(Baothanhhoa.vn) - Nếu “Lịch sử văn hóa của một dân tộc là lịch sử tinh thần và tâm hồn của dân tộc đó”; thì văn hóa Việt Nam là sự phản ánh của tầm cao và chiều sâu tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách dân tộc Việt Nam qua trường kỳ lịch sử. Để rồi, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa cũng chính là bảo vệ hồn cốt dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Nếu “Lịch sử văn hóa của một dân tộc là lịch sử tinh thần và tâm hồn của dân tộc đó”; thì văn hóa Việt Nam là sự phản ánh của tầm cao và chiều sâu tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách dân tộc Việt Nam qua trường kỳ lịch sử. Để rồi, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa cũng chính là bảo vệ hồn cốt dân tộc.

Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Khách thăm viếng Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Bàn về công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Kế thừa và phát triển quan điểm của Người, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đề cao vai trò của văn hóa cũng như quan tâm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nêu rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Đặc biệt, trong Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta nhấn mạnh: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học. Đồng thời, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.

Từ quan điểm và định hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam giai đoạn trước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Như vậy, tựu chung lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đều hướng đến xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, “tiên tiến” là các giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, văn minh của nhân loại đã được chắt lọc, kiểm chứng trong thực tiễn; trong khi “đậm đà bản sắc” là những yếu tố độc đáo, đặc sắc, biểu hiện “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”. Bản sắc văn hóa tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống của một cộng đồng với tư cách là một dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đang gặp phải không ít thách thức. Nói cách khác, việc nhận thức đúng về vai trò và đặt văn hóa vào vị thế tương xứng của nó trên thang bậc phát triển, có lúc có nơi, còn chưa được như kỳ vọng.

Chính vì lẽ đó, việc chấn hưng và phát triển văn hóa để nó phát huy được vai trò, vị thế là “nền tảng tinh thần” và “soi đường cho quốc dân đi”, là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay. Trong bài phát biểu nhân Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (diễn ra vào sáng 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”!

Trong dòng chảy văn hóa dân tộc suốt hàng ngàn năm qua, văn hóa xứ Thanh đã đóng góp một “nguồn riêng” rất đặc biệt. Nhắc đến Thanh Hóa, các sử gia thường có thiên hướng miêu tả vùng đất cuối Bắc - đầu Trung như là “sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại” của nước Việt. Điều này có căn cứ thực tiễn khi xứ Thanh là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử và được ví như tấm gương phản chiếu văn hóa dân tộc. Văn hóa xứ Thanh là sự giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa “đàng ngoài” và “đàng trong”.

Có lẽ cũng nhờ vậy mà mảnh đất nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã và tỏa rạng nền văn hóa Đông Sơn này, đã cần mẫn góp vào dòng chảy văn hóa dân tộc một lượng “phù sa văn hóa” phong phú, giàu giá trị và đậm đà bản sắc. Cái yếu tố “bản sắc” có khả năng gọi tên “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc” ấy, không chỉ là những di sản vật thể, phi vật thể phong phú, với hơn nghìn di tích, hàng trăm lễ hội, trò chơi trò diễn dân gian, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật, ẩm thực, ngôn ngữ...; mà còn là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự cường bất khuất; là tinh thần khoan dung, nhân ái; là lối sống nghĩa tình, trọng hòa hiếu... Bởi vậy, nếu văn hóa là tấm gương phản ánh những biểu hiện của niềm tin và những tập tục cổ truyền của một dân tộc; thì đó cũng chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa hiểu biết về dân tộc ấy!

Xác định rõ vai trò, vị thế của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, đã khẳng định: “Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”; đồng thời “Phát triển mạnh văn hóa, thể thao, tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa. Tiếp tục huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể”. Để hiện thực hóa định hướng trên, bên cạnh các cơ chế, chính sách cụ thể và nguồn lực lớn; thiết nghĩ, càng cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn thịnh, hạnh phúc trong mỗi người. Bởi suy cho cùng, con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa. Cho nên, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mỗi người. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”!

Bài và ảnh: Kim Ngân


Bài và ảnh: Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]