(Baothanhhoa.vn) - Tự bao giờ, ai đã gieo vào lòng xứ Thanh hình hài dòng sông Mã, sông Chu, sông Lèn, sông Hoạt... thăm thẳm, mênh mang phù sa mà bồi đắp nên trù phú xóm làng, bờ bãi, dệt nên những vỉa tầng lịch sử - văn hóa ngàn năm? Ai đã tạc nên những dáng núi như nét chấm phá kiêu hùng, vạm vỡ mà không kém phần cuốn hút, bí ẩn. Để từ những hình sông dáng núi ấy mà gợi lên hình dung về lồng lộng đất trời quê Thanh, về vai trò, vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “vạn thuở vẫn anh hùng”.

Xứ Thanh trong hồn sông dáng núi

Tự bao giờ, ai đã gieo vào lòng xứ Thanh hình hài dòng sông Mã, sông Chu, sông Lèn, sông Hoạt... thăm thẳm, mênh mang phù sa mà bồi đắp nên trù phú xóm làng, bờ bãi, dệt nên những vỉa tầng lịch sử - văn hóa ngàn năm? Ai đã tạc nên những dáng núi như nét chấm phá kiêu hùng, vạm vỡ mà không kém phần cuốn hút, bí ẩn. Để từ những hình sông dáng núi ấy mà gợi lên hình dung về lồng lộng đất trời quê Thanh, về vai trò, vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “vạn thuở vẫn anh hùng”.

Xứ Thanh trong hồn sông dáng núiNúi Tam Thai và đền Đồng Cổ trên đất Yên Định.

Sử gia Phan Huy Chú đã từng nhận định về Thanh Hóa trong “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến thời Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”.

Trong thực thể tự nhiên, sông – núi được hình thành theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất trong quá trình ấy chính là sự vận động. Tựa hồ nó cũng vật vã, khốc liệt, đầy bí ẩn và thiêng liêng như cách người phụ nữ bước vào cơn sinh hạ. “Bà mẹ thiên nhiên” lấy thịt da, máu đào, linh khí của mình để tạo nên sinh mệnh, hình hài, linh khí, long mạch rất riêng.

Nhắc đến các danh sơn hay dòng sông nổi tiếng xứ Thanh, chúng ta thường nghĩ ngay đến núi Rồng – sông Mã - “núi do rồng thiêng mà thành, sông bởi ngựa thần mà nên”. Sông Mã là hệ thống sông lớn nhất xứ Thanh, phạm vi bao trùm tới 4/5 diện tích toàn tỉnh. Dọc đôi bờ sông Mã từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của nhiều nền văn hóa – văn minh cổ trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Cho đến ngày hôm nay và có lẽ mãi muôn đời sau, “mặt trời Đông Sơn” vẫn mãi tỏa rạng; âm vang trống đồng Đông Sơn vẫn vang vọng, lưu truyền trong tâm thức các thế hệ “con Lạc, cháu Hồng”. “Người Việt cổ đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các Vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống đồng văn minh hơn Âu châu ngang thời của người Việt cổ” (Phạm Huy Thông).

Tên gọi sông Chu – núi Mục trên “vùng đất hai vua” Thọ Xuân, nơi phát tích của 2 triều đại tiền Lê và hậu Lê mang trong mình một số phận, đã ghi danh lịch sử dân tộc qua nhiều sự kiện, dấu mốc tiêu biểu. Mục Sơn - “một quả núi hình thù tựa con voi khổng lồ đương phớt hồng lên trong ánh mặt trời. Núi Mục lặng lẽ. Núi Mục trầm ngâm nhớ mãi chuyện ngày xưa. Phải, ngày xưa, dưới chân núi Mục, bên sườn núi Mục, quân Nam tử chiến với quân Tàu, và quân Nam đã thua, đã phủ lên núi Mục những làn máu đỏ. Quân Nam thua để khiến người Nam ngày càng vững chí phục thù quân Minh”... Chớp nhoáng hình dung về lịch sử ấy đã mở ra biết bao suy tưởng. Có nơi nào trên mảnh đất quê Thanh mà không hằn in dấu ấn một thời phong ba, nghiêng ngả. Trong dáng hình mỗi ngọn núi dòng sông đều tạc hằn dấu ấn thời đại với lấp lánh chiến công, anh dũng, kiên cường và cả những mất mát, hy sinh lớn lao.

Cùng với bóng núi là hình sông dần hiển hiện. Con sông Chu hiền hòa, con sông Chu kiêu hãnh. Hiền hòa bởi cái dáng vẻ tình tứ ôm ấp ruộng đồng, làng xóm. Kiêu hãnh bởi những sự kiện lịch sử vẻ vang đã diễn ra nơi đây. “Trên sông Chu lá cờ khởi nghĩa đã làm tung bao lớp sóng. Biết đâu người chiến sĩ xưa đã chẳng trỏ giáo xuống dòng mà quyết: “Thù nước nếu không báo được, thề chẳng quay về”. Núi rừng Lam Sơn cũng bởi ý chí, quyết tâm ngút trời ấy mà vang động, lưu danh. Lam Sơn giờ đây “không còn thấy những đàn trâu, bò dài dằng dặc ra vào cổng làng những buổi tinh sương và những lúc hoàng hôn; không còn nghe tiếng sừng trâu đây đó thổi vang, tiếng người, tiếng vật hỗn độn. Lam Sơn không còn thấy bụi tung trắng xóa. Bao nhiêu đời bụi đã thôi tung, Lam Sơn bây giờ lặng lẽ, thái bình. Cũng lặng lẽ, thái bình như những làng mạc khác dưới trời Nam. Dĩ vãng đau thương, dĩ vãng oanh liệt, tất cả đều đã nằm lại xuống với đồng ruộng; từng lớp thời gian đã phủ lên ngày lại một ngày”. Nhưng trong nhịp sống hôm nay, trong sự “thay da đổi thịt” đáng mừng vui, trân trọng, chúng ta vẫn nghe thấy vang động, vẫn cảm nhận rất rõ hào quang và linh khí của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn với người Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã trở thành điểm tựa, động lực, “sức mạnh mềm” để đất và người nơi đây từng bước đi lên.

