(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, việc trồng và khai thác cây vầu đã giúp nhiều gia đình ở xã Yên Khương (Lang Chánh) có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Còn với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương, rừng vầu như "thành lũy xanh", "hàng rào mềm" che mưa, chắn gió, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cương

Những năm gần đây, việc trồng và khai thác cây vầu đã giúp nhiều gia đình ở xã Yên Khương (Lang Chánh) có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Còn với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương, rừng vầu như “thành lũy xanh”, “hàng rào mềm” che mưa, chắn gió, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cươngCây tre, vầu đã giúp người dân xã Yên Khương thoát nghèo.

Dân vận khéo

Đường lên Yên Khương, giữa màu xanh của núi rừng là những rặng tre, vầu vươn cao. Vầu vốn là thứ cây “trời cho”, mọc tự nhiên trong rừng. Tuy nhiên, vầu trong rừng không vô tận, khai thác mãi thì cũng phần nào vơi cạn. Vì thế, nhiều hộ gia đình, tổ chức đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chủ động ươm giống và trồng vầu khắp dải biên cương Quan Sơn, Quan Hóa. Bởi ưu điểm của giống cây này là dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và sinh trưởng nhanh, vòng đời sau 3 đến 4 năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài lên tới 60 năm. Không những vậy, loại cây này thân thiện với môi trường, có khả năng giữ ẩm, giữ mạch nước ngầm tốt... Vì vậy, cây vầu đã khẳng định vị trí của mình trên đất Quan Sơn từ nhiều năm về trước, tuy nhiên đất Yên Khương sát bên lại nhiều lần “lỡ hẹn”. Không phải người dân Yên Khương chưa từng nghĩ đến việc trồng vầu. Năm 2015, thông qua các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, chương trình giảm nghèo, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 45ha cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng do một thời gian dài không được chú trọng chăm sóc nên cây vầu bị suy thoái.

Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương, cho biết: Yên Khương là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh với 6,7km đường biên. Cùng với 17,6km đường biên giới thuộc xã Bát Mọt (Thường Xuân), Yên Khương khép liền một dải biên cương rộng dài tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào. Địa hình khó khăn hiểm trở, đa phần là người dân tộc thiểu số sinh sống, hạn chế về nhận thức nên đời sống còn khó khăn, tình hình an ninh trật tự phức tạp... Xác định phải quy tụ được Nhân dân trong các phong trào lao động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời phải giải quyết được mối quan hệ giữa lợi ích và nghĩa vụ, như thế mới kịp thời giải tỏa “điểm nghẽn” ngay trong tư tưởng của người dân... Do vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương đã tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đường biên giới, mốc chủ quyền được giao cho các hộ gia đình, các cụm dân cư tự quản. Đặc biệt, khuyến khích người dân tự giác làm chủ, tham gia phát triển kinh tế.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cươngCây tre, vầu đã giúp cho người dân xã Yên Khương thoát nghèo.

Thực hiện chủ trương đưa cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới đất liền của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, năm 2018, Trung tá Lò Văn Cần được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương. Quyết tâm mang lại sức sống mới cho cây vầu, Trung tá Cần cùng cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Yên Khương và một số cán bộ địa phương tìm hiểu một cách có hệ thống việc trồng và phát triển cây vầu; đồng thời kết nối, tổ chức cho một số hộ nông dân đến huyện Quan Sơn tham quan, học hỏi kinh nghiệm và xin thêm tài liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn và huyện Lang Chánh về nguyên cứu, từ kỹ thuật làm đất, vào bầu đến gieo hạt, chăm tưới. Những ngày đầu triển khai, khắp các thôn của xã Yên Khương bà con học hỏi nhau kỹ thuật trồng vầu. Và, từ 22ha vầu đầu tiên được trồng năm 2018, đến nay toàn xã Yên Khương đã có hơn 500ha vầu (gồm diện tích vầu tự nhiên và trồng mới). Dự kiến năm 2025, diện tích vầu ở Yên Khương sẽ đạt 600ha; phấn đấu nhân rộng lên khoảng 1.000ha vầu vào những năm tiếp theo.

Dân ấm no, biên giới vững

Cây vầu có thể sử dụng trong đan lát thủ công, làm tăm và vật liệu xây dựng nhà, quán cafe... nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt sự xuất hiện của Công ty CP Bamboo King Vina là doanh nghiệp chuyên về sản xuất sản phẩm từ tre và gỗ biến tính, có trụ sở và cơ sở sản xuất đặt tại huyện Lang Chánh càng đảm bảo cho đầu ra của cây vầu. Hiện tại, với mức giá dao động từ 1,8 - 2 triệu đồng/tấn, mỗi ha vầu cho thu nhập lên tới 70 triệu đồng/năm. Nhờ cây vầu, thu nhập của hơn 300 hộ dân tập trung ở các bản: Giàng, Chí Lý, Bôn, Nặm Đanh, Tứ Chiềng... được nâng lên đáng kể, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của Yên Khương chỉ ở mức 8 triệu đồng/người thì nay con số đã được nâng lên gần 40 triệu đồng.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cươngDọc đường biên giới xã Yên Khương đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây tre, vầu.

Mô hình “thành lũy xanh" biên giới cũng được Trung tá biên phòng Lò Văn Cần đề xuất thực hiện. Ý tưởng này được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương ủng hộ nhiệt tình vì xưa nay cây tre, vầu đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Việc trồng tre, vầu dọc theo các trục đường thôn biên giới sẽ tạo thành một hàng rào biên giới “mềm”, vừa là điểm nhấn trong XDNTM, vừa đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân từ việc khai thác măng. Đồng thời, khi bà con chăm sóc tre trên các cung đường khu vực biên giới sẽ là những “chiến sĩ” hỗ trợ đồn biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tháng 2/2023, cây vầu đầu tiên được trồng tại bản Xã, đến nay hàng ngàn cây vầu mới vẫn tiếp tục được trồng. Dọc theo “thành lũy xanh” nơi biên giới, phạm vi khai thác lâm sản được “định vị” rõ ràng. Vầu lớn nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Yên Khương. Mỗi khóm được trồng cách nhau khoảng hai mét, sau khoảng hai năm thành những bụi lớn đan xen, phủ xanh các bản làng trên biên giới.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cươngDọc đường biên giới xã Yên Khương đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây tre, vầu.

Thành quả ở Yên Khương hôm nay là những ngày tháng cả hệ thống chính trị từ bộ đội biên phòng đến cán bộ xã, thôn, bản miệt mài tìm tòi, xoay xở cả cách nghĩ, cách làm. Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương, cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn phân công cán bộ, đảng viên xuống 9 bản tham gia sinh hoạt cùng cấp ủy các chi bộ thôn, bản. Lực lượng này thường xuyên đề xuất, tham mưu cho đảng ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn giúp đỡ từng gia đình, đồng thời giám sát những đối tượng có nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Yên Khương đang khởi sắc mỗi ngày”.

Nghĩ đến dân, lo cho dân, những cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng và cán bộ xã, thôn, bản nơi vùng xa biên giới đã tạo ra phong trào, là nền tảng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và, thực tế vẫn là: “Cán bộ nào, phong trào đó”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]