(Baothanhhoa.vn) - Lâu lâu mới về quê trong một chuyến công tác dài đến hai tuần, một chiều mát mẻ, tôi thả bộ ra chợ trung tâm thành phố và ngẫu nhiên gặp được Mai, cô bạn lớp trưởng hồi phổ thông cơ sở trước đây. Mai trách tôi làm người thủ đô rồi quên béng bạn học tỉnh lẻ. Tôi viện lí do công việc chứ không hề quên. Để khẳng định, tôi đọc hết sĩ số của lớp. Mai tin và nhắc phải đi thăm cô Tân, chủ nhiệm của chúng tôi từ lớp 7 đến lớp 9.

Cô chủ nhiệm lớp tôi

Lâu lâu mới về quê trong một chuyến công tác dài đến hai tuần, một chiều mát mẻ, tôi thả bộ ra chợ trung tâm thành phố và ngẫu nhiên gặp được Mai, cô bạn lớp trưởng hồi phổ thông cơ sở trước đây. Mai trách tôi làm người thủ đô rồi quên béng bạn học tỉnh lẻ. Tôi viện lí do công việc chứ không hề quên. Để khẳng định, tôi đọc hết sĩ số của lớp. Mai tin và nhắc phải đi thăm cô Tân, chủ nhiệm của chúng tôi từ lớp 7 đến lớp 9.

Cô chủ nhiệm lớp tôi

Ảnh minh họa.

Sáng hôm sau, tôi mượn xe máy đến thăm cô Tân. Dừng xe trước cái cổng tre, vừa trông thấy một người phụ nữ có tuổi đang vun đất vào gốc ổi, tôi vội chào: “Cô ạ!”. Cô tôi bỏ cuốc vừa đi ra, vừa hỏi: “Ai đấy?”. Tôi bỏ mũ bảo hiểm, thưa: “Cô giáo còn nhớ em không ạ?”. Cô Tân nhìn tôi thật kỹ rồi hỏi: “Có phải em Đà Còi không?”. Tôi vâng và thưa rằng, cô giáo có trí nhớ đáng nể. Cô tôi bảo, không được như thế đâu, do hôm cô đến chơi nhà Mai, gặp lúc tôi đang nói về chỉnh trang đô thị trên truyền hình, Mai cho biết, người đang nói chính là Đà Còi, học trò cũ của cô, giờ là chuyên gia về xây dựng đô thị ở Hà Nội.

Vào nhà, dù đã nghe ít nhiều về hoàn cảnh của cô giáo nhưng tôi vẫn choáng sững. Cô tôi chỉ vào các bức ảnh trên bàn thờ nói: “Thầy và hai em Vượng, Thịnh đấy”. Ba bức ảnh trên bàn thờ, bức thứ nhất là ảnh của một đại úy trẻ. Đó là thầy Cường chồng cô Tân, hiệu trưởng trường chúng tôi. Ảnh đen trắng. Hai bức ảnh còn lại, ảnh màu. Người trong ảnh là hai chàng trai tuổi 18, 19, thân hình vạm vỡ, tóc dày xõa loăn xoăn trước trán. Họ đều giống thầy Cường ở khuôn mặt chữ điền, đôi mắt to sáng và cái mũi thẳng trên vị trí nhân trung dài hơn mức bình thường. Tôi đi lại bàn thờ thắp hương, khấn, lạy. Cô giáo vái, tạ việc hiếu đễ của tôi.

Mời tôi ra bàn khách, cô giáo vừa pha trà, vừa nói: “Cảm ơn em đã đến thăm. Trước đây cô tưởng sụp hẳn nhưng qua được rồi. Phải sống thôi, em ạ!”. Tôi đáp: “Vâng, thưa cô phải sống chứ”.

Mời tôi chén nước, rồi cô bảo, vườn đang có ổi chín trái mùa, cô ra hái mấy quả đãi tôi. Tôi nhắc lại kỷ niệm hồi hè năm lớp 9, cả lớp kéo về phá gọn vườn ổi đang chín rộ của cô. Nghe vậy, cô Tân có vẻ vui.

