(Baothanhhoa.vn) - Có lẽ không ít người có thể ngờ, với nhiều đứa trẻ vùng cao, những bữa ăn trưa cùng cơm trắng, thêm 1 - 2 món ăn mặn đạm bạc lại là thứ níu chân các em bám trường, bám lớp, nuôi lớn ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.

Cùng nhau níu giữ giấc mơ con chữ vùng biên

Có lẽ không ít người có thể ngờ, với nhiều đứa trẻ vùng cao, những bữa ăn trưa cùng cơm trắng, thêm 1 - 2 món ăn mặn đạm bạc lại là thứ níu chân các em bám trường, bám lớp, nuôi lớn ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.

Cùng nhau níu giữ giấc mơ con chữ vùng biênTrước khi có bữa ăn bán trú, các em thường phải đi bộ về nhà kiếm đồ ăn sau khi kết thúc tiết học buổi sáng.

Ươm mầm con chữ từ những bát cơm nóng

Xuân đang về nơi biên ải xa xôi, đào rừng bung nở những cánh hoa tươi thắm, đung đưa trong gió chiều Mường Lát. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu của một mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, đầy sức sống. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt trẻ thơ, tiếng cười, nói dưới mỗi lớp học như hứa hẹn và mở ra những điều tốt đẹp trong tương lai.

Cách cột mốc biên giới Việt - Lào 22 km về phía Đông, giữa bản làng nhà tranh vách đất, điểm trường mầm non và tiểu học tại bản Ón, xã Tam Chung tuy nhỏ nhưng vẫn nổi bật và “khang trang” hơn hẳn nhờ những miếng tôn lắp ghép, cùng những bức vẽ vui nhộn trên vách. Nhiều tháng nay, buổi trưa tại 2 điểm trường này bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên, đầy ắp tiếng nói cười.

Buổi sáng đầu xuân sương mù và lạnh, con đường từ nhà xuống điểm trường ướt nhẹp, nhưng từ sáng sớm chị Hơ Thị Dua đã qua nhà chị Lâu Thị Khua rủ đi làm “trực nhật”. Các chị chia sẻ, để hỗ trợ các cô giáo, phụ huynh phân công nhau đến trường nấu cơm cho các con. Cứ theo lịch “trực nhật”, phụ huynh có mặt tại trường nhận thực phẩm để chế biến bữa trưa. Bữa hôm nay, có thịt băm, trứng, rau bắp cải... Hai chị, người làm rau, người băm thịt..., tất bật nấu nướng. Chẳng phải ngẫu nhiên, những người phụ nữ Mông nói tiếng Kinh chưa sõi này chung tay để các con có bữa trưa ấm nóng. Mà qua thời gian, khi Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” triển khai đã thuyết phục được họ, giúp họ có nhận thức tốt hơn trong việc cho con đến trường. “Mỗi hôm “trực nhật” mất một ngày đi nương, nhưng có đồ ăn của nhà tài trợ, chúng tôi góp chút công sức đi nấu ăn cho các con”, chị Dua chia sẻ.

11h, từng âu cơm, đĩa thịt, đĩa trứng và bát rau cải... được bưng lên lớp. Các bé tự giác cùng nhau khiêng bàn đặt trong phòng, rồi ngồi ngay ngắn dùng tay ấp lấy tô cơm nóng, háo hức chờ cô chia thức ăn. Khi có đủ cơm trên bàn, cô giáo mời các con ăn, các con mời khách, mời cô, mời các bạn và cùng ăn cơm. Bữa cơm tưởng chừng như đơn sơ, nhưng bọn trẻ vẫn liên tay đưa chiếc muỗng với lấy thức ăn và dùng bữa ngon lành.

Viễn cảnh tươi đẹp này chỉ mới bắt đầu khi Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” chính thức được khởi động vào ngày 2-9-2022. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án, các em khi đến lớp sẽ được ăn cơm nóng rồi chìm vào giấc ngủ bình yên, thấy giấc mơ con chữ như gần thêm một bước. “Nơi đây, 100% bà con dân bản đều là người dân tộc Mông, hầu hết thuộc diện hộ nghèo. Vào ban ngày, bố mẹ các em đi làm nương xa, bỏ lại những ngôi nhà tranh bên trong trống hoác, không khóa. Lũ trẻ được thả rông ở nhà, thích đến trường thì đến không thì thôi. Đến bữa, các em tự động vét nốt cơm nguội còn sót lại từ hôm qua, không thì vào rừng, ra bờ suối, kiếm được gì ăn nấy. Chỉ với 7.500 đồng/bữa trưa đã làm thay đổi chất lượng dạy và học nơi đây. Các em đến trường để được ăn cơm nóng, canh nóng, thịt/cá/trứng. Công việc vận động các bé đến trường, duy trì sĩ số lớp của chúng tôi cũng được thực hiện dễ dàng hơn” - cô Hà Thị Chanh, giáo viên mầm non điểm Ón, Trường Mầm non Tam Chung, chia sẻ.

