Triều Tiên tuyên bố không bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự liên Triều
Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ “không bị kiềm chế” bởi thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình.
"Thỏa thuận quân sự liên Triều" được ký kết ngày 19/9/2018 giữa Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Ngày 23/11, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, khi Hàn Quốc đình chỉ một phần của thỏa thuận này sau vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố họ sẽ “không bị kiềm chế” bởi thỏa thuận quân sự nêu trên nữa, cảnh báo rằng Seoul sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tuyên bố của Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh rằng kể từ nay quân đội nước này sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018.
Triều Tiên nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ các biện pháp quân sự vốn được thực thi nhằm ngăn ngừa căng thẳng quân sự và xung đột ở tất cả khu vực, như trên bộ, trên biển và trên không, và sẽ bố trí lực lượng vũ trang hùng mạnh cùng thiết bị quân sự tiên tiến tại các khu vực biên giới.”
Trước đó, hãng tin Yonhap ngày 22/11 đưa tin chính phủ nước này đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều ký kết hồi năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự.
Theo Yonhap, quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bất thường do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì.
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo sẽ thực hiện các bước để tạm đình chỉ một phần thỏa thuận trên cũng như nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều.
Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018, kêu gọi dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình, và nhiều biện pháp khác./.
Theo TTXVN
- 2024-11-06 00:12:00
Cập nhật bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024
- 2024-11-05 14:40:00
UNESCO xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake là di sản văn hóa phi vật thể
- 2023-11-22 14:32:00
Tổ chức Y tế Thế giới: Biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa
Xung đột Hamas-Israel: Mỹ, Nga hoan nghênh thỏa thuận trao trả con tin
BRICS kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và lâu dài ở Gaza
Nga thông báo triển khai tên lửa hạt nhân mới ở Kaluga
Anh kỳ vọng mở rộng quan hệ thương mại với Hàn Quốc
Canada: Khoảng 600.000 người lao động ở tỉnh Quebec đình công đòi tăng lương
Những công việc được trả lương cao nhất ở Mỹ trong năm 2023
Hàn Quốc: Sẽ đình chỉ thỏa thuận liên Triều do việc phóng vệ tinh của Triều Tiên
Xung đột Hamas-Israel: Sơ tán 200 bệnh nhân tại bệnh viện ở Gaza
Triều Tiên thông báo với Nhật Bản kế hoạch phóng vệ tinh không gian