Xây dựng phương án thi phù hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện một số kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT... Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024-2025.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học. Để đáp ứng tiêu chí, yêu cầu đặt ra theo chương trình mới, công tác kiểm tra, đánh giá cũng phải được đổi mới. Điều này cũng đặt ra rất nhiều bài toán cho các nhà quản lý, các thầy, cô giáo, nhiều câu hỏi với các em học sinh, phụ huynh, dư luận về những điều chỉnh của các kỳ thi lớn như tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học phù hợp với chương trình mới.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025 sẽ thi 4 môn, gồm: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn do thí sinh tự lựa chọn trong số các môn được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ. Việc lựa chọn 4 môn thi đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, việc lựa chọn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, bởi hai môn này ở những kỳ thi trước đang là những môn thi chính. Trong khi đó, lâu nay, Ngoại ngữ vẫn luôn là “điểm trũng” của học sinh Thanh Hóa, nhất là đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi.
Từ những băn khoăn, trăn trở đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà trường lúc này là tích cực, chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; mỗi học sinh cần phấn đấu, nỗ lực để “học tập tốt, rèn luyện tốt”. Đây chính là yếu tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới. Ông Trịnh Trọng Nam, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT chia sẻ: “Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các nhà trường cần phải chủ động rà soát năng lực học tập của học sinh, cho học sinh đăng ký 2 môn lựa chọn ngay từ đầu năm học 2024-2025 để xây dựng kế hoạch ôn tập, phân lớp, phân giáo viên dạy theo bộ môn một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, cả thầy và trò cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng ở những môn không đăng ký dự thi, tránh tình trạng học lệch, thi gì học nấy”.
Đối với kỳ thi tuyển sinh và lớp 10 THPT, trước những băn khoăn, lo lắng của cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường với những định hướng bước đầu về kỳ thi, mới đây Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2937/SGDĐT-KTKĐCLGD nêu rõ về việc định hướng tổ chức kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT trong năm học 2025-2026. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý và dự kiến tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026 với các nội dung cơ bản như: Tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn chung với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, THPT Dân tộc nội trú; thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, THPT Dân tộc nội trú sẽ dự thi 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh.
Thí sinh thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn ngoài việc tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, THPT Dân tộc nội trú sẽ dự thi thêm 1 buổi để thi môn chuyên; trong đó, môn thi chuyên sẽ gồm bài thi các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Tin học và Toán (dành cho chuyên Tin học), bài thi môn Khoa học tự nhiên và bài thi môn Lịch sử và Địa lý; đối với bài thi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, đề thi sẽ có tỷ lệ 10% dành cho phần chung của môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và 90% dành cho các môn chuyên tương ứng theo từng phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (đối với bài thi Khoa học tự nhiên) và Lịch sử, Địa lý (đối với bài thi Lịch sử và Địa lý).
Năm học 2025-2026, thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn dự kiến tuyển thêm 1 lớp chuyên tiếng Trung Quốc, bài thi môn chuyên của lớp chuyên tiếng Trung Quốc sẽ thi bằng tiếng Anh.
Chủ trương của ngành giáo dục Thanh Hóa về việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay với 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh như mọi năm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, là năm đầu thực hiện thi tuyển theo Chương trình mới giáo dục phổ thông 2018 nên cả cán bộ, giáo viên và học sinh không khỏi lo lắng. Cô giáo Phạm Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Cát (TP Thanh Hóa), cho biết: “Mọi năm tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập của học sinh nhà trường đạt từ 73%, tuy nhiên dự báo năm nay con số này sẽ khó được bảo đảm vì nhà trường thiếu giáo viên ở cả 3 bộ môn được định hướng thi, gồm: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Trong khi đó ngành giáo dục vẫn chưa có hướng dẫn ôn tập, cấu trúc đề thi theo chương trình mới nên nhà trường cũng chưa có kế hoạch giảng dạy, ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học như những năm học trước”.
Theo chia sẻ của cô Hoàng Hải Yến, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Quảng Cát, trước đây ở chương trình cũ, môn Ngữ văn bậc THCS, thầy, cô hướng dẫn cặn kẽ, học sinh chịu khó ôn tập, nghe, ghi ý giảng của thầy cô, đưa vào bài có thể được điểm cao. Nhưng ở chương trình mới đòi hỏi học sinh phải tự học, mở rộng kiến thức, đào sâu kiến thức và phải có khả năng bao quát kiến thức một cách toàn diện mới có thể hoàn thành tốt bài thi. Điều này sẽ là rất khó với nhiều học sinh thuộc vùng ven thành phố khi phong trào học tập chưa thực sự mạnh mẽ. Cô Yến cũng bày tỏ lo lắng về kết quả thi vào lớp 10 THPT trong năm học này theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ không được như kỳ vọng.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song trước mỗi kỳ thi quan trọng, toàn ngành giáo dục xứ Thanh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực thi đua “dạy tốt, học tốt” nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-12-08 16:57:00
Mô hình trường học không có học sinh sử dụng điện thoại
-
2024-12-07 18:20:00
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sẽ cân nhắc bỏ xét tuyển sớm
-
2024-09-24 16:39:00
Thư viện Tâm Bình - “Món quà” đầu năm học mới cho trẻ vùng cao
Xem xét hỗ trợ học phí cho học sinh vùng bão, lũ
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo
Rực rỡ Cố đô
Phát động triển khai tháng cao điểm về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đợt 1 trong ngành Giáo dục
Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 2): Thắp sáng vùng biên
Trên 2,7 tỷ đồng ngành Giáo dục Thanh Hóa chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại bởi bão số 3
Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 1): Hành trình tìm con chữ không bao giờ muộn
Sẽ có nhiều đổi mới trong các kỳ thi từ năm học 2024-2025