Cẩm Thủy chú trọng phát triển du lịch
Là địa phương có cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, các sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo và giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã và đang khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.
Danh thắng Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn).
Suối cá Cẩm Lương nằm ở chân núi Trường Sinh thuộc thôn Lương Ngọc (xã Cẩm Lương), từ lâu đã là địa điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, mát mẻ và được khám phá câu chuyện về đàn cá thần hết sức thú vị. Suối cá thần là nơi có những đàn cá tập trung sinh sống dày đặc trên dòng suối trải dài khoảng 2km từ một hang đá ở chân núi. Đoạn suối cá thần xuất hiện đông đúc nhất là hơn trăm mét tính từ cửa hang, chiều rộng khoảng 3m, nước trong vắt, mực nước chỉ khoảng 40cm. Tại đây, có các loài cá như cá dốc, cá chài, cá mại... Trong đó cá dốc là loài có số lượng lớn nhất, đây là loài cá quý hiếm thuộc bộ cá chép, đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Với người dân nơi đây, họ luôn tin rằng những con cá tại đây rất linh thiêng, sự sung túc của đàn cá sẽ mang lại cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa nên không ai dám đánh bắt, mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may. Và hằng năm, cứ vào mùng 8, mùng 9 tháng Giêng, Nhân dân làng Lương Ngọc, dưới chân núi Trường Sinh lại tổ chức lễ hội rước Thần Cá. Từ năm 2009, lễ hội được phục dựng, bảo tồn đúng như nghi lễ truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, dân bản ấm no, hạnh phúc.
Danh thắng Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn), nơi vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp thơ mộng vừa mang giá trị lịch sử và giá trị tâm linh cũng là địa điểm mà chắc chắn du khách không thể bỏ qua khi đến với Cẩm Thủy. Theo sử sách ghi lại: Bến Cửa Hà được thành lập từ giữa thế kỷ XIX vào thời nhà Nguyễn nhằm thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản từ miền núi xuống miền xuôi, hoặc chở hàng từ miền xuôi lên miền núi bằng đường thủy trên sông Mã. Những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp mở bến phà để nối liền tỉnh lộ từ thị xã Thanh Hóa lên Phong Ý (Cẩm Thủy) và Hồi Xuân (Quan Hóa), bây giờ là Quốc lộ 217 và bến phà ấy cũng mang tên là bến phà Cửa Hà.
Bến Cửa Hà nổi tiếng từ xưa bởi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” với dãy núi đá cao, vách dựng đứng, đỉnh núi có những mỏm nhấp nhô, nên thơ soi mình trên chiếc gương trong xanh của dòng sông Mã. Bám dọc chân núi phía hữu ngạn có một ghềnh đá chìa ra khỏi mặt sông, tương đối bằng phẳng, nơi đây từ xưa đã được các bậc tao nhân, mặc khách ca ngợi cảnh đẹp sơn kỳ thủy tú. Với những giá trị về lịch sử, khoa học và văn hóa, năm 2015 bến Cửa Hà đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Ngoài ra, huyện Cẩm Thủy còn được tạo hóa ưu ái, ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là có dòng sông Mã uốn lượn chảy dọc qua các dãy núi, tạo ra khung cảnh nên thơ, mà bất cứ ai đến đây cũng đều muốn khám phá, trải nghiệm. Cùng với đó, huyện còn có hệ thống danh lam, thắng cảnh phong phú như động Diệu Sơn (xã Cẩm Vân), động núi Vụng Thung (thị trấn Phong Sơn) và nhiều di chỉ khảo cổ như, hang Núi Một (xã Cẩm Giang), hang Trống (xã Cẩm Tú)... cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đền Ngọc (xã Cẩm Lương), chùa Rồng (xã Cẩm Thành), chùa Vọng (xã Cẩm Giang)...
Cùng với đó, huyện cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Mường. Đồng bào các dân tộc tại đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, hát xường, đánh cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường; nghề thêu, tết năm cùng, lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao... cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đang được người dân giữ gìn và tổ chức hằng năm như: lễ hội Khai hạ ở suối cá Cẩm Lương, lễ hội chùa Chặng, lễ hội chùa Rồng, lễ hội đền Cùng... Đây đều là những tài nguyên di sản quý giá để thúc đẩy du lịch của huyện phát triển.
Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đã tích cực khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch như, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch tham quan danh lam, thắng cảnh... Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Đến nay, huyện đã hoàn thành và đưa nhiều công trình quan trọng phục vụ phát triển du lịch. Tiêu biểu như, đường giao thông khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương tổng kinh phí 57 tỷ đồng; khu vui chơi giải trí phục vụ công cộng tại xã Cẩm Lương tổng kinh phí 503,15 tỷ đồng; bãi đỗ xe khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương tổng kinh phí 5,24 tỷ đồng; cầu bê tông cốt thép đi xã Cẩm Lương tổng kinh phí 704,39 tỷ đồng... Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025 trở thành một ngành kinh tế quan trọng; phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, tham quan danh lam, thắng cảnh, trọng tâm là khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-13 13:10:00
Sẵn sàng đón khách dịp Tết Dương lịch
-
2024-12-13 10:09:00
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
-
2024-05-23 17:47:00
Kết nối Pù Luông với doanh nghiệp du lịch
Có hẹn với Pù Luông
Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh
Phát triển du lịch mang đậm nét văn hóa xứ Thanh
Thích thú với du lịch trải nghiệm
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Lạt từ CEO Dalat Today Travel
Đổi mới để hấp dẫn du khách
Tour săn mây Đà Lạt trọn gói ưu đãi, chuyên nghiệp tại Dalat Holiday
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới
Định vị thương hiệu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia