(Baothanhhoa.vn) - Thời Hùng Vương, biểu tượng sức mạnh dân tộc Lạc Việt là chim Lạc. Hình tượng con thuyền chim Lạc phổ biến trên mặt trống đồng, đầu cất cao, thân dài, đuôi vểnh ngược. Sang thời phong kiến, với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, nguồn gốc dân tộc Việt là Lạc Long Quân, biểu tượng vật tổ biến hóa thành con Rồng, một linh vật đầy sức mạnh và quyền uy. Lạc Long Quân đem 50 con xuống đất biển tạo dựng dân tộc Lạc Việt. Âu Cơ ở vùng rừng núi cùng 50 con còn lại thành dân tộc Âu Việt. Đến thời An Dương vương sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt xây dựng quốc gia Âu Lạc thống nhất để thành Nam Việt, của dân tộc Việt phương Nam, tách khỏi khối Bách Việt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rước thuyền rồng Cầu Quan

Thời Hùng Vương, biểu tượng sức mạnh dân tộc Lạc Việt là chim Lạc. Hình tượng con thuyền chim Lạc phổ biến trên mặt trống đồng, đầu cất cao, thân dài, đuôi vểnh ngược. Sang thời phong kiến, với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, nguồn gốc dân tộc Việt là Lạc Long Quân, biểu tượng vật tổ biến hóa thành con Rồng, một linh vật đầy sức mạnh và quyền uy. Lạc Long Quân đem 50 con xuống đất biển tạo dựng dân tộc Lạc Việt. Âu Cơ ở vùng rừng núi cùng 50 con còn lại thành dân tộc Âu Việt. Đến thời An Dương vương sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt xây dựng quốc gia Âu Lạc thống nhất để thành Nam Việt, của dân tộc Việt phương Nam, tách khỏi khối Bách Việt.

Rồng là con vật ở dưới nước, là biểu tượng của nước. Người Việt làm ruộng nước thường bị khổ vì thiếu nước, hàng năm phải cầu nước, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng lúa tốt, nên cầu mưa cũng là cầu mùa. Trải qua thời gian tín ngưỡng vật tổ Rồng gắn với tín ngưỡng thờ thần, Nhân dân tổ chức các lễ hội bơi, đua, rước thuyền rồng, cầu trời đất mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.

Tỉnh ta lễ rước thuyền rồng xưa rất phổ biến, vì nhiều lý do, con rồng được giản lược dần và khi tổ chức hội đua thuyền chỉ còn con thuyền để tiện khi bơi đua nhanh gọn. Do đó, những chiếc thuyền rồng được bảo lưu nghiêm ngặt trong những “Lễ rước thuyền rồng” rước các vị thần tước Đại vương dạo bơi trên sông nước hoặc tượng trưng ở một số lễ hội “Chèo chải” cúng tế thần thiêng. Thanh Hóa có lẽ chỉ còn hai nơi tổ chức lễ rước thuyền rồng như Cầu Quan huyện Nông Cống và Lộc Long huyện Quảng Xương, cùng thờ thần Tham Xung Tá Quốc. Tham Xung tên húy Lê Hữu, con trai út Thái thú Cửu Chân Lê Ngọc, cuối đời Tùy (708), chống lại quân nhà Đường, không khuất phục tân triều. Cả 5 cha con (3 trai, 1 gái) đều chia nhau chống giữ các nơi. Mặt trận phía Nam do Lê Hữu đóng giữ (Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia – nay là thị xã Nghi Sơn), Dương Doanh Công Nữ trông coi miền Nghệ An. Lê Hữu trong trận chiến đấu ác liệt Tràng Nang bị chém đứt cổ, ôm đầu phi ngựa dọc bờ sông Lăng chạy về làng Sòng (Lộc Long, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương) để lại ba giọt máu rơi. Ông phi ngựa bay qua sông Vạy (Vị giang) theo sông Lãng ngược lên đến Bến Đá Cầu Quan thì “hóa”. Về sau dân làng Mưng và làng Sòng đều lập đền thờ ngài. Người chị gái Công Nữ ở Nghệ An nghe tin em bị địch vây hãm đem binh về cứu, đến đất Tế Độ nghe nói đã tử trận, uất hận nhảy xuống ngã ba sông trầm mình. Lê Hữu mất ngày mùng 5 tháng 3, Công Nữ mất ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch). Đến ngày chị mất, hai em trai được thờ ở đền Sòng (Lộc Long) và đền Mưng (hai xã Thanh Nê, Tử Nê nay là Trung Chính, Trung Thành đều thờ chung) đi thuyền rồng đến đền Tế Độ (thờ Công Nữ) để thăm bà chị, đã được các triều đình phong kiến ban tước Tam Giang Trinh Liệt thần mẫu.

