Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
Đến năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bước sang năm thứ 5 thực hiện và đã được triển khai ở tất cả các cấp học, bậc học từ lớp 1 đến lớp 12. Thế nhưng, hiện nay nhiều khối lớp vẫn chưa được cấp trang thiết bị giáo dục khiến các nhà trường gặp không ít khó khăn trong dạy và học.
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Triệu Sơn 4 kiểm tra, rà soát trang thiết bị, thí nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông cũ có thể sử dụng tạm thời cho chương trình mới.
Căn cứ mục tiêu, nội dung cũng như yêu cầu đặt ra của Chương trình GDPT 2018, ngoài đảm bảo tiêu chí về phòng/lớp học, các nhà trường phải có đủ các phòng học bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, các phòng chức năng. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ cần nhiều thiết bị dạy học hơn, nhất là các thiết bị dạy học đa phương tiện và công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế, trực quan mô hình, đồ dùng học tập.
Đặc biệt, Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT cũng đã đưa ra danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đối với các môn như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... và thiết bị dùng chung. Đồng thời, yêu cầu các Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng hiệu quả thiết bị phục vụ dạy học. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, đến nay các trường vẫn chưa được nhận bất kỳ một trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo danh mục tối thiểu đặt ra.
Thầy giáo Tạ Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn) cho biết: “Hằng năm nhà trường đều rà soát trang thiết bị dạy học, báo cáo và đề xuất Sở GD&ĐT trang cấp, thế nhưng đến năm học 2024-2025 này đã có lứa học sinh bước sang năm cuối của khóa học (lớp 12) theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường vẫn chưa nhận được trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học theo yêu cầu đặt ra từ Bộ GD&ĐT”.
Theo nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, việc thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các nhà trường. Trong điều kiện khó khăn ấy, các trường học vẫn phải tìm cách tháo gỡ tạm thời. Thầy giáo Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 chia sẻ: “Trong các tiết thực hành, thí nghiệm, ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu giáo viên sử dụng máy chiếu, tivi và tài liệu trên mạng Internet để mô phỏng thí nghiệm ảo hoặc tận dụng các thiết bị ở Chương trình GDPT 2006 cho chương trình mới”.
Phòng tin học của Trường THPT Triệu Sơn 1 với nhiều đầu máy có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại các đơn vị trường khác trên địa bàn tỉnh thuộc cấp tiểu học và THCS cũng vậy, đến nay sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 các nhà trường vẫn chưa được nhận cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Thống kê từ Phòng Kế hoạch- Tài chính, Sở GD&ĐT cho thấy, đến năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT mới cấp được trang thiết bị giáo dục theo chương trình mới cho các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6, các khối lớp còn lại ở cả cấp tiểu học, THCS và THPT chưa được cấp. Theo đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn này, để xảy ra việc chậm cấp thiết bị học tập, trách nhiệm lớn thuộc về Sở GD&ĐT. Quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT chưa chỉ đạo quyết liệt, sát sao hướng dẫn và công tác tham mưu cho UBND tỉnh chưa kịp thời. Ngoài ra, các quy định của Nhà nước về Luật Đấu thầu, Luật Giá... thời gian qua có nhiều thay đổi cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ mua sắm, cấp thiết bị dạy học cho các trường.
Được biết, tổng kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cấp cho các nhà trường trên địa bàn tỉnh theo Chương trình GDPT 2018 khoảng hơn 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Ngoài nguồn kinh phí đã cấp mua trang thiết bị cho khối lớp 1, 2 và 6 khoảng gần 300 tỷ đồng, mới đây, Sở GD&ĐT đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thiết bị lớp 3, lớp 4, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11 theo dự toán được phê duyệt để tổ chức mua sắm cấp cho các nhà trường. Việc mua sắm và cấp trang thiết bị cho các nhà trường dự kiến hoàn thành trong kỳ 1 năm học 2024-2025. Đối với khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục thiết bị trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức mua sắm vào đầu năm 2025.
Không ít thầy, cô giáo chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 nhằm giảm lý thuyết, tăng thực hành để tiết học bớt rời rạc, nhàm chán. Vì vậy, nếu trang thiết bị, đồ dùng học tập được trang cấp kịp thời thì học sinh sẽ được học trực quan, sinh động, tiết học thú vị, hấp dẫn hơn. Do đó, mong muốn của các nhà trường hiện nay là trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cần sớm được triển khai, thực hiện. Nếu chậm trễ, đồng nghĩa với việc đổi mới các hoạt động giáo dục sẽ bị hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-12-21 16:01:00
Từ năm 2025, trường học được xây tăng thêm tầng
-
2024-12-21 13:27:00
Hoằng Hóa: 8 năm liên tục giữ vị trí tốp đầu kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh
-
2024-11-20 19:13:00
FPT School Thanh Hóa tổ chức chuỗi hoạt động tri ân đầy ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Quảng Xương chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học
Vinh quang sứ mệnh “kỹ sư tâm hồn”
Đã cao quý, càng thêm cao quý
Đạo thầy - trò và truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục củng cố, tăng cường chất lượng đào tạo và đội ngũ
Tìm kiếm tài năng học đường “Thanh Hoa City’s Got Talent”, lần thứ I năm 2024
Trường THPT Hậu Lộc 3 kỷ niệm 20 năm thành lập và Đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Vươn tầm cao mới trong sự nghiệp “trồng người”
Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Cao đẳng Y dược Hợp Lực