(Baothanhhoa.vn) - Vào một sáng đầu xuân năm ngoái, nghe bố gọi điện “ra đón bố, bố đang ở Mỹ Đình”. Ông chẳng nói chẳng rằng, từ Đăk Nông bắt xe đi gần 30 tiếng ra thăm tôi. Sớm Hà Nội vắng hoe, vẫn phùn mưa, mù giăng rét buốt, tôi rong ruổi chiếc xe cà tàng ra bến xe Mỹ Đình đón bố. Đến cầu đi bộ, dáng người mảnh khảnh, da ngăm ngăm đứng đó là tôi nhận ra ngay. Cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt đặc trưng của một vùng đất Tây Nguyên, tôi không lạ gì. Ngay khi vừa chạm mặt, mừng mừng tủi tủi, bố đã thủ thỉ bên tai: Sáng mai, hai bố con mình về Thanh Hóa, về với Na Kha quê mình, con nhé!

Về Na Kha - Mùa xuân đắm chìm cùng không gian Thái

Vào một sáng đầu xuân năm ngoái, nghe bố gọi điện “ra đón bố, bố đang ở Mỹ Đình”. Ông chẳng nói chẳng rằng, từ Đăk Nông bắt xe đi gần 30 tiếng ra thăm tôi. Sớm Hà Nội vắng hoe, vẫn phùn mưa, mù giăng rét buốt, tôi rong ruổi chiếc xe cà tàng ra bến xe Mỹ Đình đón bố. Đến cầu đi bộ, dáng người mảnh khảnh, da ngăm ngăm đứng đó là tôi nhận ra ngay. Cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt đặc trưng của một vùng đất Tây Nguyên, tôi không lạ gì. Ngay khi vừa chạm mặt, mừng mừng tủi tủi, bố đã thủ thỉ bên tai: Sáng mai, hai bố con mình về Thanh Hóa, về với Na Kha quê mình, con nhé!

Về Na Kha - Mùa xuân đắm chìm cùng không gian Thái

Cảnh sắc làng Na Kha, xã Lương Sơn, Thường Xuân.

Quãng đường về Thanh của hai bố con vượt gần 200km, từ Hà Nội đông đúc đi vào đường Hồ Chí Minh, qua Hòa Bình, sang Thạch Thành, Cẩm Thủy,... vượt sông Mã, cắt sông Chu (Thanh Hóa) chúng tôi cũng về đến quê. Quê tôi ở làng Na Kha, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn (Thường Xuân). Một làng của người Thái bình yên đến lạ! Xuân trên miền sơn cước choàng những vân sương trên lá, những bụi tre già bên vệ đường đu mình theo nắng trưa mỏng mờ... Có lẽ bản làng nơi đây phát triển và thay đổi nhiều từ khi bố tôi vào Nam làm kinh tế mới. Nhưng điều làm tôi vui hơn hết là vẫn thấy những ngôi nhà sàn cũ kỹ, rêu bám mái nằm xêm xếp bên vệ đồi, bờ suối; những phụ nữ vẫn váy dài, khăn piêu đội đầu, nhuộm răng, ăn trầu.

Tôi và bố trú chân tại nhà bác Biếu (Bác Mai – gọi theo con cả), bác họ của tôi, mẹ bác là chị gái của bà nội (Bà Hải)... Bác dựng một nhà sàn lớn nằm sát ruộng mía, cạnh chân đồi, trâu cột dưới sàn, lửa đỏ bên hông. Nói là bác họ nhưng bác vẫn là người trông nom, dọn dẹp, hương khói cho ông nội. Bởi lẽ, bà nội, các bác, cô, chú ruột nhà tôi vào Nam sinh sống cả từ khi ông nội mất (1985).