Sáng sớm mùng 8 tháng 3, sau khi ông thủ từ làm lễ cáo yết tôn thần, 4 người phu kiệu mặc áo xanh nẹp trắng, khăn vàng thắt lưng bỏ mối bên hông trái, quần trắng quấn xà cạp xanh, đầu đội nón dấu lợp vải vàng, khiêng kiệu sơn đen xuống thuyền rồng. Trong kiệu đặt thánh vị, bát hương, đồ thất sự, mâm bồng... Tất cả màu đen, kiêng màu đỏ (màu máu, vì ngài bị chết chém). Lễ vật, ngoài trầu rượu, đèn hương, hoa quả, năm nào được mùa, cúng cả con lợn luộc chín, hay kém cũng phải cái thủ lợn hoặc cái nọng, ít khi cỗ xôi con gà. Phu thuyền do phu kiệu đảm nhiệm và sái phu, nếu thiếu, tuyển đinh tráng. Thuyền đi trước là thuyền tiền đạo mở đường. Nước sâu dùng chèo, nước cạn họ chống sào. Trên thuyền tiền đạo, ở mũi thuyền có lính tay cầm giáo, trong thuyền có đội trống rước gồm 2 trống bản, 1 trống cái và đội bát âm (chủ yếu chũm chọe, thanh la, kèn, sáo...). Người cầm lái do ông thứ chỉ và tiên chỉ. Thuyền đi sau là thuyền tôn thần chính ngự, che lọng xanh, tàn vàng, cắm cờ đuôi leo, một lá cờ đại màu vàng và đồ bát bửu (tám thứ binh khí). Đi sau thuyền rồng là thuyền hộ giá, có các bậc bô lão, chức sắc thay mặt dân xã, một chiêng lớn điểm nhịp theo trống cái thuyền mở đầu.

Đoàn thuyền cặp bến Tế Độ, rước kiệu lên đền thờ Thần mẫu đặt ở bên phải.

Bởi đường xa hơn, đoàn thuyền hai xã Thanh Nê, Tử Nê Cầu Quan đến chậm; kiệu thánh Lê Hữu đã được dành sẵn bên trái.

Khác chèo đua và bơi giải, đoàn chèo rước kén chọn từ các cô gái tân, nhà không tang trong làng xã. Cứ hai cô một chèo. Mỗi thuyền cộng 24 cô. Người cầm lái phải đạt các tiêu chuẩn: mặt mày sáng sủa, thân thể khỏe mạnh, trên đầu không tang, biết vận, kể hò hay, nhớ nhiều lời hát... Ngoài ra còn thêm một người đánh trống để điều khiển “con chèo, mẹ lái” và điểm nhịp khi hò. Con chèo đồng loạt mặc áo nâu, quần đen hoặc váy thâm, khăn nhiễu tím hoặc nâu chít đầu, khăn thắt lưng xanh bỏ mối dài đàng trước, áo tứ thân thay vai, hay không thay vai, yếm trắng hoặc hoa hiên... Người cầm lái, nếu là chức sắc trong làng càng tốt. Dù là dân thường cũng phải ăn mặc tề chỉnh, khăn nhiễu hay khăn lượt chít đầu (sau dùng khăn xếp), áo đen năm thân, quần chùng trắng. Người cầm trống bản, ăn mặc giống người cầm lái, thường là một cụ già hiểu biết tục lệ trong làng xã, có uy tín, không vướng bận tang cớ...

Trước ngày chính thức vào ngày hội chèo rước, chèo thờ, các con chèo tập trung tại sân đình làng tập chèo và hò trên cạn theo nhịp trống bản cho quen thuộc...

Sáng sớm mùng 5 tháng 3 chính kỵ Tham Xung đại vương, đoàn thuyền rồng gồm 5 chiếc sau nghi thức mở đầu hướng lên đền vái lạy rồi quay mũi ra sông, lần lượt trước sau chèo từ bến Đền ngược dòng lên bến chợ Thượng, sau đó lại lượn xuống đường cái Cầu Quan. Trên chặng đường sông khoảng 500m, đoàn thuyền rồng cứ lượn đi lượn lại, thong thả như dạo chơi trong tiếng hò khoan thai, điểm nhịp trống ung dung và mái chèo thong dong nhịp nhàng như dạo bước rong chơi.

Người cầm lái hoặc cầm trống thay nhau “kể hò” để 24 con chèo cùng “xôn theo” (nếu nam giọng kém thì thay nữ tốt giọng). Tất cả đồng thanh:

Huậy dô huậy, dô ta a a...

Hò là dô huậy!

(Cái kể)

Vui lắm ai ơi

Cầu Quan, Cầu Quan vui lắm ai ơi

Trên thời họp chợ, dưới bơi a

thuyền rồng

Trên thời họp chợ, dưới bơi a

thuyền rồng

Huầy dô huậy, dô ta a a...

Hò là dô dô duậy!

Lời hò đặt theo thể ca dao lục bát (với cách ngắt nhịp hai từ, bốn từ. Nếu ngắt nhịp ba từ thì không hò được, vì không phù hợp động tác chèo thuyền). Nội dung hò chèo thờ phần cơ bản chỉ là những câu ca ngợi phong cảnh hữu tình của đất Cầu Quan:

Cầu Quan vui lắm bạn ơi

Cắm sào cho chặt xuống chơi với tình

Cầu Quan có miếu, có đình

Trên đường xe ngựa, tướng khanh, lâu đài.

