Cơ chế đặc thù làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cơ hội nào cho nhà thầu nội?
Khẳng định Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là cơ hội lớn nhưng cũng là những thách thức đầy khó khăn cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam, do đó, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có kiến nghị hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả dự án.
Ảnh minh họa.
Xây dựng quy mô gói thầu không quá 1,5 tỷ USD
Xác định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với giá trị xây dựng cơ bản khoảng 33 tỷ USD là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhà thầu Việt, ngày 18/12/2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét loạt cơ chế đặc thù cho dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
“Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó, phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam, 7 cơ chế đặc thù đã được VACC đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét”, ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp đề xuất, về phân chia các hợp phần dự án và quy mô gói thầu, VACC đề nghị Thủ tướng cho phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng với các hợp phần chuyên ngành khác (thông tin, tín hiệu; cấp điện; phương tiện đoàn tàu)
Quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1 tỷ tới 1,5 tỷ USD, đảm bảo năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia đấu thầu; Nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.
Về lựa chọn nhà thầu, theo VACC, đây là dự án đặc biệt lớn, sử dụng nguồn vốn trong nước, cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam. Việc này đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ, là cách tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để có thể thực hiện các dự án tương tự hoặc có thể tham gia đấu thầu các dự án quốc tế sau này.
Trên cơ sở đó, VACC kiến nghị tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm; từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng (theo phân cấp công trình xây dựng quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD) tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề.
Mô hình nhà thầu cần khuyến khích liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò là đứng đầu liên danh; Khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn.
"Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%) cũng cần được xem xét", Chủ tịch VACC đề xuất.
Đối với tiêu chí tài chính, tạo thuận lợi cho nhà thầu trong nước, VACC kiến nghị xem xét, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính.
Riêng với nhà thầu tư vấn, theo VACC, dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED và đấu thầu nhà thầu EPC. Song, các nhà thầu Việt Nam thường có sự tách bạch thành nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng. Trong đấu thầu cần có sự liên danh liên kết giữa 2 nhóm nhà thầu này, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài.
“Do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng, cấp có thẩm quyền cần cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu”, văn bản kiến nghị nêu.
Về tư vấn giám sát và các tiêu chuẩn kỹ thuật, đánh giá dự án có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt đòi hỏi độ chính xác lớn, hạn chế dung sai, VACC kiến nghị cần tăng cường công tác tư vấn giám sát. Mô hình tư vấn giám sát theo hình thức tư vấn nước ngoài liên danh với tư vấn trong nước để thực hiện dự án.
Trong quá trình thi công, giám sát thi công có yêu cầu phía nước ngoài chuyển giao công nghệ thi công cho nhà thầu Việt Nam.
Phụ thuộc vào đối tác nước ngoài rất tốn kém
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ông Nguyễn Văn Thắng lúc còn là Bộ trưởng Bộ GTVT (nay là Bộ trưởng Bộ Tài chính) thẳng thắn nêu thực tế trước đây, một số tuyến metro gặp phải tình trạng chậm tiến độ và đội vốn.
"Khi nghiên cứu đường sắt tốc độ cao, chúng tôi đã làm rất kỹ. Cá nhân tôi cũng quan tâm làm rõ các nguyên nhân gây chậm tiến độ", ông Thắng cho hay.
Nguyên Bộ trưởng GTVT chỉ rõ 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và lựa chọn đối tác. Ông cho rằng, các dự án metro trước đây khi làm đều chưa có kinh nghiệm, chưa hình dung được triển khai ra sao, cộng thêm cơ chế vay vốn ODA phải ràng buộc về chọn đối tác cho vay, rất bất lợi.
Đường sắt tốc độ cao là dự án có vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao trong thiết kế và thi công.
