Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon tận tâm với nghề
Đến thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân), hỏi thăm y sĩ đông y Hoàng Thị Chon, 36 tuổi, dân tộc Thái ở Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh, ai cũng biết và hết lời khen ngợi vì chị có nhiều bài thuốc nam hay, chữa trị cho nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon đang bốc thuốc nam cho bệnh nhân.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc nam lâu đời ở xã vùng cao Xuân Khao, mẹ là lương y nổi tiếng Lang Thị Quynh, ngay từ nhỏ chị Chon đã theo mẹ lên rừng để tìm cây thuốc nam chữa bệnh cứu người. 15 tuổi, chị đã nhận biết hết các loại cây thuốc nam trong rừng, cách phân loại thuốc và bốc thuốc. Mẹ chị luôn căn dặn, nghề khám bệnh, bốc thuốc ảnh hưởng đến tính mạng con người nên phải đặc biệt cẩn trọng. Vì lẽ đó, chị luôn cố gắng học hỏi những kinh nghiệm mẹ đã truyền dạy. Nhờ đó chị nhanh chóng tiếp thu được các bài thuốc đông y và phương pháp trị bệnh bí truyền của gia đình.
Nhằm chuẩn hóa tiêu chí, tiêu chuẩn để hành nghề, năm 2015 chị đã tham gia học lớp trung cấp y học cổ truyền ở Trường Trung cấp y Tuệ Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp, chị đã về phòng chẩn trị y học cổ truyền của gia đình để hành nghề. Năm 2021, chị Chon đã được Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cấp giấy phép hành nghề bốc thuốc nam. Với cương vị là người quản lý phòng chẩn trị, chị Chon đã có nhiều giải pháp để phát triển nhà thuốc, như: khôi phục các bài thuốc nam đã thất truyền trong dân gian, nhất là các bài thuốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều cây dược liệu quý. Chị đã lặn lội đến các bản làng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để tìm hiểu các loại dược liệu, các bài thuốc nam của người dân địa phương, cộng với kiến thức y học và kinh nghiệm trong thời gian mẹ truyền dạy, chị đã phát triển thành những bài thuốc chữa bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Các bài thuốc nam của chị hoàn toàn bằng thảo dược, mỗi bài thuốc có tới hơn 10 vị khác nhau.
Trong khám chữa bệnh, chị Chon luôn coi bệnh nhân là người thân trong gia đình. Bệnh nhân được chị hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể cách sắc thuốc, giờ giấc uống thuốc, những thức ăn, thức uống cần kiêng khem khi dùng thuốc. Từ niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, chị đã chữa bệnh thành công cho nhiều người bệnh trong và ngoài tỉnh thông qua một số phương pháp cổ truyền. Tiêu biểu phải kể đến phương pháp chữa bệnh thận, dạ dày, viêm đại tràng, viêm họng, viêm phổi, xương khớp... Với nhiều nỗ lực trong việc học hỏi, nâng cao chất lượng chữa bệnh của chị Chon tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh, đã góp phần thu hút nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám, chữa bệnh. Theo thống kê, năm 2016 chỉ có 500 lượt người đến khám và lấy thuốc, thì đến nay mỗi năm thu hút trên 2.000 lượt người đến khám, bốc thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chị Chon luôn có tấm lòng nhân ái giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình hành nghề, chị Chon đã kết nối với một số tổ chức thiện nguyện trong và ngoài tỉnh tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị cùng với câu lạc bộ “Trái tim nhân ái” ở TP Hà Nội đã phối hợp với MTTQ huyện Thường Xuân hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 hộ gia đình khó khăn ở xã Xuân Dương và Bát Mọt, mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng...
Từ những thành tích trên, y sĩ đông y Hoàng Thị Chon đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, năm 2019, chị đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích đóng góp trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới thời kỳ hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 - 2019.
Bài và ảnh: Vũ Khắc
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2023-12-24 08:32:00
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN
Những cựu TNXP nêu gương sáng sản xuất, kinh doanh giỏi
Trưởng thôn Hoàng Thanh Nam gương mẫu, tận tụy với công việc
Người có uy tín nêu gương sáng ở thị trấn Mường Lát
Khắc tinh của tội phạm ma túy ở vùng biên
Chuyện “gã gàn” trên giao lộ!
Nông dân Lê Văn Bình làm giàu trên đồng đất trũng
Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cay
Gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi
Tỏa sáng giữa đời thường