Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Trước yêu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) đã được hình thành. Các chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm... bước đầu đã tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi cung ứng ra thị trường, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Cơ sở sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng rau an toàn tại xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng được 1.162 chuỗi cung ứng TPAT bao gồm: lúa gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Trong đó, riêng năm 2023 là 120 chuỗi, cung ứng ra thị trường trên 571.000 tấn thực phẩm.
Tại huyện Hà Trung, để phát triển bền vững các chuỗi sản xuất, huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các xã, thị trấn, doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân, định hướng đổi mới giống cây trồng, các sản phẩm chủ lực... để phù hợp với thị trường. Nhất là, khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo, rau, củ, quả... tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng máy móc hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm. Năm 2023, thông qua 13 chuỗi TPAT, huyện đã cung ứng ra thị trường 20.100 tấn thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, vận chuyển đến phân phối, tiêu thụ; trong đó gồm 12.450 tấn gạo; 2.850 tấn rau, củ, quả; 3.100 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.700 tấn thủy sản; từ đó đáp ứng 90% nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung, cho biết: "Thực tế, số lượng chuỗi cung ứng TPAT còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng của huyện. Tại các chuỗi, do quy mô nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm chuỗi phụ thuộc vào mùa vụ nên sản lượng không ổn định, trong khi đó thị trường lại cần một khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường. So với vốn đầu tư để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí bao bì, tem nhãn... thì giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi.
Bà Phan Thị Dung, hiện đang tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) cho biết: Chúng tôi được cán bộ nông nghiệp tập huấn kiến thức về trồng rau an toàn, nhất là các điều kiện để sản xuất trong nhà màng, nhà lưới như nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, thu hoạch... Đồng thời, sản phẩm sau khi thu hoạch được sơ chế, bao gói, dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc... đúng với quy định; nhất là, đối với các loại rau dễ hư hỏng sau quá trình thu hoạch có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cũng theo bà Dung, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên gia đình tôi còn e dè, khối lượng, chủng loại sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp.
Thực tế, trước yêu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm... thì ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng các chuỗi cung ứng TPAT và xem đây là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Tuy vậy, để có được sự liên kết nhịp nhàng cũng như phát triển, nhân rộng được mô hình liên kết theo không phải dễ dàng khi sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, thời gian tới, đối với các chuỗi đang hoạt động, cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng TPAT theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng... Tại các địa phương, cần chủ động tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-12 21:53:00
Cảnh giác với chất cấm trong thực phẩm giảm cân
-
2024-12-08 10:05:00
Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm
-
2024-01-16 17:26:00
TP Thanh Hóa bảo đảm công tác vệ sinh môi trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Năm 2024, xây dựng thí điểm tuyến phố bảo đảm ATTP trên địa bàn TP Thanh Hoá
Xử lý nghiêm vi phạm đối với sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP
Khoảng 11 tỷ mở rộng kho bảo quản, xưởng sơ chế đóng gói nông sản Xuân Minh
MTTQ TP Sầm Sơn tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm
Trăn trở vùng rau an toàn
Sản xuất an toàn nâng cao giá trị cho sản phẩm bưởi Mộc Ân
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở
Hộp giấy đựng đồ ăn là giải pháp đóng gói ưu việt, bảo vệ môi trường nhất ngày nay
Cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng phụ gia thực phẩm