Với đường sắt tốc độ cao, khi lựa chọn đối tác phải theo hướng tìm được nhà thầu có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc phải chuyển giao công nghệ, không phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài. Nếu có vay cũng không quá 30% tổng mức đầu tư, chia theo năm khoảng 46.000 tỷ đồng (1,85 tỷ USD/năm). Dự án chủ yếu sẽ sử dụng nguồn vốn trong nước, nếu có vay vốn nước ngoài, phải rẻ hơn trong nước và cơ chế không ràng buộc, để khi thi công không bị phụ thuộc và ràng buộc vào công nghệ.
Cũng theo ông Thắng, trước đây có nhiều ý kiến phải yêu cầu đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ. Song Chính phủ, Bộ GTVT thống nhất lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp tư nhân, chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia nhận chuyển giao công nghệ và tham gia dự án.
Ông cho rằng, ta chỉ có 1 tuyến đường sắt cao tốc, nếu chỉ tập trung nhận chuyển giao và nghiên cứu công nghệ lõi không cần thiết. Tuy nhiên, công nghệ bảo trì sửa chữa nâng cấp thì phải làm được, vì lĩnh vực này tốn rất nhiều chi phí và kinh phí.
“Nếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài rất tốn kém. Dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương và làm chủ”, ông Thắng khẳng định.
Doanh nghiệp giao thông lớn bắt đầu hợp tác đào tạo kỹ sư đường sắt tốc độ cao
Mới đây, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Đây là bước đi chiến lược của hai bên nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, với lịch sử hơn 65 năm hình thành và phát triển, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã cung cấp cho đất nước hàng trăm nghìn kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác.
Đối với khóa học này, trường đã thiết kế giáo trình và hiện đại, tích hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo học viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp giao thông và Trường Đại học Xây dựng trong đào tạo kỹ sư đường sắt tốc độ cao.
Phó Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Khắc Hải khẳng định: Trong bối cảnh đất nước đang ở kỷ nguyên vươn mình, đặc biệt ngành GTVT đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ, Vinaconex nhận thức sâu sắc phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hướng đến phát triển bền vững.
Vinaconex đã thành lập Trung tâm đào tạo, phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội triển khai chương trình đào tạo dành riêng cho cán bộ kỹ sư về chuyên ngành đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
Đơn vị cũng đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ, phương pháp hiện đại nhất ở trong và ngoài nước, chuẩn bị về tài chính, trang thiết bị máy móc để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn. Đây là minh chứng cho sự chuẩn bị nghiêm túc, chuyên nghiệp và cam kết của Vinaconex về việc sử dụng những nguồn lực tốt nhất, tối ưu nhất tham gia kiến tạo các công trình giao thông trọng điểm của đất nước", ông Hải nói.
Được biết, tại lớp học mới khai giảng, Vinaconex đã đưa ra tiêu chí cụ thể, lựa chọn các cán bộ kỹ sư tốt nghiệp đại học các ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Xây dựng Cầu - Đường, Kỹ thuật xây dựng Cầu đường bộ, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ...có kinh nghiệm thi công các dự án giao thông lớn.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên sẽ được cấp bằng Đại học chính quy ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông - chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Theo VOV
{name} - {time}
-
2025-01-22 14:46:00
“Cú bắt tay” lịch sử trị giá 500 tỷ USD của OpenAI, SoftBank và Oracle
-
2025-01-22 14:42:00
Bộ NN&PTNN đề xuất áp thuế suất 1% với khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi
-
2024-12-23 07:00:00
Bản tin Tài chính 23/12: Giá vàng bật tăng trong tuần mới?
EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%
Điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô
Bản tin Tài chính 22/12: Vàng giảm mạnh trong tuần, dự báo triển vọng lạc quan mới
Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”
Những mô hình trang trại tuần hoàn khép kín cho thu nhập cao
Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững
Viettel High Tech ký kết hợp đồng triệu đô cung cấp 5G tại Trung Đông
300/705 huyện trên cả nước đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất
Những “điểm nóng” tại Triển lãm công nghệ hàng đầu thế giới CES 2025