Chẳng tầm vóc, sừng sững uy nghiêm hay thâm u, cô tịch gợi lên bao hùng tráng, bí ẩn, núi Nhồi (núi An Hoạch, phường An Hưng, TP Thanh Hóa) là một nét chấm phá rất riêng, nổi tiếng chẳng kém cạnh gì so với những danh sơn khác của xứ Thanh. Nằm trong phố, núi Nhồi có độ cao hơn 100m, dáng vẻ như một con voi khổng lồ đang nằm phủ phục. Thế núi cao mà thoải, sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt, tiếng kêu trong, có thể dùng làm khánh, làm bia, làm các vật dụng khác. Sách xưa chép: Thái thú Châu Dự đời Tấn lấy đá núi An Hoạch chở về Trung Quốc làm khánh, đánh lên tiếng nghe rất hay và vang xa. Dưới chân núi là dòng Hương Giang lượn quanh làng xóm đông đúc rồi thông ra sông Mã, tạo nên cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình.

Một trong những nét ấn tượng, nổi bật nhất của núi Nhồi là hòn Vọng Phu nhuốm màu sắc huyền thoại. Đó là một cột đá đứng sừng sững, cao khoảng 20m, giống hình một người phụ nữ bế con, đứng nhìn đăm đăm về phía biển. Theo truyền thuyết kể rằng: Xưa kia có một chàng trai trẻ vốn con nhà hào kiệt đã đem lòng yêu một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng này. Họ kết duyên, ngày ngày sống bên nhau rất hạnh phúc, nàng dệt cửi quay tơ, chàng dùi mài kinh sử chờ ngày ra kinh đô ứng thí. Khi nàng sanh được 1 đứa con gái xinh xắn thì quân giặc tràn đến xâm lấn cõi bờ. Chàng trai đành xếp bút nghiên, tạ từ người vợ trẻ lên đường ra biên ải rồi hy sinh ngoài chiến địa. Ở quê nhà nàng ôm con đợi chờ rồi hóa đá, thành hòn Vọng Phu, những giọt lệ của nàng rơi xuống hóa thành sông...

Xứ Thanh trong hồn sông dáng núiBến thuyền nằm sâu trong chân núi Trường Lệ.

Đá – núi được thổi hồn bởi tâm thức và trí tuệ dân gian: “Vọng Phu trẻ mãi không già/ Thủy chung đứng đó biết là chờ ai?”. Xoay quanh đó vẫn còn nhiều dị bản với cốt truyện khác nhau, duy chỉ có lòng thủy chung, son sắt đạo nghĩa vợ chồng là điều bất biến, khiến người đời cảm động mãi không thôi. “Thiên tình sử” ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tao nhân, mặc khách: “Đứng sững đầu non đỉnh tuyệt vời/ Son phai phấn lạt biết vì ai? Người nơi nao vắng không tin tức/ Đường mấy trùng xa cách biển trời/ Mây phủ rêu xanh, làn tóc rủ/ Khói dầm trăng bạc, giọt châu rơi/ Trời già đất cỗi, tình khôn chuyển/ Động biếc chuông đêm vẫn đổ hồi” (Vọng Phu thạch, Cao Bá Quát).

Không chỉ là danh thắng, núi Nhồi quy tụ dày đặc các di tích, mang đậm sắc thái tâm linh như: chùa Tiên Sơn (chùa Quan Thánh), chùa Hinh Sơn; đình Thượng và lăng Quận Mãn (lăng Lê Trung Nghĩa), các bức tượng, linh vật, văn bản Hán Nôm khắc trên vách đá, núi... Ngoài ra, nơi đây còn có làng nghề chế tác đá vẫn kiên trì, bền bỉ sức sống đến hôm nay.

Xứ Thanh là vậy. Không chỉ có những ngọn núi dòng sông, thác đổ vang động, hào hùng trong khởi nghĩa, kháng chiến như: núi Rồng – sông Mã, núi Chí Linh – thác Ma Hao, dãy Ngàn Nưa, sông Chu – núi Mục dãy Hoàng Nghiêu,... mà còn có những nét uyển chuyển, mềm mại văn hóa, thủ thỉ chuyện nhân tình thế thái như dãy Trường Lệ, dãy Linh Trường, núi Tam Thai - đền Đồng Cổ, núi Nhồi – hòn Vọng Phu, núi Tùng, sông Hoạt... Mỗi ngọn núi, dòng sông đều thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Cũng như cốt cách, bản lĩnh người xứ Thanh biết “lên ngựa cầm cương, buông cương cầm bút”, hào hùng mà cũng rất đỗi hào hoa, “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”... Vậy nên, người ta vẫn muôn đời là hoa của đất.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]