Cho đến đầu năm lớp 9, tôi vẫn là đứa còi nhất lớp. Gần mười lăm tuổi rồi mà tôi chỉ cao có 1m28, nặng 32 cân, da luôn tái nhợt như thị rụng. Vì vậy, lớp gọi tôi là Đà Còi để phân biệt với thằng Đà Kềnh to cao quá cỡ họ Chu. Tôi và Đà Kềnh chỉ được gọi đúng họ tên khi điểm danh. Đà Kềnh là Chu Đà, còn tôi là Đỗ Đà hoặc Đà Đỗ.

Là thằng thấp bé nhẹ cân nhất lớp, tôi luôn bị thua thiệt. Lớp lập đội bóng đá chả ai gọi đến tôi; khi hát đồng ca tham gia hội diễn cấp trường, tôi bị xếp ngoài cùng, sau đó lại bị khuyên rút lui để đảm bảo cho đội hình cân xứng. Tôi biết phận, chăm chỉ làm các việc vặt của lớp như giặt giẻ lau bảng, đi mượn điếu cày cho thầy Tới dạy Sử hay hút thuốc lào lúc giải lao...

Một lần lớp tôi có buổi lao động tự giác, với nhiệm vụ chuyển hơn hai ngàn viên gạch để xây nhà vệ sinh. Lớp có bốn mươi người, chia ra mỗi người là năm mươi viên. Các bạn hợp cạ với nhau từng đôi một nhưng vì thấy tôi bé yếu, chả bạn nào chịu cạ với tôi cả. Lớp trưởng Mai đang định cùng tôi đi khênh thì Đà Kềnh đến, bảo muốn cạ với tôi. Mai nhường. Tôi nhìn Đà Kềnh biết ơn và đi khênh gạch với hắn. Chuyến đầu ngon lành. Song, đến chuyến thứ hai, Đà Kềnh bắt đầu giở trò xỏ lá. Hắn gồng cao người lên dốc quang về phía tôi, làm cả chồng gạch va vào bắp chân tôi đau đến muốn khụy. Tôi nhắc hắn. Hắn cười nham nhở, đùa: “Thử sức cậu tí, xem ra cậu còi nhưng cốt chắc phết!”. Chúng tôi tiếp tục đến chuyến thứ ba, vượt hẳn các cạ khác một chuyến. Nhưng đến chuyến thứ tư thì Đà Kềnh lại giở trò. Lần này, hắn làm tôi bị quá đau. Tôi hất cái đòn gánh ra khỏi vai, trừng mắt nói: “Không cạ với cậu nữa. Cậu ác bụng lắm!”. Đà Kềnh nhệch môi: “Được thôi! Bỏ lao động là ăn mắng đấy!”. Tôi không nói gì, ngồi tựa vào gốc cây, xoa chỗ bị quang gạch vập thâm tím cả lại. Đà Kềnh khuyềnh khoàng đi đến một gốc cây khuất, rút thuốc lá ra hút vẻ rất tay chơi. Hai cái bàn chân to tướng, ngón quả chuối mắn vắt tréo cẳng ngỗng, lắc lắc theo nhịp khói phả um lên, trông chẳng khác chân con sói trong phim hoạt hình Hãy đợi đấy.

Chân đỡ đau, tôi bắt đầu chuyển gạch bằng tay và... ngực, cứ mỗi lần bốn viên. Tôi đã chuyển đủ một trăm viên định xuất của cả tôi và Đà Kềnh, sau đó, còn cùng các bạn thu dọn hiện trường cho sạch sẽ.

Lớp họp bầu cá nhân xuất sắc. Bạn Ti thấy Đà Kềnh lười, giới thiệu kiểu trêu đùa, ai ngờ những người thích đùa cũng cười hùa, réo lên: “Đà Kềnh! Chu Đà”. Nhiều tiếng cười khác rộ theo, chỉ có Đà Kềnh là không cười. Lớp trưởng Mai hỏi xem những ai đồng ý thì giơ tay. Gần như cả lớp giơ tay và cười. Tôi lưỡng lự rồi cũng giơ tay trong tiếng cười không dứt. Đà Kềnh lấy bao thuốc rút một điếu rồi ném cho Ti. Hắn chưa kịp châm lửa thì Mai ngăn lại: “Bạn Chu Đà, học sinh không được hút thuốc, lớp đang họp lại không được hút thuốc”. Đà Kềnh không nói, tiếp tục bật lửa. Mai cương quyết: “Tôi nhắc lại, mọi người đang họp, không ai được hút thuốc”.

