(Baothanhhoa.vn) - Quý I-2023, những yếu tố bất ổn địa chính trị, lạm phát, cắt giảm chi tiêu của các thị trường xuất khẩu và chính sách “zero Covid” của một số quốc gia đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành kinh tế của tỉnh. Những thách thức này đang đặt ra nhiệm vụ lớn cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cho cộng đồng DN và Nhân dân trong việc đề ra, thực hiện những giải pháp trọng điểm, sát sườn và hiệu quả để vực dậy nền kinh tế đi theo những định hướng như kỳ vọng.

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng (Bài 1): Nhiều ngành kinh tế gặp khó

Quý I-2023, những yếu tố bất ổn địa chính trị, lạm phát, cắt giảm chi tiêu của các thị trường xuất khẩu và chính sách “zero Covid” của một số quốc gia đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành kinh tế của tỉnh. Những thách thức này đang đặt ra nhiệm vụ lớn cho cấp ủy, chính quyền các cấp, cho cộng đồng DN và Nhân dân trong việc đề ra, thực hiện những giải pháp trọng điểm, sát sườn và hiệu quả để vực dậy nền kinh tế đi theo những định hướng như kỳ vọng.

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng (Bài 1): Nhiều ngành kinh tế gặp khóDiện tích sản xuất rau thủy canh tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Lê Hòa

Quý I-2023, kinh tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng tương đối toàn diện. Theo công bố của Cục Thống kê Thanh Hóa, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,22% so với cùng kỳ (CK); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,55% với 17/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với CK; các ngành dịch vụ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng đạt 10,91%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 18%; tổng lượng khách du lịch tăng 26%, doanh thu du lịch tăng 24,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 30%, vận chuyển hành khách tăng 66,2%, doanh thu vận tải tăng 35,4%...

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, quyền Cục trưởng Cục Thống kê Thanh Hóa, cho rằng: “Trong quý I, các hoạt động thương mại, vận tải tăng khá cao, các hoạt động về du lịch và kích cầu tiêu dùng tại chỗ cũng thể hiện được kết quả tích cực. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hiện đã ngang bằng với thời điểm trước dịch COVID-19. Điểm nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế quý I năm nay là mức tăng trưởng của ngành du lịch cả về số lượng khách và doanh thu. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi vào mùa du lịch.

Tuy nhiên, quyền Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Mạnh Hiệp cũng chỉ ra mức tăng trưởng chậm, chưa đạt kế hoạch ở một số ngành kinh tế chủ lực đang trở thành thách thức lớn đối với bức tranh kinh tế tổng thể của tỉnh trong thời gian tới. Tổng giá trị xuất khẩu trong quý I đạt 939,4 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thị trường bất động sản đóng băng khiến số thu từ thuế sử dụng đất giảm mạnh. Khó khăn, tăng trưởng thấp của các ngành kinh tế trọng điểm đã khiến số thu ngân sách tỉnh quý I giảm 20% so với CK (đạt 10.382 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa đạt 6.232 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 4.150 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, mức tăng trưởng 3,22% thể hiện sự phát triển toàn diện của ngành song chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Bởi, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực của ngành sản xuất này đang “dậm chân tại chỗ” và có nguy cơ suy giảm.

Thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) có 13 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn và hàng chục gia trại nuôi lợn quy mô 100 con lợn thịt/lứa trở lên. Tổng đàn lợn hằng năm luôn duy trì ở mức 5.000 con. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, tổng đàn lợn của địa phương chỉ đạt mức 3.000 con. Ông Bùi Đức Thành, khu phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong là 1 trong 9 hộ chăn nuôi lợn tại địa phương có tổng đàn từ 100 con lợn thịt/lứa trở lên còn duy trì sản xuất. Ông Thành cho biết: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình từ 10 đến 15% và hiện dao động từ 380.000 đến 500.000 đồng/bao 25 kg và chưa có dấu hiệu giảm. Cùng với đó, các loại chi phí chăm sóc, tiêm vắc-xin,... đều tăng khiến gia đình tôi đang phải “gánh” lỗ trung bình từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/con có cân nặng tiêu chuẩn (khoảng 1,2 tạ) để xuất chuồng. Thực trạng này nếu còn kéo dài, những hộ chăn nuôi như chúng tôi không thể duy trì đàn, thậm chí còn phải “treo chuồng”".

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng (Bài 1): Nhiều ngành kinh tế gặp khóSản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may xuất khẩu Trường Thắng, thị trấn Nông Cống. Ảnh: Lê Hòa

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã lý giải tại một cuộc họp báo: Quý I, giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là giá phân bón tăng so với CK từ 35 - 70%. Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên 10 - 20%, thuốc thú y tăng lên 10 - 15%. Nhiên liệu tăng cao nên nhiều tàu cá không thường xuyên đi khai thác thủy sản,... Đó là những nguyên nhân “kìm hãm” sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Ngành công nghiệp của tỉnh cũng gặp không ít thách thức khi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải,... tăng cao. Cùng với đó, nhiều khó khăn nội tại vẫn chưa được giải quyết, như: một số dự án phải điều chỉnh chủ trương nhiều lần, khó khăn kéo dài, chậm đưa vào vận hành sản xuất để tạo giá trị tăng thêm,... nên đã tác động làm giảm sự tăng trưởng của toàn ngành. Vì vậy, mặc dù một số sản phẩm công nghiệp đã có khởi sắc so với những tháng cuối năm 2022 nhưng sản lượng vẫn thấp hơn so với CK.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Về sản lượng, ngành dệt may vẫn tăng trưởng so với CK, song giá trị kinh tế cũng như lợi nhuận không cao. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu về hàng dệt may của thị trường giảm, đặc biệt là tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU. Một số doanh nghiệp đã bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65% so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, sản xuất các mặt hàng không phải chủ đạo, đồng thời buộc phải chấp nhận đơn hàng giá thấp để có thể duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động”.

Thép và xi măng vốn là những sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh cũng giảm nhẹ sản lượng so với CK. Thông tin từ Sở Công Thương: thép và xi măng vẫn còn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào. Sức tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi tình hình đầu tư xây dựng trong nước, trong tỉnh chưa khởi sắc. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu tuy đã khơi thông nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi đầy đủ. Đặc biệt, việc xuất khẩu xi măng sang thị trường Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn.

Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và trong nước, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) vẫn đạt 6,21% so với CK, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa đạt được kế hoạch và kỳ vọng, cũng như nền kinh tế đang hiện hữu những thách thức ở nhiều ngành kinh tế quan trọng. Thực trạng này đang đặt ra cho công tác lãnh chỉ đạo, sự nỗ lực của từng sở, ngành, các địa phương, từng doanh nghiệp,... phải nỗ lực hơn nữa, có giải pháp phù hợp để nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng.

Nhóm PV Kinh Tế

Bài 2: Đi tìm lời giải.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]