Trên đường ra thăm mộ ông, người mà tôi chưa từng biết mặt, một bức ảnh cũng không còn, bố kể, khi ông còn sống, ngoài việc trồng lúa thì ông là đội trưởng đội khai thác gỗ của lâm trường huyện Thường Xuân, mải mê làm lụng, quần xắn áo tơi, nuôi 8 đứa con cả trai lẫn gái. Và không may ông gặp nạn, bị gỗ lao từ trên đồi xuống gãy chân khi làm việc. Một thời gian sau ông mắc bệnh, mặt mày tím xanh, bụng chương chướng lên, chân tay rút lại... Người làng nói ông bị con ma ám, người âm quở bệnh, bà nội liền mời ông Cò Mạ về cúng. Ông chuẩn bị rượu, trầu cau, hai quả trứng, hai que tre vót hình bông hoa đặt trên hai bát gạo và cúng thâu đêm... Ông Cò Mạ lẩm bẩm vừa nhanh vừa nhập tâm, nghe cũng rợn người. Xong việc ông xoắn chỉ buộc vía cho ông nội. Dù nỗ lực thế, tâm linh thế nhưng ông nội vẫn không qua khỏi khi bệnh xơ gan cổ trướng đã đến giai đoạn vô phương cứu chữa. Làm ma chay cho ông, lại phải làm tục cắt dây, đây là phong tục lâu đời của người Thái chúng tôi. Tục này khi làm thì phải mang tất cả đồ đạc dính dáng, liên quan đến người đã mất đốt, hóa tro. Nếu còn sót lại, người sống sẽ bị yểm và bị kéo theo, hiện tượng trùng tang khó tránh.

Chiều rám lạnh, mấy cây cọ phía xa bỗng đẹp một cách lạ lùng. Bà Hải vừa cõng một bó cỏ sữa to đùng về cho trâu. Cái dáng còng khom của người gần 90 tuổi, đôi mắt tinh sáng, nụ cười giòn giã để lộ bộ răng nhuộm đen trông rất chắc khỏe. Nụ cười ấy, những người trẻ lạc lõng ba chốn bốn nơi, chạy theo guồng quay mưu sinh đã để lạc đâu đó trong vấp ngã, hụt hẫng, chênh vênh trên đường đời. Bác Biếu dùng tiếng Thái giới thiệu tôi với bà, đại ý - “con cả cò Sáng đấy”... Bà ngạc nhiên với vẻ mặt hớn hở: - “Phạ ơi! Con nhà Sáng lớn mà đẹp trai thế! Đã lấy vợ chưa con”. Tôi cười, nắm tay bà rồi ôm bà một cái.

Bếp lửa sau nhà đang bắc nồi cám cho lợn, nhắc nhớ tôi về những ngày thơ bé. Cả nhà ngồi đây, kể về những ngày khốn khó, nghĩ cho cùng sống đến bây giờ được no đủ cũng đã hằn đầy ký ức trên da thịt. Tuổi thơ của bố tôi là những ngày lấm láp bùn ruộng, cuốc bộ mười mấy cây số đường rừng để tìm rau, bắt cá... Từ Na Kha đi qua Bù Pha Máy, qua hồ Cửa Đạt quăng lưới, đường sá xa xôi phải nghỉ lại nhà ông chú Lê Văn Hiếm ở làng Mạ, tối hoẳm mới lọ mọ về nhà.

Đoạn đường ấy có hai ngôi đền gọi là đền Thác Mạ và đền Cửa Đặt rất linh thiêng, nơi mà con dân, đồng bào Thái nơi đây luôn hướng về để mong bình an, thuận lợi, no đủ... Nói về nét đẹp văn hóa – tín ngưỡng, ẩm thực nơi đây, thực chẳng biết bao nhiêu cho đủ. Tôi là người Thái nhưng sự mất gốc do trôi nổi, di dịch khiến tôi chạnh buồn. Tôi nói với bác Biếu rằng muốn biết nhiều hơn về dân tộc mình chứ không phải khơi khơi chút ít thông tin về hát khắp, hát mo, múa sạp... Bác Biếu nở nụ cười hiền, tỏ ý vui mừng khi đứa con nặng lòng với văn hóa dân tộc mình như thế!

