Xử lý nghiêm các trường hợp bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư
Vào thời điểm này, tại nhiều địa phương ở khu vực ven biển, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn lại tái diễn tình trạng người dân sử dụng các công cụ, dụng cụ để bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư. Để ngăn chặn hành vi này, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm ven biển (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hạt Kiểm lâm ven biển kiểm tra, xử lý, thu hồi dụng cụ bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư tại xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn).
Địa điểm mà người dân chọn làm nơi đặt bẫy chim trời thường ở các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Tại đây, họ găm các con cò giả được làm bằng xốp rồi cắm các thanh tre đã được quệt chất keo dính ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây. Một số nơi, người dân còn dùng các thiết bị công nghệ để phát ra tiếng kêu để bẫy các loại chim trời. Một khi chim trời đã bị dính thì khó có thể thoát ra được. Điều này dẫn tới số lượng chim trời ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến cân bằng đa dạng hệ sinh thái.
Để tăng cường quản lý, bảo vệ chim hoang dã, ngay từ tháng 5/2024, Hạt Kiểm lâm ven biển đã chủ động tham mưu cho UBND các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn ban hành các văn bản về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư; kiện toàn 60 tổ công tác cấp xã, phường, thị trấn, với 615 thành viên nòng cốt là lực lượng kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, quy tắc đô thị, các phòng, ban có liên quan ra quân kiểm tra, xử lý, tháo dỡ các loại lưới, bẫy bắt và các lều cò.
Tăng cường kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm về săn bắt, bẫy bắt các loài chim di cư, chim hoang dã tại các phường, xã, như: Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Hùng, Quảng Minh, Trường Sơn (TP Sầm Sơn); Quảng Hải, Quảng Thái, Quảng Lưu, Tiên Trang (Quảng Xương); Hoằng Lưu, Hoằng Châu (Hoằng Hóa) nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, mua bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, sử dụng trái phép động vật, đặc biệt là hành vi bẫy bắt, vận chuyển, buôn bán các loại chim hoang dã; thu gom dụng cụ, lưới bắt chim trái phép...
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm ven biển đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP Sầm Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền lưu động ở các phường, xã trọng điểm về bẫy bắt các loại chim hoang dã, chim di cư. Nội dung tuyên truyền, phổ biến một số văn bản pháp luật có liên quan, như: Nghị định số 07/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi trong Nhân dân. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm ven biển tham mưu với UBND các phường, xã tổ chức cho 90 hộ gia đình, các khu chợ, nhà hàng, quán ăn có sử dụng thực phẩm từ các loài chim hoang dã ký cam kết không săn bắn, bẫy bắt, mua bán, kinh doanh, vận chuyển các loài chim di cư, chim hoang dã và động vật rừng trái phép.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm ven biển, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP Sầm Sơn ra quân tháo dỡ, xử lý, thu giữ và tiêu hủy 1.800m lưới, 80 cò giả, 80 bẫy sập, 5 loa giả tiếng chim, 11 lều cò, 150 cọc tre, thả về tự nhiên 25 cá thể chim.
Ông Mai Ngọc Nhuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ven biển, cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, phường vào cuộc rất quyết liệt. Tuy nhiên tình trạng bẫy bắt chim di cư, chim hoang dã vẫn lén lút xảy ra. Để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng đã thay đổi thời gian, địa điểm hoạt động liên tục vì vậy gây khó khăn cho công tác nắm bắt và xử lý. Bên cạnh đó, địa bàn rộng, lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ răn đe để xử lý các đối tượng vi phạm. Quan trọng nhất, bản thân người dân phải ý thức được việc làm của mình là hành vi bị nghiêm cấm, trái với quy định của pháp luật, để từ đó tự giác từ bỏ việc săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư chung tay góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Hiện nay, đang vào thời điểm các loài chim di cư, chim hoang dã tìm về trú ngụ, vì vậy Hạt Kiểm lâm ven biển tiếp tục tổ chức lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân không thực hiện hành vi săn bắt các loài chim hoang dã, chủ động tố giác các đối tượng vi phạm, góp phần bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư.
Bài và ảnh: Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-12-26 20:55:00
Từ chuỗi sự kiện mơ về con số thực
-
2024-12-26 17:42:00
Nước mắm Khúc Phụ: Đảm bảo cung ứng dịp cuối năm
-
2024-09-15 16:15:00
Công an, bộ đội giúp đỡ người dân vũng lũ Thạch Thành dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống
Trăng mờ rồi trăng tỏ
Hiệu quả các mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật của Hội LHPN tỉnh
Đã có trên 1.000 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Những kết quả ẩn tượng của Chiến dịch Mùa hè Xanh 2024
Tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Tất cả vì hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng
Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Ngọc Lặc, Cẩm Thủy
Khơi dậy khát vọng, tạo động lực để người dân thoát nghèo
Tâm thế cứu trợ!