Đà Kềnh khìn khịt mũi, nói: “Này! Lớp trưởng chứ không phải cô chủ nhiệm đâu nhé, đừng có cá mắm thế! Trông ngoắng lắm”. Hắn nói rồi vẫn bật lửa. Mai bất lực đến muốn khóc. Đà Kềnh đang vênh vang nhả khói thì cô Tân đến. Cô yêu cầu lớp trưởng thuật lại tình hình. Nghe xong, cô bình thản nói: “Cô bận em bé ốm nên không ra lao động với các em được nhưng cô vẫn luôn đáo mắt quan sát, vừa rồi lại được nghe lớp trưởng báo cáo thêm nên cô có ý kiến thế này, các em bầu Chu Đà là lao động xuất sắc là bầu đùa, một người đùa đã sai, gần cả lớp đùa theo lại càng sai. Có đúng không nào?”. Cậu Ti rụt rè đứng lên, mặt đỏ nhừ, lí nhí nói: “Thưa cô giáo chủ nhiệm, em đã dại miệng nói đùa, em xin lỗi cô..., cậu ta nhìn về phía Đà Kềnh, giọng nói trở nên hoạt bát - Đà Kềnh ơi, tôi thấy bạn bỏ lao động, nằm phì phèo thuốc lá. Cứ tưởng bầu đùa để bạn tỉnh ra nhưng bạn lại tưởng thật. Vậy, tôi không đùa nữa. Chúng em không dám đùa nữa cô ạ”.

Đà Kềnh đỏ bừng mặt chỉ vào Ti, hỏi: “Chắc chỉ cậu xứng đáng lao động xuất sắc?”. Ti lắc đầu bảo: “Người xứng đáng là lao động xuất sắc nhất lớp là bạn Đà Còi”.

Mọi người vỗ tay rầm lên. Đà Kềnh nói như gào: “Bầu một thằng oẳn con là lao động xuất sắc à?”.

Cô chủ nhiệm bảo Đà Kềnh ngồi xuống rồi nói: “Các em ạ, danh hiệu lao động xuất sắc là dành cho những người tích cực, có tinh thần tự giác chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu hay khỏe. Cô thấy em Ti bầu đúng. Em Đỗ Đà đã chuyển bằng hết số gạch định xuất của hai người mà không kêu ca phàn nàn tị nạnh gì...”

Tiếng vỗ tay tán đồng. Cô Tân bảo Mai, hỏi ai đồng ý bầu tôi thì giơ tay. Chỉ có tôi và Đà Kềnh là không giơ tay. Đà Kềnh gằm gằm mặt, lầm bầm gì đó nghe không rõ.

Kết thúc, tôi là một trong năm bạn được bầu là cá nhân xuất sắc. Đây là danh hiệu lao động đầu tiên tôi đoạt được từ khi bắt đầu đi học.

May sao đến cuối lớp 9, tôi lớn trổ ra. Bụng lúc nào cũng đói, miệng lúc nào cũng thèm ăn. Hồi đó, kinh tế còn khó khăn nên mẹ đã dành gần nửa suất ăn của cả nhà cho tôi. Nhờ thế khi vào phổ thông trung học tôi cao mét bảy mươi, nặng năm lăm cân. Nhưng tàn dư Đà Còi thì vẫn còn mãi trong lũ bạn cấp 2 của tôi.