Ngoài phong tục, tập quán, nhà cửa, cách ăn, cách mặc, đi lại của người Thái, bác Biếu còn cho tôi biết thêm về điệu hát Xư Thùn. Bác nói: “Đây là một điệu hát giờ rất hiếm người Thái biết đến, mai một rồi...”. Hát Xư Thùn được hát ngâm tự do, có chủ thể, câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, thường hát tự sự về những sự tích vua chúa, một cô nàng, một chàng trai, vùng đất, dòng sông,... nhằm kể chuyện, răn dạy con, cháu về những bậc anh hùng có công lao cứu nước, mở đất, dựng làng, xây bản, hoặc một thiên tình sử nào đó... Tựu chung là những câu chuyện mang ý nghĩa tốt đẹp hướng cho con cháu phải học hỏi, cố gắng, làm giàu đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước”.

Trong không khí xuân dâng tràn, như để minh chứng thêm cho nét đẹp văn hóa Thái, bác Biếu chạy lên bậc thang, lấy cây sáo dọc treo ở cột nhà xuống, bác đệm sáo và bà Hải hát Xư Thùn “Chuyện tình sông Âm” cho chúng tôi nghe... Một giọng hát run run, khàn khàn, như tự sự về mối tình đầy bi sử. Bài Xư Thùn nhẹ nhàng, cả không gian lặng xuống, chỉ cảm giác được một người đàn ông mải miết đi tìm gặp người con gái, người đàn ông đi dọc cuối sông Âm, gặp khúc giao sông Cái, cả hai nhập thành sông Chu. Tại nơi đó hai người đã gặp nhau, chưa kịp sống đời với nhau thì gặp nạn đuối nước,... và mất.

Xư Thùn không giống như hát khắp là được tự do ứng tác, Xư Thùn có sẵn câu chuyện, tích sử, qua mỗi người hát có chăng chỉ khác ở cách nhấn nhá, cách sắp đặt cấu trúc kể, do đó nhịp điệu, tâm trạng của người hát sẽ thay đổi, biến chuyển. Bà Hải hát ngâm thật đặc biệt, lời hát ấy quyện hòa cùng âm sáo, bỗng như một không gian buồn bã, thương cảm mà đượm tình được dựng lên. Mặc dù tôi không hiểu lắm, nhưng đó là cảm nhận và hình dung ban đầu, cho đến khi bác Biếu dịch đại khái thì quả thật như một trường thơ đầy xúc cảm:

Người đầu trần đi trong mùa đông

Rộng dài sông Âm vắng vẻ

Ánh nắng kia còn nằm trong đồi buồn tẻ

Họ chưa nhìn thấy nhau...

Về Na Kha - Mùa xuân đắm chìm cùng không gian Thái

Bà Hải - một trong số ít người Thái ở Na Kha biết hát Xư Thùn.

Bà Hải vẻ trầm mặc kể: “Vào những ngày tết xưa, cái thời ông nội mi còn sống, khi cả nhà quây quần chuẩn bị cho một cái tết đầm ấm nhất có thể, thì những đợt hát Xư Thùn vang vọng núi đồi, con cái cũng vì nghe mãi rồi tự thấm vào mình”. Nói chuẩn bị, nghe vẻ nhiều việc, gói chục đôi bánh chưng, bổ củi, lên bếp, nấu bánh, mổ gà, sang thì mấy nhà chung một con lợn... Đến giao thừa, hương khói xong xuôi thì ông bà, bố mẹ, con cháu trải chiếu ra sàn ngồi uống rượu, hát Xư Thùn. Người gõ chén, người đệm sáo đến 2, 3 giờ sáng thì không kể xiết những đoạn hát. Hát xong thì quên, mai hát kiểu khác, hôm sau nhớ, lại nhắc lại...

Người Thái quê tôi, không chỉ riêng làng Na Kha mà ở làng Pheo, làng Chiềng Mòn,... vẫn giữ được nhiều đặc trưng sắc tộc. Họ sống cùng sông Âm, sông Chu, ấp ôm đồi núi, ruộng đồng. Ở đây vẹn nguyên cảm tình với các vị thần linh thiêng, găm gửi yêu thương từ lời ca tiếng hát đậm đà bản sắc. Không chỉ múa xòe, múa sạp, hát khắp, mà hát Xư Thùn cũng len lỏi trong đời sống thường ngày của cộng đồng làng bản.

Nguyên Như



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]