(Baothanhhoa.vn) - "Thì thầm” (2023, NXB Hội nhà văn) là tên tập thơ mới của tác giả Trịnh Lan Oanh gồm 86 bài thơ với lời giới thiệu khá trang trọng của nhà thơ Vương Trọng. Đây là một tập thơ giàu nữ tính, là những đồng vọng yêu thương từ muôn cung bậc tình cảm với sự khiêm nhường. “Thì thầm” nhưng lan tỏa những tâm tình, những nỗi niềm, những trắc ẩn chân thành mà da diết; khát khao chia sẻ, khát khao đồng cảm, khát khao yêu thương.

Những đồng vọng yêu thương

"Thì thầm” (2023, NXB Hội nhà văn) là tên tập thơ mới của tác giả Trịnh Lan Oanh gồm 86 bài thơ với lời giới thiệu khá trang trọng của nhà thơ Vương Trọng. Đây là một tập thơ giàu nữ tính, là những đồng vọng yêu thương từ muôn cung bậc tình cảm với sự khiêm nhường. “Thì thầm” nhưng lan tỏa những tâm tình, những nỗi niềm, những trắc ẩn chân thành mà da diết; khát khao chia sẻ, khát khao đồng cảm, khát khao yêu thương.

Những đồng vọng yêu thương

Tôi tình cờ đọc mục lục và thử ghép tên các bài thơ một cách ngẫu nhiên thì thật thú vị: Các bài thơ như những giải bày tâm trạng có lúc thổn thức xao động, có lúc thảng thốt âu lo, những bộc bạch cá tính mà vẫn đầy nữ tính. Trái tim chị như: “Tim thổn thức tiếng gió hoang lay gọi/ Màu yêu thương ngùn ngụt cháy nồng môi” (Thì thầm). Một nồng nàn như không muốn thì thầm, một sẻ chia chân thành thật đắm đuối: “Anh có nghe sóng thần trong im lặng/ Tiếng thì thầm vỡ ngực phía không nhau”.

Thơ Lan Oanh nhiều lần nói đến sông, đến biển. Những dào dạt, những cuộn sóng, những sâu thẳm, đều là những cung bậc tâm trạng dễ hẫng hụt, dễ trống vắng. Đó là một trải nghiệm sống: “Lắm khi giận dỗi... đầy vơi/ Nhưng ngàn năm vẫn chẳng rời được nhau” (Tình biển). Cũng từ đó nhà thơ đã “định vị nhớ dòng sông”, một nỗi nhớ chắt chiu, gạn lọc nhiều đắng đót mà cũng đắm say men tình yêu đôi lứa: “Em một mình trộn nỗi nhớ vào thơ/ Chắt ra được sương đêm miền cỏ dại”.

Hơn một lần trong tập thơ “Thì thầm” chị nói đến cỏ, phận cỏ và tôn vinh cỏ. Cỏ như là một thứ trang sức thật bình dị lấp lánh bao tình đời, tình người: “Nếu tim anh có một miền tươi xanh màu cỏ/ Anh sẽ hiểu vì sao/ Nhiều người/ Úp mặt lên cỏ/ Để hôn”. Có thể coi đây cũng là một thái độ sống, định vị một tư thế sống và thơ bỗng trở nên chiêm nghiệm hơn như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng đúc kết: “Thơ chính là kinh nghiệm sống”. Kinh nghiệm sống của nhà thơ Trịnh Lan Oanh đã cho chị tứ thơ hay, nhiều phát hiện mới mẻ. Bằng một giọng thơ lục bát khá duyên dáng, nữ tính, thủ thỉ tâm tình mà cũng nhạy cảm với bao linh cảm bắt được tần số khá tinh tế: “Anh đừng trải lụa qua sông/ Câu thơ đuối nước vớt không được lời/ Anh đừng làm cột thu lôi/ Trái tim tan vỡ chỗ đời không nhau”. Có thể nói đây là những câu thơ hay và thơ hay của chị nhiều ở thể thơ lục bát.

Trong tập thơ “Thì thầm” có một bài thơ khá thú vị, với riêng tôi, đó là bài “Đã thu”. Thơ chị viết nhiều về mùa. Từ “Mùa xuân” tới “Tình hạ” qua “Thu tình” đến “Đêm đông”. Chính các cung bậc thay đổi thời tiết nóng lạnh, mưa nắng đã tạo ra các cung bậc tâm trạng trong tâm hồn chị. Ở “Đã thu”, đó là một bất chợt thu, một cảm giác thu. Trong “Thì thầm” có rất nhiều cảm giác một tần số cao hơn cảm xúc tạo ra độ chênh chao nhiều thảng thốt. Và tôi rất ấn tượng những động từ chỉ sắc thái với ám ảnh của chiều kích không gian đã neo được vào bạn đọc những đồng vọng từ một trái tim đa mang, đa cảm, đa tình.

Phải thật tinh tế đồng điệu thì nhà thơ mới nhận ra cái sắc thu bắt đầu từ ranh giới mỏng manh của giao mùa: “Hình như nắng cũng gầy hơn/ Lạnh lùng bào mỏng cả cơn gió chiều/ Mảnh thu vỡ cọng cỏ nghèo/ Tiếng chim đơn độc rơi xiêu mái nhà”. Tất cả đều ấn tượng được bằng cảm giác từ “gầy”, “bào”, “vỡ”, “rơi xiêu”. Những con chữ thật sống động, gợi thật chính xác về một tiếng lòng, gợi thật đa cảm về một tâm tình của một người thơ trải lòng, một yêu thương hết mực, một thủy chung dâng hiến. Dâng hiến cho thơ cho cái đẹp của mỹ học nhân thế, nhân tình, nhân văn, nhân bản: “Bao nhiêu chữ đến bỏ bùa/ Câu thơ tình ủ mấy mùa vẫn xanh/ Đem lòng đếm cái long lanh/ Đành rơi sợi tóc, giật mình... đã thu”.

Gấp tập thơ lại tôi cũng giật mình khi được biết tác giả vào độ tuổi... đã thu! Một lắng sâu điềm tĩnh, một khao khát đồng lòng, một thì thầm đồng vọng. Tất cả đều chan chứa yêu thương đều sẽ chia đồng cảm. Đây cũng là những bậc thềm thơ để “đỡ” chị vững bước đi trên đường đời tự tin vững chãi. Đi trên đường thơ, một tiếng nói đa cảm nhiều chiêm nghiệm. Bởi chị đã khép lại tập thơ bằng bốn câu ngắn trong bài thơ “Đỡ”: “Sóng có sóng đỡ sóng/ Núi có núi đỡ nhau/ Bạn có bạn đỡ bạn/ Người đỡ hồn ta đâu”. Một cô đơn tột cùng để sáng tạo thơ. Tập thơ khép lại nhưng mở ra bao hứa hẹn vì chị đang đi tìm cả tình yêu và cả thi ca với một đồng vọng yêu thương tha thiết!

Nguyễn Ngọc Phú



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]