(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa giếng làng là một trong "tam vật" làm nên bức họa làng quê Việt Nam gồm “cây đa, giếng nước, sân đình”. Với lớp người xưa của huyện Hoằng Hóa, giếng làng còn được xem như "mắt rồng" - nơi long mạch chạy qua. Vì thế, giếng làng gắn với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ và luôn luôn được bảo vệ, giữ gìn sạch sẽ. Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã chú trọng khôi phục giếng làng, góp phần tạo nên cảnh quan làng quê.

Hoằng Hóa khôi phục giếng làng

Từ xưa giếng làng là một trong “tam vật” làm nên bức họa làng quê Việt Nam gồm “cây đa, giếng nước, sân đình”. Với lớp người xưa của huyện Hoằng Hóa, giếng làng còn được xem như “mắt rồng” - nơi long mạch chạy qua. Vì thế, giếng làng gắn với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ và luôn luôn được bảo vệ, giữ gìn sạch sẽ. Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã chú trọng khôi phục giếng làng, góp phần tạo nên cảnh quan làng quê.

Hoằng Hóa khôi phục giếng làngNgười dân thôn Phượng Mao (xã Hoằng Phượng) phấn khởi khi giếng làng được khôi phục.

Về thôn Nội Tý, xã Hoằng Đức khi hỏi về giếng làng bà con trong thôn đều phấn khởi, tự hào, bởi đó là công sức và tâm huyết của cả làng nhằm khôi phục và gìn giữ giếng làng trong quá trình xây dựng NTM. Chỉ là một cái giếng làng nhưng đằng sau đó là chuyện về ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ “nếp làng” cũng như môi trường sống và sự đoàn kết trong cộng đồng.

Trưởng thôn Nội Tý Lê Bá Sỹ cho biết: Những ngày Nhân dân trong thôn tập trung nạo vét, thau nước và tôn tạo giếng làng, nhiều người cao tuổi trong làng đã có mặt để chứng kiến, động viên con cháu tham gia, ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Giếng làng xưa kia là giếng đất, là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt của cả làng với mấy trăm nhân khẩu. Bây giờ không ai còn nhớ giếng làng có từ bao giờ nhưng có lẽ phải đến hàng trăm năm. Bước vào công cuộc xây dựng NTM, cùng với chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông... người dân địa phương đặc biệt chú trọng khôi phục cảnh quan làng quê. Riêng giếng làng được xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa và bà con Nhân dân tự nguyện đóng góp với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, được khánh thành năm 2019.

Được biết, nhằm bảo tồn giếng làng, người dân thôn Nội Tý đã nhiều lần sửa chữa, xây dựng, kè đá xung quanh giếng để giữ cho giếng không bị sụt lún. Bước vào xây dựng NTM, từ nguồn kinh phí huy động xã hội hóa, Nhân dân trong thôn đã xây dựng kiên cố bờ bao quanh thành giếng bằng gạch, giếng có đường kính 36 m. Ngày nay, cùng với quần thể cổng làng, nhà văn hóa thôn, đền, khu vui chơi, tập luyện thể thao... hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình thôn Nội Tý đang góp phần tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới, vừa cổ kính, mộc mạc.

Trong ký ức của lớp người cao tuổi, xưa kia dù mỗi nhà đều đào giếng khơi để lấy nước, nhưng nhà nào cũng phải sử dụng nước giếng làng. Nhiều cụ già còn khẳng định, để pha chè xanh ngon thì nhất định phải dùng nước mưa hoặc nước giếng làng. Vì giếng làng là nơi cung cấp nguồn nước ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nên mọi người trong thôn từ nhỏ đã ý thức rằng không được vứt bất kỳ thứ gì xuống giếng. Thậm chí nếu xuống giếng lấy nước thì cũng phải để dép trên bờ...

Với người dân thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng giếng làng được yêu quý, gìn giữ như máu thịt. Không chỉ vì nguồn nước nuôi sống bao thế hệ mà còn vì nó chứa đựng nhiều kỷ niệm và giá trị văn hóa. Có thể nói, giếng làng đã đi vào ký ức và là kỷ niệm đẹp của mỗi người theo một cách riêng và sâu đậm. Ấy thế mà có một thời, giếng làng bị xâm hại không thương tiếc. Khoảng vào những năm cuối của thế kỷ XX, khi đời sống của Nhân dân được nâng lên nhiều nhà đã có bể nước mưa. Đó cũng là lúc người dân trong thôn Phượng Mao không sử dụng nước giếng làng nữa. Cùng với đó là ý thức về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh cho giếng làng bị mọi người lãng quên.

Hoằng Hóa khôi phục giếng làngGiếng thôn Nội Tý (xã Hoằng Đức) được trùng tu lại kiên cố, sạch đẹp.

Trưởng thôn Phượng Mao Hàn Hải Vịnh chia sẻ: “Khi nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, bà con ai cũng háo hức. Việc đầu tiên bà con mong muốn được góp công, góp của, góp sức để làm là đường giao thông và khôi phục giếng làng. Vậy là người góp sức, người góp công, con em xa quê có điều kiện thì hỗ trợ vài triệu đồng để thuê máy, huy động nhân lực nạo vét, thay nước, kè ốp xung quanh, xây thành giếng. Từ một vũng nước tù đọng, bẩn thỉu không ai dám đến gần, giếng làng giờ đây lại trong xanh và đẹp như trong cổ tích. Tuy không còn những công năng như thủa xưa, nhưng giếng làng đã thực sự sống động trong không gian làng quê vốn thanh bình".

Được biết, thôn Phượng Mao hiện có 3 giếng làng, trong đó 2 giếng được xây bằng gạch nung nguyên khối vẫn còn khá nguyên vẹn và 1 giếng đã được trùng tu lại với tổng giá trị 130 triệu đồng. Với người dân trong thôn, việc khôi phục lại giếng làng cũng là cách để truyền dạy cho lớp trẻ ý thức gìn giữ những giá trị của văn hóa làng.

Cho đến nay, không chỉ riêng giếng làng trên địa bàn các xã Hoằng Đức, Hoằng Phượng, mà hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa giếng làng không còn giữ vai trò cấp nước sinh hoạt cho người dân. Song bước vào công cuộc xây dựng NTM, việc khôi phục và bảo tồn không gian văn hóa làng quê ngày càng được các địa phương chú trọng. Với người dân Hoằng Hóa, khôi phục giếng làng chính là gìn giữ nguồn sống, sinh khí tốt lành, qua đó nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ về cội nguồn.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]