(Baothanhhoa.vn) - Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp, không ít cán bộ, công chức đã có những “mánh khóe” trục lợi, biến “đất công” thành “đất ông” để làm giàu bất chính, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Trục lợi đất công, không thoát kết đắng (Bài 2): Những “mánh khóe” trục lợi

Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp, không ít cán bộ, công chức đã có những “mánh khóe” trục lợi, biến “đất công” thành “đất ông” để làm giàu bất chính, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Trục lợi đất công, không thoát kết đắng (Bài 2): Những “mánh khóe” trục lợiKhu đất Lê Văn Khang, nguyên là công chức địa chính - xây dựng thị trấn Quý Lộc (Yên Định) lừa gạt người dân để kiếm tiền tiêu xài cá nhân. Ảnh: PV

“Lỗ hổng” trong quản lý

Nhiều lần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, Luật Đất đai 2013 ra đời đã khắc phục được nhiều tồn tại của Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ một số bất cập và những “lỗ hổng” để những cán bộ, công chức tha hóa, nhiều “nhóm lợi ích” tìm mọi cách để “đục khoét”. Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí khởi tố, đi tù cũng vì đất.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16-6-2022 đã nêu rõ: Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương chưa đúng các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất...

Việc giao đất, cho thuê đất và ngay cả đấu giá đất nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến tình trạng xin - cho. Tiêu cực phát sinh từ đây và đất đai đã trở thành món lợi rất lớn trong tay những người có chức quyền. Lĩnh vực đấu thầu liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, nhưng có những quy định phối hợp chưa được chặt chẽ ở Luật Đấu thầu với Luật Đất đai, dẫn đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” và ở một số nơi cứ đấu thầu là trúng. Vấn đề bồi thường giá đất, quy định giá đất theo khung UBND tỉnh ban hành nhưng khung giá đất bị lạc hậu, chênh lệch lớn với giá thị trường, không đảm bảo quyền lợi, dẫn đến người dân bức xúc, khiếu kiện. Đặc biệt, việc giao đất, cho thuê đất với mức giá được Nhà nước xác định thấp hơn giá thị trường rất nhiều; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng nghị quyết và các quy định của pháp luật. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác đăng ký, thống kê đất đai chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, năng lực quản lý Nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu, một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất quốc phòng - an ninh, đất cơ sở tôn giáo, đất sử dụng nhiều mục đích chưa được giải quyết cơ bản. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch, đất đai rất nhiều, nhưng lại trùng lặp, có nhiều văn bản chưa rõ ràng khiến các đối tượng lợi dụng kẽ hở để “lách luật”.

Chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, cán bộ địa phương thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định, quy trình, thủ tục trong quản lý đất đai cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng trục lợi đất công ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị lại có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân, cố tình làm trái thẩm quyền, làm sai nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và người dân. Vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Ngọc Lặc là một minh chứng. Theo kết quả điều tra, Phạm Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Ngọc Lặc và Lê Ngọc Tùng, nguyên công chức địa chính - xây dựng xã Mỹ Tân biết rõ diện tích đất của 4 hộ dân tại phố Trần Phú (thị trấn Ngọc Lặc) nằm trong phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh và nguồn gốc đất không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, Phạm Hùng Dũng và Lê Ngọc Tùng vẫn chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Ngọc Lặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Đồng phạm trong vụ án này, Phạm Văn Biên, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ngọc Lặc và Bùi Xuân Quang, nguyên cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ngọc Lặc cũng đã bị khởi tố do không kiểm tra thực tế hiện trạng và quá trình sử dụng đất của 4 hộ dân dẫn đến việc xác định sai nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.

Từ những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, các sai phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép, đấu giá tài sản, đấu thầu dự án, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra phổ biến. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư cũng có nhiều điểm bất hợp lý dẫn đến các sai phạm như: Gian lận trong lập phương án bồi thường GPMB để tham ô; lập 2 phương án bồi thường (một cho người có đất bị thu hồi và một để thanh toán với Nhà nước); lập phương án, xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích sử dụng, thỏa thuận với người dân để chia lợi nhuận. Cá biệt, có trường hợp khai khống diện tích để hưởng lợi. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, gây mâu thuẫn, bất bình trong Nhân dân mà còn dẫn tới khiếu nại, tố cáo kéo dài làm mất trật tự xã hội.

Vụ án của Nguyễn Văn Đức và Dương Văn Trung, cán bộ thuộc Ban GPMB và Tái định cư TP Thanh Hóa là một ví dụ. Lợi dụng việc được giao nhiệm vụ chủ trì và trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, GPMB đối với diện tích đất bị thu hồi tại phố Lễ Môn và phố Sơn Vạn (phường Đông Hải) để phục vụ đầu tư, xây dựng dự án số 2 Khu Đô thị Đông Hải, Đức và Trung đã trao đổi, hướng dẫn và thỏa thuận với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất đã được lập biên bản kiểm kê để sửa chữa. Sau đó, các đối tượng tẩy xóa 38 biên bản kiểm kê thực tế hoa màu từ trồng lúa thành trồng hoa ly để tăng tiền chênh lệch bồi thường, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1,6 tỷ đồng.

