Xây dựng xã nông thôn mới thông minh ở Định Long
Năm 2022, sau khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Định Long (Yên Định) tiếp tục triển khai các giải pháp hướng tới xây dựng xã thông minh. Đây là xã đầu tiên được UBND huyện chọn chỉ đạo điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Định thăm thôn thông minh Tân Ngữ 1.
Xây dựng xã thông minh là nhiệm vụ mới nên xã Định Long đã tranh thủ tham vấn các ngành chức năng để triển khai xây dựng các tiêu chí: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số... từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong XDNTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư, phấn đấu đến năm 2030, Định Long sẽ có 100% số thôn NTM thông minh... Theo đó, xã thành lập ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho từng tổ chức đoàn thể, chính trị để triển khai thực hiện; thành lập tổ chuyển đổi số xung kích, đến tận các thôn để hướng dẫn người dân cập nhật thông tin. Đồng thời, vận động người dân áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thông minh trong sản xuất và đời sống sinh hoạt...
Trước đây, khi thông báo về các cuộc họp, cán bộ thôn Tân Ngữ 1 phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời, thì nay, với ứng dụng zalo, người dân địa phương đã dễ dàng nhận được thông tin. Nhà văn hóa thôn Tân Ngữ 1 cũng đã được lắp đặt internet tích hợp mạng wifi, truyền hình internet và truyền hình họp trực tuyến; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính kết nối internet, mạng 3G/4G. Ngoài ra, thôn cũng lắp đặt hệ thống camera an ninh và có trên 80% hộ dân lắp đặt camera an ninh tại gia đình.
Ngồi làm việc với chúng tôi tại Nhà văn hóa thôn Tân Ngữ 1, đồng chí Ngô Văn Hiều, trưởng thôn thỉnh thoảng liếc nhìn chiếc điện thoại thông minh của mình. Anh Hiểu cho biết, thôn có mã QR giới thiệu lịch sử đình Là Thôn; giới thiệu về đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa...; lập mã QR địa chỉ Google Maps các hộ trên nền tảng bản đồ số... đây là những mô hình của thôn thông minh được người dân hưởng ứng.
Về thôn Tân Ngữ 2 chúng tôi ấn tượng bởi mức độ “số hóa” trong cuộc sống của người dân nơi đây. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp; nhà văn hóa được lắp đặt mạng wifi phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân... Nhờ ứng dụng và phát triển các mô hình chuyển đổi số và sự đồng thuận của người dân, thôn Tân Ngữ 1 và Tân Ngữ 2 đã được công nhận thôn NTM thông minh, góp phần cùng xã Định Long đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, làm tiền đề xây dựng xã thông minh.
Đồng chí Nguyễn Đăng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Định Long, cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng xã thông minh mà địa phương đang tập trung làm là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí thôn thông minh, xã thông minh theo chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh bộ tiêu chí của tỉnh, xã cũng xây dựng thêm một số mô hình khác phù hợp với đặc điểm của địa phương triển khai thực hiện, như: Tạo lập, cấp chữ ký điện tử miễn phí cho người dân; dùng mã QR giới thiệu về lịch sử truyền thống của địa phương, giới thiệu về quá trình XDNTM của thôn và xã; ứng dụng phần mềm ASM khai báo lưu trú trên cổng thông tin; xây dựng bản đồ, số nhà, thư viện sách nói... Định kỳ, tổ chuyển đổi số đến nhà dân nắm bắt tình hình, phổ biến, nhắc lại những ứng dụng công nghệ để hộ dân làm thuần thục hơn, đồng thời hướng dẫn một số thao tác sử dụng phần mềm tiện ích...
Xã hội số, kinh tế số, chính quyền số là 3 trục xoay quanh việc chuyển đổi số cấp làng/xã, hướng đến xây dựng làng/xã thông minh trong XDNTM. Xã Định Long đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả 3 trục xoay này để xây dựng xã thông minh.
Về xã hội số, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã được rà soát cập nhật, bổ sung đúng quy định; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên; hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số” giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị...; Lập mã QR địa chỉ Google Maps các hộ trên nền tảng bản đồ số để quản lý thông tin các hộ; thư viện nghe, thư viện đọc tại 3 trường học và cho hội người cao tuổi...
Về kinh tế số, xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng và khuyến cáo dinh dưỡng cây trồng; xây dựng chợ thông minh, toàn xã có 90% tiểu thương kinh doanh dịch vụ có mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt...
Về chính quyền số, 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình; 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được trang bị máy vi tính và tương tác công vụ qua môi trường mạng...
Có thể nói, việc xây dựng xã thông minh trong XDNTM ở Định Long đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng lối sống ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-11-19 15:02:00
Quảng Hòa về đích nông thôn mới nâng cao nhờ phát huy tiềm năng lợi thế
-
2024-07-09 09:35:00
Góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Yên Phú nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Quảng Bình xây dựng xã nông thôn mới thông minh
Xây dựng nông thôn mới thông minh ở thôn Đồng Hải
Như Thanh xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với XDNTM
Vân Sơn duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu
Triệu Sơn xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp
Sức sống mới ở xã nông thôn mới nâng cao Quảng Ninh
Diện mạo nông thôn mới nâng cao tại xã Minh Sơn