Cầu Quan lắm chợ đông người

Ai về chợ Thượng cho tôi về cùng

Cầu Quan trên chợ dưới sông

Có đền Ông Thánh thuyền rồng đua bơi...

Những câu hò cơ bản trên thông thường mở đầu các buổi chèo thuyền. Dù hò đi hò lại cũng không được nhiều thời gian, người ta phải vận dụng thêm những đoạn lấy từ các truyện nôm như Kim Vân Kiều, Tống Trân Cúc Hoa... để hò cho hết buổi. Chèo Thờ nhịp nhàng khoan thai nên còn gọi là Chèo Khoan. Mỗi cặp lục bát 14 từ, kể hò thành 28 từ do cách “lặp từ” thường thấy ở không ít làn điệu dân ca. Chỗ khác là Chèo Thờ Cầu Quan lặp 2 từ đầu, lặp cả câu bát, còn trong Hò sông Mã chỉ 2 từ giữa câu lục:

Cầu Quan/Cầu Quan vui lắm ai ơi

Trên thời họp chợ, dưới bơi thuyền rồng

Trên thời họp chợ, dưới bơi thuyền rồng

(Chèo Thờ Cầu Quan)

Kể từ/Kể từ/trên bến ra khơi

Anh thời cầm lái, để tôi cầm chèo.

(Hò sông Mã)

Thêm cách lặp từ đảo ngữ như Hát Trống quân hay Hát Sắp:

Vui lắm ai ơi, Cầu Quan vui lắm ai ơi!

Trên thời họp chợ, dưới bơi thuyền rồng...

(Hát Sắp)

Đất thấp trời cao, ở đây đất thấp trời cao

Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời...

(Hát Trống quân)

Ra ngõ mà trông, ngồi buồn ra

ngõ mà trông

Bạn không thấy bạn, tình không thấy tình...

(Quan họ Bắc Ninh)

Cách lặp, cách đảo của Chèo Thờ là một cách phá vỡ khuôn khổ nhịp điệu đều đều của thể lục bát bình dân, làm cho hình thức trở nên phong phú mà không hề thay đổi nội dung. So với Hò sông Mã, cách lặp, đảo của Chèo Thờ có khác dẫn đến sắc thái âm nhạc không giống nhau vì Hò sông Mã mang tính chất lao động sông nước vất vả trong khi hò Chèo Thờ chỉ là cuộc “dạo chơi” trên sông nước. Kể hò là thuật ngữ âm nhạc dân gian chính xác (Hò sông Mã gọi là “xướng”). Nét nhạc của nó hoàn toàn dựa vào thanh giọng, lệ thuộc thanh giọng và giai điệu hình thành tùy theo trình độ cách điệu hóa trong điệu thức nào đó. Cho nên, với một điệu hò chèo khoan của Chèo Thờ Cầu Quan chẳng hạn, có sự thay đổi thanh âm là lẽ đương nhiên.

Ngày mùng 8 tháng 3 kỵ giỗ Thần Mẫu (bà chị Tham Xung đại vương). Đền thờ Bà ở ngã ba Vua Bà, làng Tế Độ (Tế Nông, Nông Cống). Dân 2 xã Thanh Nê, Tử Nê chèo thuyền rồng rước thánh Tham Xung xuống Tế Độ thăm Thần Mẫu. Lễ vật mang theo gọi là “Cụ soạn” đủ món đồ ăn thức uống. Trống phách, thanh la, chũm chọe nổi lên. Các con chèo đều là gái vừa chèo vừa hò. Cầu hò tùy tiện do tự sáng tác là chính. Đến đền Tế Độ rước Thánh lên bờ vào đền. Các con chèo chuyển từ chèo khoan sang chèo đấu vừa kể hò vừa xô theo. Ví dụ:

Chèo nhanh, chèo nhanh, ớ khoan!

Ta xá chèo nhanh, ớ khoan!

Chèo đến Tế Độ, ớ khoan!

Chèo quanh đền Bà, ớ khoan!...

Cúng tế xong, đoàn thuyền Cầu Quan và Lộc Long cùng nhau ăn uống trò chuyện vui vẻ rồi chia tay ra về.

Trên đường về, cần kể hò để giữ nhịp chèo, song có thể hò ghẹo cùng trai gái hai bên bờ sông từ Tế Độ về Cầu Quan. Mùng 8 trăng đầu hôm đã mọc. Giữa không gian làng quê xưa, đất trời lồng lộng, rộn rã âm thanh tiếng da hòa lẫn tiếng mộc, tiếng kim, điểm nhịp mái chèo khua sóng nước, làm nền cho những tiếng hò trai gái vút lên từ đôi bờ mênh mông đồng lúa xanh tươi:

- Thuyền rồng vừa đến vực Si,

Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?

– Thuyền rồng về đến bến ta,

Con gái làng Vặng chạy ra đón chồng...

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]