Do việc quản lý đất đai có quá trình lịch sử phức tạp, hệ thống hồ sơ địa chính chưa hoàn chỉnh, thiếu dữ liệu quản lý dẫn tới thông tin để quản lý đến từng thửa đất chưa đạt yêu cầu. Nắm rõ yếu điểm này, một số cán bộ, công chức địa chính - xây dựng cấp xã, cấp huyện đã cố ý làm sai việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho tổ chức, cá nhân. Nguyễn Trung Tuyến, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Lai và Lê Chí Dũng, nguyên công chức địa chính - xây dựng xã Hà Lai bị khởi tố năm 2022 là một điển hình. Lợi dụng chức Chủ tịch UBND xã Hà Lai, Nguyễn Trung Tuyến đã chỉ đạo Lê Chí Dũng lập hồ sơ khống, xác định sai nguồn gốc đất để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lê Xuân Thỏa và bà Lê Thị Nhàn với diện tích 200m2 đất, gây thiệt hại gần 30 triệu đồng cho gia đình ông Thỏa và bà Nhàn.

Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện

Đất là “miếng mồi ngon” đầy sức hút nên hàng loạt cán bộ từ nhỏ đến lớn đã dùng mọi chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để kiếm lời bất chính. Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh cho biết: “Phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để trục lợi là hành vi bán đất trái thẩm quyền, hoặc khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt một mức giá nhất định nhưng đã tự ý nâng mức giá lên để thu tiền của dân. Hành vi lập khống nguồn gốc đất, tài sản hoa màu trên đất, chuyển đổi loại hình tài sản này thành loại hình tài sản khác để chiếm đoạt tiền bồi thường GPMB, gây thiệt hại cho ngân sách diễn ra ở nhiều nơi. Một số đối tượng khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã làm sai lệch hồ sơ hay lập hồ sơ khống để nhận tiền bồi thường GPMB hoặc nhận đất tái định cư”.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật là thủ đoạn được nhiều đối tượng sử dụng. Mới đây nhất, ngày 11-4-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Mai Quang Bính, sinh năm 1963, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn và Vũ Văn Phụng, sinh năm 1971, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn do có liên quan đến sai phạm trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một gia đình ở phường Ngọc Trạo, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn đã ra quyết định khởi tố đối với Phan Công Trường, nguyên Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn và Nguyễn Thị Mai, nguyên công chức địa chính - xây dựng phường Bắc Sơn vì cố ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Đây mới chỉ là hai trong số ít những vụ án đã bị phát hiện. Vẫn còn nhiều “con sâu đang cố giấu mình trong kén”, không dễ để bị “bắt” ra ánh sáng.

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, những vi phạm, tham nhũng liên quan đến đất đai ngày càng có biểu hiện tinh vi và khó phát hiện hơn. Trong đó, một số đối tượng sử dụng thủ đoạn trục lợi kiểu thu hồi đất rộng hơn mức cần thiết của dự án, nhưng sau đó chỉ giao cho Nhà nước diện tích đúng như dự án; giao đất không đúng thẩm quyền hoặc chia nhỏ các lô đất sai quy định để chia nhau. Việc thực hiện không đúng quy trình thẩm định, phê duyệt, sai phạm về trình tự, thủ tục hay việc không công khai, thiếu dân chủ trong việc kiểm kê, niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền bồi thường diễn ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê bồi thường GPMB còn lỏng lẻo, hình thức, công tác thẩm định hồ sơ qua loa dẫn đến không phát hiện kịp thời các sai phạm trong GPMB. Trong việc đăng ký, quản lý các thửa đất, diện tích đất công, đất không ai đăng ký thường được cán bộ địa chính xã, huyện bỏ trống tên, sau đó khi có chủ trương thì điền tên đối tượng khác, hợp thức hóa để hưởng lợi. Việc thống kê diện tích đất công không được thực hiện đầy đủ, bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt. Quá trình quản lý đất đai không có phương án, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc cấp đất, giao đất tùy tiện, không đúng đối tượng, không đúng quy định và quy hoạch. Các đối tượng được cấp không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, các cơ quan quản lý không kiểm tra dẫn đến các đối tượng chuyển nhượng, thu lợi bất chính. Nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn thu hồi đất mà không có dự án hoặc tự vẽ ra dự án để kiếm lời bất chính.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai là “cuộc chiến” vô cùng khó khăn và phức tạp. Vì thế, cùng với việc sớm nhận diện được những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng sử dụng để “chống” cho thật hiệu quả thì việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 bảo đảm tính hệ thống, tính đồng bộ, tính toàn diện được kỳ vọng là “giải pháp mạnh” để ngăn ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhóm phóng viên

Bài cuối: Triệt "mầm" tham nhũng.

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]