Cô tôi vào cùng với đĩa ổi thơm phức. Trong lúc ăn ổi, tôi tò mò hỏi cô về hoàn cảnh mà Mai chỉ nói nhớm lúc ở chợ. Tôi còn thắc mắc, vì sao cô giáo lại bỏ vị trí một cán bộ giảng dạy đầy triển vọng ở Hà Nội để về quê làm một cô giáo làng. Cố nhịn một tiếng thở dài, cô tôi kể: “Cô phải về quê là vì bệnh tình của thầy Cường đấy. Hồi các em lên cấp 3 được ít năm, thầy Cường động viên cô đi học đại học sư phạm, cô thi tốt nghiệp đỗ thủ khoa, được trường giữ lại học cao học. Thầy Cường mừng lắm, giành lấy việc nuôi dạy con cái để cô yên tâm học tập. Khi cô học xong cao học, được đứng lớp như một giảng viên chính thì thầy Cường bị một căn bệnh rất lạ. Hàng đêm, cứ khoảng ba giờ sáng bị đau bụng dữ dội và tức thở. Sau đó, người lả oặt như bị chết lâm sàng. Thầy Cường giấu kín căn bệnh vì cảnh vợ trẻ, con thơ và cũng còn cả bát cơm manh áo trong những ngày gian nan đói khổ nữa. Lúc đầu, thầy giấu cả cô, nhưng vợ chồng thì làm sao mà giấu mãi được. Thương thầy, cô đã xin nghỉ việc về quê lo chạy chữa. Lúc đầu, cô đi gõ cửa các thầy thuốc, cả đông y lẫn tây y. Có bà lang Mường nổi tiếng ở tận trong Hà Tĩnh cô cũng tìm đến. Các thầy thuốc đưa ra nhiều cách chữa và phương pháp chung là giải độc. Họ nói, thầy bị nhiễm độc trong thời gian đi rà phá bom mìn sau chiến tranh ở Trường Sơn. Đến lúc thầy Cường gần như quỵ hẳn, cô phải chạy chọt đưa xuống viện 108. Khi đó, bệnh thầy đã chuyển sang xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Tội nghiệp, thầy là người tự tin và ham sống. Cả khi tay đã bắt chuồn chuồn, thầy vẫn cố cười động viên cô, thầy sẽ khỏi bệnh và việc đầu tiên khi khỏe lại, sẽ đào một cái ao trước nhà, xung quanh trồng toàn cau, ao nuôi cá, cau làm cảnh. Ước là vậy nhưng thầy đã không qua được. Thầy mất năm mới ba sáu tuổi, để lại cho cô một nách ba con thơ. Thằng Vượng mới chín tuổi, thằng Thịnh bảy tuổi, thằng Thêm mới hơn một tuổi.

Cô tôi dừng, chùi nước mắt, kể tiếp: “Lo tang chồng xong, thấy các con khỏe mạnh lại ngoan, siêng năng giúp mẹ, cô cũng khuây khỏa phần nào. Có một hồi, do quá khó khăn, nhiều giáo viên bỏ việc, bạn cô làm trên phòng giáo dục mời cô ra dạy cấp 2. Được trở lại nghề cũ cô thấy cũng được an ủi. Thằng Vượng, lúc mới mười hai tuổi nhưng đã biết vừa học, vừa làm, gây được một đàn vịt hơn bốn mươi con. Thằng Thịnh mười tuổi biết thổi cơm, quét nhà, rửa bát. Hai đứa lớn năm nào cũng là học sinh giỏi xuất sắc của trường. Nhưng đến năm thằng Vượng bước vào tuổi 18, vừa thi đỗ đại học xong thì tay chân cứ bị teo đi. Bệnh diễn biến rất nhanh. Chỉ trong vài tháng, từ một thanh niên cường tráng chỉ còn da bọc xương rồi nó không kịp ăn cái tết bước sang tuổi mới. Gần ba năm sau, thằng Thịnh cũng bị căn bệnh y hệt vậy. Ba năm, trước tết, cô đã hai lần chôn con. Chôn rồi lại lo cho số phận đứa út, thằng Thêm...