Khi cộng đồng chung tay chắp cánh sự tử tế

Yêu và nặng lòng với Mường Lát từ những chuyến thiện nguyện cùng các thành viên CLB Thiện nguyện hiến máu Ngọc Lặc, xếp chồng trong ký ức của cô giáo Phạm Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Trung (Ngọc Lặc) là những ngôi nhà đứng trơ trọi giữa núi rừng. Bên trong, không gian trống hoác, không đồ đạc giá trị, thiếu cảm giác của sinh tồn đúng nghĩa; là hình ảnh bọn trẻ vài tuổi đầu đã quen phơi mình với gió sương trong manh áo mỏng. Chúng chui vào lùm tre để hái măng, đào sắn mang về nhà nấu ăn. Bố mẹ chúng có thể đang kiếm cơm nuôi gia đình, hoặc đang ở trong tù. Cũng trong những chuyến ngược ngàn, cô gặp anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát - một người con của đồng bào dân tộc Mông. Anh Phía hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiếu thốn của trẻ em vùng cao, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Mông, vì anh cũng đã trải qua một tuổi thơ thiếu ăn, thiếu mặc như vậy.

Cùng nhau níu giữ giấc mơ con chữ vùng biênSau khi có bữa ăn bán trú, các em học sinh điểm Trường Mầm non bản Ón, xã Tam Chung đã được ăn những suất ăn dinh dưỡng hơn.

Tiếp xúc, trò chuyện với anh, cô hiểu ra, vì sao có trường, có lớp nhưng các em vẫn bỏ học. Vì phải mưu sinh khi cái đói, cái nghèo vẫn bám đuổi mỗi sớm mai thức giấc, vì không có gì để ăn nên phải về nhà trên những cung đường hàng cây số đo bằng những bước chân... Chúng không có động lực. Khoảnh khắc đó, cô Huyền biết mình cần phải làm gì. “Muốn giữ chân các em học sinh đến trường, cần phải đi từ bữa ăn trưa. Vì chỉ có ăn tại trường, các em mới có giấc ngủ trưa trọn vẹn, không phải lặn lội về nhà rồi lại bỏ học, hay ôm bụng đói đến trường, không đảm bảo được sức khỏe để học tiếp”, cô giáo Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Những ngày đầu vì chưa có điều kiện, cô Huyền vận động những người gần gũi nhất với mình, đó là các thành viên trong hội hiến máu, bạn bè, người thân... góp thêm để những bữa ăn có thịt cho trẻ bán trú. Tuy nhiên qua thời gian, cô nhận ra rằng, giấc mơ của mình đã ngày càng lớn hơn từ những bữa cơm ấy, bởi ở ngoài kia còn hàng nghìn trẻ em khác đang bỏ lớp vì thiếu ăn. Bước ngoặt thực sự đến khi cô giáo Huyền gặp chị Trần Thị Hà Thanh, Bí thư Đoàn khối Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, người bạn đồng hành cùng chí hướng. Hơn ai hết chị Huyền hiểu rằng “một cây làm chẳng nên non” và cần có sức mạnh của cộng đồng để những đứa bé vùng cao được giúp đỡ nhiều hơn bởi những tấm lòng thơm thảo. Hai chị đã ngồi lại với nhau, kết hợp với Huyện đoàn Mường Lát cùng lên kế hoạch, xây dựng mô hình theo hình thức quyên góp “một nuôi một”. Mỗi em sẽ được nhận hỗ trợ từ bố, mẹ, anh, chị nuôi 150.000 đồng/tháng góp thêm vào số tiền Nhà nước hỗ trợ kinh phí học tập của các em để các thầy, cô giáo nấu bữa trưa có đủ dinh dưỡng từ cá, thịt, trứng, canh rau.

Bước đầu, ban dự án phải thu thập thông tin trẻ tại địa bàn (theo bản, xã), cập nhật thông tin cá nhân của trẻ (ảnh chân dung trẻ, độ tuổi, chiều cao, cân nặng, số điện thoại của bố/mẹ, cô giáo), đặt mã định danh cho từng trẻ... Sau đó, các mã định danh sẽ được up lên trang web Fanpage “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” để giới thiệu với các bố, mẹ, anh, chị nuôi. Hồ sơ phải đính kèm có số điện thoại của cô chủ nhiệm, phụ huynh, trưởng bản, hiệu trưởng và phòng giáo dục huyện. Khi nhận nuôi trẻ, bố, mẹ, anh, chị nuôi sẽ nhận được các số điện thoại này và có thể gọi điện hoặc tổ chức thăm nuôi trực tiếp bất cứ lúc nào để hỏi thăm con nuôi của mình đang được dạy dỗ, chăm sóc, nuôi cơm trưa như thế nào.

Với cách thức này, chưa đầy 3 tháng, hơn 400 trẻ em tại 6 điểm trường của huyện Mường Lát đã được chăm lo bữa ăn dài hạn bởi những người mà các em chưa từng biết mặt. Họ không chỉ nhận nuôi con, mà còn hỗ trợ tích cực để thông tin về Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” lan rộng hơn. Và đặc biệt, từ việc nuôi cơm trưa cho trẻ, Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã phát triển ra các chương trình như: “Đông ấm cho em”, “Bình an cùng em đến trường”, “Trung Thu cho em”... Đặc biệt, đầu tháng 12 vừa qua, chương trình “Đông ấm biên cương - Xuân tình nguyện 2023” đã diễn ra tại các xã Tam Chung, Trung Lý, Mường Lý (Mường Lát). 600 em ở các điểm trường được trao tặng áo ấm, sữa, thuốc tẩy giun, tiền mặt và chương trình bàn giao khu vui chơi, bếp ăn, dụng cụ nấu ăn cho các điểm trường đang thực hiện Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”. Nhân dịp này, đoàn cũng đã trao 500 con ngan, vịt; 5 con lợn giống cho 15 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo. Tổng giá trị chương trình gần 400 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhằm góp phần mang đến một cái tết ấm áp cho các em học sinh, hoàn cảnh khó khăn, dự án sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, các anh chị nuôi em thực hiện chương trình “Tết ấm em nuôi” và “Cặp bánh chưng xanh - tết an lành” tại huyện Mường Lát.

Điều cô giáo Huyền và các cộng sự không ngờ tới là có những điểm trường số trẻ đến lớp đã tăng lên. Bố mẹ các em cũng đồng ý cho con tìm đến con chữ vì ít nhất ở trường cũng có cái ăn. Nhờ vậy, những lo toan về bữa cơm no ấm nay được thay bằng tiếng râm ran đọc bài nơi lớp học. Chặng đường đến với con chữ của các em nhờ vậy cũng vơi bớt chông gai. Cô Huyền tâm sự: “Chúng tôi không biết bản thân sẽ đi được đến đâu, nhưng ít nhất ngày nào chúng tôi còn nỗ lực thì có thể ngày hôm ấy sẽ bớt được một đứa trẻ phải bỏ học, vì thiếu đói. Và biết đâu đó 10 năm, 20 năm nữa, những đứa trẻ trong bữa cơm 7.500 đồng hôm nay sẽ trở thành du học sinh hay doanh nhân thành đạt. Hoặc chỉ đơn giản là một người khỏe mạnh và có cuộc sống tốt. Với tôi, trở thành ai không quan trọng, quan trọng là lũ trẻ hôm nay đủ no bụng để có sức vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn”.

Với Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát”, cô giáo Huyền, chị Hà Thanh, anh Phía và rất nhiều bố, mẹ, anh, chị nuôi sẽ tiếp tục mơ những viễn cảnh về một tương lai tươi sáng ấy. Khi đó, với sự chung tay của những cá nhân may mắn hơn trong cộng đồng, hôm nay là các trẻ em Mường Lát được đến trường, nhưng biết đâu ngày mai sẽ là toàn bộ những đứa trẻ vùng cao và ngày kia không còn một đứa trẻ nào phải đói ăn, thiếu mặc, không được học hành. “Quan trọng là huy động được sức mạnh xã hội, có thêm nhiều người biết đến chương trình để đóng góp”, cô giáo Huyền nói thêm.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Sinh hoàng - 22:33 16/01/23

 Trả lời

Ý nghĩa thiết thực

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]