Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Sau Tết Nguyên đán, lượng du khách thập phương đến dâng hương, cầu bình an và tham gia lễ hội đầu xuân tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh tăng cao. Ngoài công tác tổ chức lễ hội trang trọng, vui tươi thì việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được các địa phương quan tâm, chú trọng.
Các hộ kinh doanh ăn uống tại Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Tiên (Triệu Sơn) đã thực hiện cam kết với chính quyền địa phương về bảo đảm VSATTP.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, do thời tiết khá thuận lợi nên người dân và du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh tại Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) những ngày đầu năm mới khá đông. Từ trước tết, huyện Thường Xuân đã xây dựng văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, phối hợp với các ngành chức năng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, VSATTP..., bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hóa, văn minh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Để đảm bảo an toàn cho khách đi lễ hội, Ban Quản lý di tích Đền Cửa Đạt đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện các biện pháp bảo quản thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, VSATTP; thực hiện ký cam kết và thực hiện đúng các yêu cầu theo cam kết quy định.
Ông Đỗ Doãn Bảy, trưởng ban quản lý di tích đền Cửa Đạt, cho biết: Ngay từ trước Tết Nguyên đán, huyện đã thành lập đội kiểm tra liên ngành về đảm bảo ATTP, tăng cường kiểm tra những mặt hàng người dân tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội như đồ ăn uống nhanh, các loại thực phẩm đóng gói... đồng thời tuyên truyền người dân phải kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo VSATTP và giữ gìn vệ sinh khu vực kinh doanh. Địa phương cũng đã sắp xếp các cửa hàng bán thực phẩm ở nơi thuận tiện cho du khách. Các cán bộ quản lý đền cũng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết đảm bảo VSATTP của các hộ kinh doanh.
Tại Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Tiên, thị trấn Nưa (Triệu Sơn), hơn 20 hộ kinh doanh, buôn bán hàng ăn sáng, thức ăn nhanh đã thực hiện ký cam kết với chính quyền địa phương về bảo đảm VSATTP. Ban quản lý khu di tích cũng đã bố trí không gian thoáng đãng, sạch sẽ, phân khu rõ ràng cho các gian hàng kinh doanh thực phẩm tránh tình trạng lộn xộn, gây mất mỹ quan.
Ông Tào Quang Sơn, trưởng ban quản lý di tích đền Nưa, cho biết: Bảo đảm VSATTP là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong mỗi mùa lễ hội xuân. Năm nay, ban quản lý di tích yêu cầu 100% các cơ sở ký cam kết đảm bảo VSATTP, việc bố trí khu vực bán hàng gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo nhu cầu ăn uống của người dân an toàn, không để xảy ra sự cố.
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt" với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tỉnh Thanh Hóa có hệ thống di tích lớn cùng nhiều lễ hội phong phú, đặc sắc. Vào dịp đầu năm mới thu hút lượng lớn du khách tham quan, vãn cảnh, nhu cầu sử dụng thực phẩm vì thế tăng cao. Để đảm bảo VSATTP, cơ quan chức năng, ban quản lý các lễ hội trên địa bàn tỉnh đang tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết. Theo Công văn số 1157/UBND-VX của UBND tỉnh về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội. Tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng. Công tác kiểm tra được triển khai trước, trong, sau tết và Lễ hội Xuân 2025.
Cán bộ Trung tâm Y tế Sầm Sơn lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm VSATTP tại quán ăn ở Đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn liên ngành số 3, cho biết: Đầu năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội xuân, các lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là loại hình dịch vụ thức ăn đường phố tại lễ hội xuân. Đến nay, trong tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Trong thời gian tới, các đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã tiếp tục duy trì các đợt kiểm tra tại lễ hội, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về VSATTP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách.
Mùa lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhất vào tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3, tháng 4 âm lịch. Bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm, không dễ dãi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, lựa chọn những hàng quán sạch sẽ, đảm bảo các điều kiện về VSATTP, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-02-03 14:43:00
Bảo đảm an toàn nguồn cung thực phẩm sau tết
-
2025-01-24 15:59:00
Rau màu cho thị trường tết
-
2025-01-22 21:06:00
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025
FDA cấm Red Dye No 3: Lý do và ảnh hưởng đến thực phẩm
Nuôi thủy sản gắn với an toàn thực phẩm ở huyện Yên Định
Ninh Khang xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao
Hợp tác xã rau sạch Nhuận Thạch vào vụ tết
Xử phạt chủ cơ sở bánh cốm nổi tiếng Nguyên Ninh
Nhân rộng mô hình vườn rau xanh tại hộ gia đình ở Như Xuân
Tập trung sản xuất rau màu, đảm bảo chủ động nguồn cung
Hướng tới phát triển nông nghiệp xanh