Tôi không đừng được, vội hỏi: “Em Thêm...?”. Cô Tân chùi nước mắt, kể tiếp: “Năm thằng Thêm vào tuổi mười tám, không đêm nào cô ngủ trọn giấc. Cứ thấy nó trở mình hay ho hen gì, cô vội thắp đèn soi. Khổ thân thằng bé, người ngợm cũng không đến nỗi nào, tốt nghiệp đại học loại giỏi, hai mươi ba tuổi rồi mà chả có bạn gái. Chắc là họ ngại cái dớp chết non, bệnh tật của các anh nó”. Tôi thở phào động viên cô, con trai hai ba, còn rất trẻ. Tôi hỏi về công việc của em Thêm. Cô tôi kể, Thêm yêu nghề của cha mẹ, học đại học sư phạm đỗ loại ưu nhưng mãi không xin được việc đúng nghề. Năm tháng nay, Thêm được một công ty liên doanh cách nhà ba cây số nhận vào làm quảng bá thương hiệu, trưa nào em cũng về ăn cơm với mẹ, cô giáo kể rồi mời tôi ở lại ăn trưa...

Tôi chưa kịp đáp thì có tiếng xe máy đỗ và tiếng mở cổng. Một chàng trai cao lớn mà tôi biết đó là Thêm cùng một cô gái xinh xắn khỏe mạnh đi vào. Tiếng chàng trai hỏi: “Mẹ ơi! Nhà có khách ạ?”.

Tôi và cô giáo ra cửa. Cô tôi bảo con trai: “Có anh Đà ở Hà Nội, học sinh cũ đến thăm mẹ”. Thêm cười tươi nhận ra tôi đã phát biểu trên truyền hình rồi cậu rối rít giới thiệu cô gái: “Mẹ ơi, đây là Oanh làm ở chỗ con. Chúng con đi giao dịch đại lý. Con mời Oanh về ăn cơm trưa luôn. Oanh làm món lá cải cuốn nhân tôm, ngon lắm mẹ ạ. Chúng con mua sẵn các thứ đây rồi ạ”. Tôi thân mật bắt tay hai bạn trẻ và ở lại ăn cơm với cô tôi.

Buổi chiều tôi về tỉnh có cuộc họp. Khi xong việc, trở lại nhà khách, tôi thấy Đà Kềnh ngồi chờ sẵn ở ghế đá trong khuôn viên. Chúng tôi đã gặp nhau hồi năm trước nên không còn lạ lẫm, bất ngờ nữa. Đà Kềnh nói, biết tin từ Mai nên cậu ta đến thăm tôi. Đà Kềnh bộc bạch, muốn nhân danh tôi tổ chức bữa tiệc mời cô chủ nhiệm, mời ông chủ tịch thành phố vốn là học trò quý của cô. Đà Kềnh ghé tai tôi bật mí, cậu ta đang là thuộc cấp của ông chủ tịch với chức phó phòng phụ trách phòng nội vụ thành phố. Tôi hỏi luôn, có phải vì cái chức trưởng phòng không. Đà Kềnh thú nhận, tôi đã “đọc” được tận gan ruột hắn. Hắn hứa, sẽ sớm giải quyết biên chế cho em Thêm vào dạy ở trường cấp 3 thương hiệu nhất thành phố tỉnh lỵ. Tôi có ý mừng định gọi cho cô Tân nhưng Đà Kềnh vội ngăn lại: “Phải chiến thuật một chút, vì hồi cô đưa thằng Thêm đến xin việc, tớ đã nói hỗn với cô”. “Sao lại bậy thế?”. “Mình trót ngu và tham, cô lại đến tay không...”. Tôi suýt bật ra từ khốn nạn thì Đà Kềnh nói, cách gì cũng phải giúp hắn. Cả nể nên tôi dày mặt đưa hắn đến thăm cô chủ nhiệm. Cô Tân tiếp thân tình nhưng khi Đà Kềnh thưa với cô, hắn đã bố trí được biên chế cho em Thêm ở một trường điểm thì cô nhỏ nhẹ cảm ơn rồi nói, Thêm đã tìm được chỗ làm có ông sếp tình nghĩa lắm, bỏ đi sợ thất lễ. Đà Kềnh không thất vọng mà năn nỉ mời cô hôm sau đi dùng cơm với ông chủ tịch và tôi. Cô tôi bảo, đã có hẹn ngày mai về thăm quê ngoại rồi. Nói thế nhưng cô tôi vẫn chủ động gọi phôn cho ông chủ tịch thành phố có nhắc đến Đà Kềnh là học trò cũ của cô.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh


Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]