(Baothanhhoa.vn) - Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo Thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT Quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư 17). Dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm mới với mục đích chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo Thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT Quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư 17). Dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm mới với mục đích chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”Trường Tiểu học Lê Xuân Lan (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa).

1. Tự bao giờ người ta đã áp đặt việc dạy thêm - học thêm với suy nghĩ không tích cực. Trong khi thực tế rất nhiều phụ huynh hằng ngày vẫn phải đưa con đến các lớp học thêm. Đặc biệt ở các khu vực trung tâm thì nhu cầu học thêm càng lớn.

Tôi nhớ, khi con gái tôi đang là học sinh cuối cấp, ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần con còn có 3 buổi học thêm ở trường và 1 - 2 buổi bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, con có 3 môn học thêm ngoài nhà trường là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, mỗi môn 2 buổi/tuần. Như vậy, ngoài việc học ở trường thì con tham gia 6 buổi học thêm ngoài nhà trường. Và con tôi không phải trường hợp cá biệt.

Tại sao phải học nhiều như thế? Tôi đã từng nhiều lần tự hỏi. Bởi, có thời điểm tôi quyết tâm không cho con học thêm ở ngoài. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn, sức học của con kém hơn so với các bạn, thậm chí không biết làm những bài toán khó, không biết cách thức làm bài văn đúng trình tự, đúng mẫu; từ vựng tiếng Anh thì nghèo nàn... Cuối cùng, suy nghĩ lại, tôi vẫn phải cho con đi học thêm ngoài nhà trường.

Đi học thêm có nhiều cái lợi cho con, đó là con được cô giáo ôn lại kiến thức đã học, bổ sung thêm kiến thức mới... Và chất lượng học tập, theo đó được thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, không còn canh cánh nỗi lo, rằng cô giáo không có “cảm tình” với con mình vì không đi học thêm... Tuy nhiên, nhìn nhận trong thực tế, không phải ai cũng có chung quan điểm về dạy thêm, học thêm. Và đi hay không đi học thêm còn phụ thuộc vào quyết định của phụ huynh, học sinh. Chị N.T.H. ở thị trấn Hà Trung (Hà Trung) có 2 con là học sinh THCS tâm sự: “Hai vợ chồng tôi, lương tháng tổng cộng 12 triệu đồng. Dù rất muốn cho con đi học thêm cả trong và ngoài nhà trường nhưng với đồng lương ít ỏi này, gia đình không thể thực hiện”.

“Không đi học thêm, con tôi có thể tham gia chơi đá bóng với bạn bè, không thì đến lớp học võ... Tôi nghĩ kiến thức văn hóa là quan trọng nhưng sau những giờ học căng thẳng, con được thư giãn với các môn thể thao sẽ bớt áp lực hơn việc học hành”, anh P.V.M. ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho biết.

“Thực sự, khi con cái đi học thêm là thời gian của bố mẹ phải xé lẻ, đưa đón hết đứa này đến đứa khác”, chị L.T.H. ở phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) chia sẻ.

2. “Về cơ bản, cấm mà như không cấm”, đó là khẳng định của không ít phụ huynh, đặc biệt phụ huynh của các trường đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Vì thế, Dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm ngay từ khi được đưa ra lấy ý kiến đã thành tâm điểm chú ý của phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Việc cho phép giáo viên dạy thêm, học sinh chính khóa liệu có thực sự mang lại hiệu quả hay sẽ tạo ra nhiều hệ lụy?

Nếu Điều 4 Thông tư số 17 quy định về các trường hợp không được dạy thêm thì Dự thảo thông tư lần này đã nới lỏng quy định. Theo đó, từ hiệu trưởng đến giáo viên ai cũng được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và được dạy học sinh chính khóa. Từ đó có thể thấy, những quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã “thoáng” hơn so với trước đây.

Nhu cầu học thêm là có. Tuy nhiên vì bị “cấm” nên phụ huynh có thêm nhiều sự lựa chọn nếu muốn cho con học thêm. Gia đình chị L.T.H. có cậu con trai học lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, phường Đông Vệ, và cô con gái học lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa). “Đây là giai đoạn các con cần trang bị thêm và nâng cao kiến thức để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển cấp. Khi cho con đi học thêm, tôi dựa trên các tiêu chí: quãng đường gần, chất lượng thầy, cô giáo phù hợp với trình độ của con; thời gian phù hợp... Nhưng sau khi dự thảo thông tư này chính thức được ban hành, có lẽ tôi sẽ phải có cách lựa chọn khác để con không bị thiệt thòi".

Cũng nói về điều này, chị B.T.D. (Hoằng Lộc, Hoằng Hóa) cho rằng, việc cho phép dạy thêm, học thêm có thể tạo ra sự mất cân bằng giữa các học sinh và gây áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Con tôi đã từng là nạn nhân và phải trải qua cảm giác ngơ ngác, thua kém khi giáo viên trên lớp ra một đề bài rất lạ chưa được học nhưng một số học sinh đi học thêm giơ tay ngay lập tức để xin giải bài. Vì thế, theo dự thảo là không ép buộc nhưng tâm lý sợ con mình thua thiệt nên tôi nghĩ, các phụ huynh, trong đó có tôi đều sẽ cho con đi học thêm với chính thầy, cô dạy trên lớp.

Thiết nghĩ, đó cũng chính là những băn khoăn rất cơ bản của hầu hết các phụ huynh. Bởi phía sau câu chuyện dạy thêm- học thêm là rất nhiều những nghi ngờ và lo lắng: Ai sẽ là người kiểm soát nếu giáo viên dạy vượt quá chương trình ở lớp học thêm? Nếu giáo viên dạy hời hợt để dành cho phụ đạo dạy thêm thì sao? Gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ chịu sự thiệt thòi do có sự phân hóa lớn trong lớp, vậy ai chịu trách nhiệm cho tinh thần tâm lý trẻ nhỏ ở độ tuổi này?

Để hóa giải điều này, theo anh L.H.A. (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) cho rằng: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên phải đảm bảo kiến thức thi cử nằm hoàn toàn trong chương trình được giảng dạy trên lớp, việc học thêm chỉ góp phần củng cố và nâng cao cho học sinh cuối cấp. Nếu không đạt được điều này thì tôi nghĩ học thêm sẽ là chính, học trên lớp chỉ là phụ.

Còn đi học là còn có dạy thêm và học thêm. Đó là thực tế hiện nay. Tuy nhiên, nếu cấm mà như không cấm, hoặc không cấm được thì đã đến lúc chúng ta cũng cần phải “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”. Từ đó chúng ta mới có những cách quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]