Từ năm 2025 sẽ thu phí 12 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đến nay, một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể triển khai thu phí và cơ quan quản lý đang tính toán mức thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân.
Mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư được phép triển khai thu phí là công trình được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; đường cao tốc đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí theo quy định.
Đối chiếu với các điều kiện trên, theo thống kê Cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có thể triển khai thu phí.
Các dự án/đoạn tuyến cao tốc này gồm: cao tốc Lào Cai-Kim Thành, Hà Nội-Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Hòa Liên, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Trong số này có tới 8 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông vừa được đưa vào khai thác.
Số lượng các tuyến đường bộ cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Binh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Hòa Liên-Túy Loan, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang, Cần Thơ-Cà Mau sẽ triển khai thu phí sau khi hoàn thành dự án.
Để xác định mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước. Do đó, mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.
Nhượng quyền thu phí để lấy vốn tái đầu tư vào cao tốc
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm Nhà nước tự tổ chức thực hiện và thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.
“Cục Đường bộ Việt Nam đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng. Về mức phí, cục đã nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics,” ông Thái nhìn nhận.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức hợp đồng kinh doanh-quản lý (O&M) đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước.
“Mô hình O&M có nhiều ưu điểm như Nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới. Vấn đề là làm sao để chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị,” ông Chủng phân tích thêm.
Với mô hình này, theo ông Chủng, Nhà nước quản lý, giám sát quá trình khai thác, vận hành thông qua hợp đồng kinh tế, qua đấu thầu công khai, thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Riêng các tuyến cao tốc có lưu lượng thấp, khó thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần xây dựng mức giá phù hợp, thời gian thu phí có thể dài hơn, đảm bảo khả thi phương án tài chính cho nhà đầu tư.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết Nhà nước có thể lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính để bán quyền thu phí trong một thời gian nhất định (5 năm, 10 năm hoặc thời gian khác tùy theo tính chất từng tuyến đường cao tốc) hoặc cũng có thể lựa chọn nhà thầu thực hiện việc quản lý, vận hành, thu phí, sau đó thanh toán kinh phí định kỳ theo quý hoặc theo năm.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và giao thông Phương Thành cho rằng Nhà nước có thể nghiên cứu thực hiện theo phương án 1 trong thời gian khoảng 1-2 năm. Sau đó, trên cơ sở lưu lượng thực tế sẽ bán quyền thu phí. Các nhà đầu tư cũng dễ đo lường, đánh giá hiệu quả, sự ổn định của lưu lượng phương tiện trên tuyến để quyết định đầu tư. Đây là phương án tối ưu và hài hòa nhất, bảo đảm Nhà nước không bị thiệt, nhà đầu tư cũng yên tâm./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:42:00
“Thắp ánh sáng” cho học sinh khiếm thị
-
2024-11-24 16:28:00
Chàng trai 9X biến đất hoang thành “mỏ vàng”
-
2024-07-09 12:04:00
Hải đoàn 128 trao kinh phí xây nhà “Đại đoàn kết” tại Thanh Hóa
Tọa đàm kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam
Trao 26 suất quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ huyện Hoằng Hóa
Nỗ lực thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em”
Bình yên trở lại Trung Sơn
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng
Tước gần 500 giấy phép lái xe trên ứng dụng Định danh Quốc gia VNeID
Thọ Xuân: Thu nhận hơn 400 hồ sơ cấp thẻ Căn cước cho người dân
25 địa phương chưa hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Tăng “sức đề kháng” cho trẻ trên môi trường mạng