(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho bản thân các em mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho bản thân các em mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viênCán bộ, giảng viên và HSSV Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp.

Thầy La Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tính đến thời điểm 12-2022, tổng số HSSV trong toàn trường là 2.102 HSSV, trong đó cao đẳng 683 sinh viên, trung cấp 1.405 học sinh, sơ cấp 14 học sinh. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là nhóm nghề cơ khí, gồm: bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, nguội sửa chữa máy công cụ; nhóm nghề điện, gồm: điện công nghiệp, tự động hóa công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện nước và các nghề: công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, may thời trang, công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật xây dựng. Với đặc thù đào tạo nghề trên, HSSV sẽ trở thành những người thợ, người kỹ sư thực hành trong tương lai thì các kiến thức thực tế trên ghế nhà trường không đủ hoặc không thể giúp các em mở các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi, các em còn thiếu rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, như: hiểu biết về kinh doanh, năng lực công nghệ thông tin, các nguyên tắc sáng tạo, phát minh, sáng kiến, điều hành kinh doanh; quản lý và đánh giá mạo hiểm; thiếu nhạy bén trong tiếp cận, ngoại ngữ... Việc thiếu hụt các kỹ năng và thiếu sự kết nối với các nhà đầu tư dẫn đến khó khăn cho HSSV của trường trong việc định hướng và khởi nghiệp. Mặt khác, với tư duy bao cấp, phụ thuộc vào nhà trường và Nhà nước để có việc làm, các em thiếu tự chủ bản thân... cộng với những yếu tố khách quan khác như: cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu của HSSV; các hoạt động khởi nghiệp chưa phong phú, đa dạng, chưa có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà tư vấn về khởi nghiệp; chưa có chính sách khuyến khích HSSV... đang là những “rào cản” lớn tác động đến năng lực khởi nghiệp của các em. Vì vậy, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV trong trường hiện mới chỉ nằm trên giấy, có một số ý tưởng vừa manh nha đã bị dập tắt bởi không khả thi.

Trước thực tế trên, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, thời gian tới nhà trường tập trung đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong HSSV, tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp bằng việc để HSSV học tập theo nhóm trong các môn học/mô đun, dạy học tích hợp. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về khởi nghiệp. Tổ chức cho HSSV làm đồ án tốt nghiệp với các đề tài gắn với việc thực hiện các sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn. Nuôi dưỡng thái độ tích cực của HSSV với hoạt động khởi nghiệp. Thực hiện các hoạt động khơi gợi sự hứng thú của HSSV với hoạt động khởi nghiệp và trở thành doanh nhân trong tương lai bằng việc tổ chức hội thảo chia sẻ các tấm gương khởi nghiệp thành công trong HSSV để truyền cảm hứng cho tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ HSSV phát hiện mong muốn, nuôi dưỡng và thúc đẩy ý tưởng muốn trở thành doanh nhân.

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức ngành nghề, trường sẽ nâng cao năng lực và tự tin khởi nghiệp sáng tạo cho HSSV. Đưa môn học khởi nghiệp thành hoạt động ngoại khóa cho HSSV. Từ đó, thông qua các khóa học bắt buộc về khởi nghiệp sáng tạo để cung cấp các kiến thức thực tế và kiến thức nền tảng về khởi nghiệp. Thay vì nhấn mạnh tới phong trào khởi nghiệp theo cách “nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp”, nhà trường tập trung vào giáo dục nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo cho HSSV, kể cả các rủi ro có thể gặp phải khi khởi nghiệp... giúp HSSV nâng cao nhận thức về khả năng khởi nghiệp của bản thân cũng như tin tưởng vào năng lực khởi nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, nhà trường liên kết với các thành tố khác của hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng các quỹ hỗ trợ, tổ chức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho HSSV nhằm tạo cơ hội thuận lợi tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp. Xây dựng mạng lưới cựu HSSV khởi nghiệp để giúp đỡ các bạn HSSV về mối quan hệ cũng như cơ hội tiếp cận với nguồn lực về tài chính. Xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại và các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp, tọa đàm kinh doanh, thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; tạo môi trường để HSSV được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế. Đối với HSSV, cần có ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh từ việc phân tích khách hàng để lựa chọn sản phẩm kinh doanh và cần được cung cấp nguồn vốn và giới thiệu với các nhà đầu tư. Và để những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV từ trên trang giấy đến thực tế, giúp các em tự tạo ra được việc làm và khởi nghiệp thành công, cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng và sự đồng hành của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]