái hay, mới lạ, nổi bật của tác giả - tác phẩm ở cả bút pháp, nội dung, tư tưởng, chi tiết, hình ảnh, cấu tứ... Như khi đánh giá về những bài thơ khắc đá trên quê hương Thanh Hóa của Vua Lê Thánh tông, tác giả Lê Xuân Soan nhận định: Thiên nhiên trong thơ vịnh cảnh của Lê Thánh tông thật đa dạng: vừa mang tính chất ước lệ vừa kỳ thú, gắn với lịch sử; vừa đường thi, cổ điển, trang trọng vừa mộc mạc, bình dị. Qua thiên nhiên để nhấn mạnh những sự kiện lịch sử của dân tộc, khẳng định và ngợi ca những phẩm chất hào hùng của quê hương, đất nước.

Với thể loại thơ, tác giả Lê Xuân Soan quan niệm: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi... Thơ là sự đồng điệu của tâm hồn”. Vì lẽ đó, ông có những cảm nhận rất riêng về trường ca “Lê Lợi mài gươm” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm: “Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã không dựa vào huyền thoại... Hình ảnh Lê Lợi vừa chân thực, sống động vừa phù hợp với tâm hồn và cốt cách của ông. Lê Lợi mài gươm trong sóng gầm trào dâng hận thù của sông Lường. Tiếng gươm siết vào ánh trăng là một sự sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Minh Khiêm, như thét gào, như khua vang, như kêu gọi, tập hợp và dự báo một sự rung chuyển của cả một vùng sơn cước”. Trong cảm nhận của Lê Xuân Soan, tiếng gươm ấy “như xé vào không gian, xé toang màn đêm u ám để tạo nên những quầng sáng lịch sử!".

Thơ Phạm Thị Kim Khánh trong những trang viết của tác giả Lê Xuân Soan là cốt cách, điệu hồn dân tộc Mường thấm đẫm trong từng thi ảnh, nhịp điệu: “Kim Khánh viết nhiều bài thơ dài mà kết cấu như một câu chuyện, có nhân vật trữ tình đối đáp, có diễn biến và kết thúc... Trong những bài thơ đó, chị đã mở rộng biên độ của không gian, thời gian và cảm xúc (Về cội, Kịch bản, Gọi vía, Sông Mã khúc thượng nguồn, Đường về, Chỉ có hoa poông trăng trên đồi, Hẹn, Đáp lời trai bản, Sông quê thác réo...). Ở đây có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, gợi mở cho người đọc những tưởng tượng phong phú về một vùng Mường nhiều trầm tích lịch sử và văn hóa. Cốt lõi từ trong mỗi bài thơ có thể sẽ là phát khởi cho tầm vóc những trường ca trong tương lai mà chúng ta hy vọng ở chị (Cất hồn vía mình vút giữa trời xanh).

Truyện ngắn, với Lê Xuân Soan, là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ... Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người... Với truyện ngắn, điều quan trọng nhất là những “chi tiết cô đúc”...”. Nương vào kiến thức lý luận ấy, Lê Xuân Soan đã sâu sắc cảm nhận truyện ngắn Lê Ngọc Minh, Lê Minh Khuê ở nhiều chiều khác nhau. Tri âm cùng những tác phẩm của nhà văn Lê Ngọc Minh, tác giả Lê Xuân Soan nhận định: “Dù viết về đề tài nào, tác giả cũng để lại những dấu ấn đặc sắc bởi tính cách các nhân vật, bởi vấn đề đặt ra trong tác phẩm như nó đang diễn ra xung quanh chúng ta và ngay trong mỗi chúng ta. Truyện được kể linh hoạt và thường theo mô típ: hiện tại - quá khứ - hiện tại. Cốt truyện đơn giản nhưng không rơi vào sơ lược. Truyện của Lê Ngọc Minh gợi nhiều suy tưởng và giàu chất triết lý, tạo những khoảng dư ba cần thiết cho độc giả.

Nỗ lực khám phá, “làm mới” những gương mặt tác giả, tác phẩm đã quá quen thuộc như: “Nguyễn Du với cảm thức hướng nội trong mười năm gió bụi”, “Nguyễn Duy với bài thơ Đò Lèn”, “Lê Minh Khuê và truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi”... là sự dấn thân đáng trân trọng, đáng ghi nhận. Những tiểu luận mang tính tổng kết như: “Mấy suy nghĩ về quá trình Việt hóa thơ Đường”, “Nhà giáo xứ Thanh và những trang thơ thấm đẫm tình đời”, “Của tin gọi một chút này”... cũng đã phần nào cho thấy nhiệt huyết, năng lực viết, đọc của tác giả.

Cuốn sách nghiên cứu, phê bình “Văn nghệ xứ Thanh, đổi mới và tiếp cận” của tác giả Lê Xuân Soan là một lát cắt ấn tượng, khá bao quát về đời sống văn nghệ xứ Thanh. Đúng như tựa đề tác phẩm, đọc cuốn sách này, đi qua từng sự kiện, gặp gỡ từng gương mặt tác giả, ngẫm về tác phẩm sẽ nhận thấy văn nghệ xứ Thanh đã và đang tiến bước vững chắc trên hành trình đổi mới. Và chính tác giả cũng đã và đang nỗ lực đổi mới, vươn tới trên từng trang viết.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]