Để “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” trường tồn mãi với thời gian
Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” gắn liền với lễ hội Ngư Võng Phường của người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hoá). Hằng trăm năm qua, người dân nơi đây vẫn nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của địa phương. Tự hào hơn khi Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” được UNESCO ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể.
Nghệ nhân ưu tú Đàm Văn Sử tuy tuổi đã cao nhưng vẫn luôn yêu trò “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ”.
Làng Nhân Cao có tên nôm là làng Ngói, nằm bên hữu ngạn sông Mã được hình thành cách đây khoảng 600 năm. Nơi đây có nghè Nhân Cao thờ Đức Thánh Cả và các vị thần có công hộ quốc, cứu giúp dân làng khỏi nạn lũ. Hằng năm, từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng, dân làng thường tổ chức lễ hội Ngư Võng Phường với các hoạt động như tế lễ, rước thuyền, đánh cờ người, múa lân...; trong đó đặc sắc nhất là trò diễn “múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ”.
Nghệ nhân Đàm Văn Sử năm nay đã 96 tuổi nhưng mỗi khi ở thôn, xóm tổ chức văn nghệ có tiết mục “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” thì tình yêu với loại hình nghệ thuật này trong ông như trỗi dậy. Được mặc mũ, áo, được thả hồn theo nhịp, phách của tiếng trống, tiếng đàn, tiếng nhị và nhịp múa của các cô, các chị trong đội múa đèn với ông không có niềm vui nào bằng.
Theo nghệ nhân Đàm Văn Sử và các cụ cao niên trong làng: “Không ai biết điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải ở Thiệu Quang có từ bao giờ, chỉ biết rằng những thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Những thành viên trong đội múa đèn chạy chữ ở làng Nhân Cao là những thế hệ được truyền dạy trực tiếp từ nghệ nhân ưu tú Đàm Văn Sử và bà Nguyễn Thị Thủy, những người luôn nặng lòng với những điệu hát chèo chải và không muốn điệu múa đèn chạy chữ truyền thống của quê hương bị mai một, lãng quên.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, thành viên trong đội múa đèn chạy chữ xã Thiệu Quang.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, thành viên trong đội múa đèn chạy chữ xã Thiệu Quang cho biết “Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi vẫn thường đi xem biểu diễn múa đèn chạy chữ vào lễ hội mùa xuân, hội làng. Sau khi lấy chồng, tôi trực tiếp được mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Chua, đội trưởng của đội múa đèn chạy chữ làng Nhân Cao, người từng đoạt huy chương vàng với tiết mục xuất sắc múa đèn tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực III năm 1979 của Bộ Văn hóa và Thông tin truyền dạy”.
Nét độc đáo, đặc sắc trong nghệ thuật múa đèn chạy chữ chính là sự kết hợp giữa hát chèo chải cũng như các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, trong đó hát chèo chải gồm 4 bài là: Hát giáo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền, hát giáo chân sào. Nội dung các bài hát ca ngợi công ơn Đức Thánh Cả và Thành hoàng làng cũng như thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc.
Mỗi đội múa đèn gồm 12 cô gái mặc trang phục giống nhau, bên trong mặc áo cánh trắng, váy màu đen dài đến gót chân, bên hông thắt khăn hồng, đầu vấn tóc tròn, chít khăn màu đỏ. Trên nền nhạc múa hát giáo đèn:
Kính trình làng nước
Lẳng lặng mà nghe
Chúng tôi giáo đèn
Đèn tôi nay lưu truyền kế thế
Thắp đèn lên chầu chực đế vương
Thắp đèn lên rạng cả bốn phương
Thế mới gọi đèn công đăng hỏa...
Khi nhạc bắt đầu nổi lên, những cô gái trong đội múa đèn sẽ đội lên đầu một đĩa đèn vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ nhất, nhị, tam, tứ và ngũ. Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, cả đội sẽ nằm xuống, lật người vừa lăn kết thành bông hoa 5 cánh, rồi từ đó di chuyển thành một hàng ngang nhìn lên ban thờ, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu. Những động tác khéo léo, uyển chuyển của các thành viên khiến người xem thán phục.
Cũng theo bà Thủy: “Múa đèn chạy chữ phải linh hoạt kết hợp nhiều kỹ năng, động tác để làm sao vừa giữ vững được đèn đội trên đầu, không làm cho nến bị tắt mà vẫn nhớ được vị trí, thực hiện được các động tác múa, xếp chữ khác”.
Tiết mục “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ".
Đối với mỗi thành viên trong đội văn nghệ làng Nhân Cao, hát chèo chải và múa đèn chạy chữ không chỉ để biểu diễn mà còn là trách nhiệm để gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ con cháu mai sau. Không chỉ biểu diễn trong các dịp hội làng, xã, hát chèo chải, múa đèn chạy chữ đã nhiều lần tham gia biểu diễn và đạt giải cao trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh như: giải nhì tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ XIV năm 2012; giải A tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII tuyên truyền cổ động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025; giải giọng hát hay tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi huyện Thiệu Hóa năm 2022; giải A Liên hoan Văn hoá các dân tộc tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, năm 2022...
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tháng 3/2023, Bộ VH,TT&DL đã công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Huyện Thiệu Hoá đang chuẩn bị tổ chức lễ đón nhận vào ngày 21/2/2024 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch) và đang đề nghị công nhận bà Nguyễn Thị Thủy là Nghệ nhân dân gian.
Múa đèn chạy chữ là nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của Làng Nhân Cao mang ý nghĩa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, với trách nhiệm và niềm đam mê những “nghệ sĩ nông dân” ở Thiệu Quang vẫn cần mẫn luyện rèn, trau dồi vốn liếng để tinh hoa nghệ thuật của ông, cha không bị mai một, để những giá trị văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thanh Mai (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:19:00
Chuyến từ thiện đầu tiên của Hoa hậu Kiều Duy tại quê nhà hậu đăng quang
-
2025-01-15 14:17:00
“Hòa nhạc ánh sáng”: Lần đầu tiên drone trình diễn trên nền nhạc sống
-
2024-02-18 12:26:00
Du xuân với “Chợ xuân Linh Kỳ Mộc”
[Podcast] Truyện ngắn: Đêm xuân ấm áp
Đền Ối trên đất làng Đậu Yên
Đừng để lòng tham núp bóng lòng thành
Dâng hương tại đền thờ Trung túc vương Lê Lai
Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc
Đầu xuân về miền tâm linh
Trăm năm ngày sinh nhà thơ Minh Hiệu: Nghĩ về nhân cách nhà văn
Nhiều khu du lịch bùng nổ du khách đầu xuân Giáp Thìn
Ảnh đẹp siêu thực của núi Bà Đen được truyền thông quốc tế ca ngợi