Tràn lan quảng cáo thổi phồng thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên “chợ mạng”
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan quảng cáo nhiều loại sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân, thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng chữa bệnh như “thần dược”. Đặc biệt, các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm.
Quảng cáo về sản phẩm Una Mộc Đơn đang bị người tiêu dùng phản ánh “thổi phồng” công dụng sản phẩm.
Chị Trần Thị Hương, trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Tôi đang tìm kiếm sản phẩm để bổ sung canxi cho con. Lướt trên facebook, tôi thấy rất nhiều quảng cáo về dòng sữa Hiup có thể tăng chiều cao thêm cho trẻ một cách vượt trội. Để yên tâm về xuất xứ cũng như kiểm tra các tiêu chuẩn về sản phẩm, tôi đã tới nhiều đại lý sữa lớn tại TP Thanh Hóa để tìm mua, nhưng đều không thấy phân phối sản phẩm này”.
Liên hệ qua fanpage “Sữa Hiup chính hãng - tăng chiều cao cho con”, phóng viên được giới thiệu đây là dòng sữa tăng chiều cao chuyên biệt dành cho trẻ từ 2 - 18 tuổi, có nguồn nguyên liệu nhập khẩu tại Hoa Kỳ và sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất DP công nghệ cao NanoFrance tại huyện Kim Bảng (Hà Nam). Người bán hàng này khẳng định chắc như “đinh đóng cột” rằng: “trẻ sẽ tăng từ 3 - 5 cm sau 3 tháng sử dụng”.
Tìm hiểu thêm tại nhiều trang fanpage quảng cáo bán sản phẩm này, thậm chí trên trang https://www.hiupchinhhang.com, phóng viên nhận thấy tại đây đăng tải nhiều quảng cáo có hơi hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo về sản phẩm với nhiều ngôn từ có cánh, như: “uống là sẽ cao”, “uống là sẽ lớn bất chấp cả gen di truyền do bố mẹ thấp lùn”, “uống sữa Hiup con sẽ cao như người mẫu, diễn viên”... Thậm chí, một số quảng cáo còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo về sản phẩm khiến người tiêu dùng khá hoang mang vì không đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, khi liên hệ mua sản phẩm thì người bán hàng cho biết sản phẩm chỉ được phân phối qua kênh online và cũng không có hóa đơn cho khách hàng mua lẻ. Việc giao dịch mua bán chỉ thông qua hình thức online, khách hàng không biết địa chỉ cơ sở bán hàng cũng như kiểm chứng chính xác những thông tin quảng cáo, rao bán trên internet khiến người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng, cũng như công dụng của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo?
Không chỉ các dòng sản phẩm tăng chiều cao, đánh vào tâm lý của nhiều phụ huynh có con còi cọc, nhiều nhãn hàng còn quảng cáo sữa tăng cân cũng như một loại “thần dược”. Trên website: Chinhhang-hiweight.com, nhiều ngôn từ quảng cáo thể hiện nội dung “Tăng 5 - 7 kg tại nhà với 2 ly sữa mỗi ngày”. Hay như website: Hiweight.online đang quảng cáo sản phẩm Hiweight với nội dung “100% sữa non nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tăng 5 - 7 kg cho người gầy lâu năm. Tăng 2 - 3 kg sau 1 tháng...”. Tuy nhiên trên thực tế, những sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể có tính chất “thần dược” như những lời quảng cáo.
Nghiêm trọng hơn, nhiều quảng cáo về các thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng chữa bệnh đã khiến nhiều khách hàng vừa tốn kém chi phí và làm lỡ cơ hội chữa bệnh khi còn nhẹ. Chị Hoàng Thị Q. ở thị trấn Hậu Lộc từng mắc bệnh u xơ tử cung. Tìm hiểu trên internet, chị thấy có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm Una Mộc Đơn với các công dụng như "tiêu u nhanh chóng mà không phải phẫu thuật”. Thậm chí, người tư vấn còn gửi cho chị Q. xem cả các thông tin về tiến triển tốt lên của nhiều khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Tin tưởng, chị Q. đã đặt mua 1 liệu trình với tổng giá trị hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết liệu trình như tư vấn là 2 tháng, khối u của chị vẫn tiếp tục to lên và phải tiến hành phẫu thuật ngay sau đó. Trên thực tế, theo cấp phép của Bộ Y tế, sản phẩm này chỉ là dòng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh không có tác dụng điều trị hay thay thế thuốc chữa bệnh.
Theo Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 28-4-2023 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-6-2023 đã quy định về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo bán hàng đa cấp. Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế trong hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, trên nhiều website của các nhãn hàng hay các nền tảng mạng xã hội, việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sử dụng thông tin, hình ảnh, clip về việc các bác sĩ, khách hàng chia sẻ về sản phẩm vẫn còn tồn tại. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm rà soát, chấn chỉnh sự lạm dụng này, đưa hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đi vào khuôn khổ quy định của pháp luật, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng như hiện nay.
Bài và ảnh: Bách Nguyên
- 2024-09-13 07:30:00
“Sống mòn” vì dự án kéo dài
- 2024-09-13 07:20:00
Lào Cai lên tiếng về tin tìm thấy 17 hộ với 70 nhân khẩu tại xã Cốc Lầu
- 2023-10-08 16:14:00
Đoàn Khối CQ&DN tỉnh tổ chức chương trình tình nguyện “Vì sức khỏe học sinh”
Bá Thước ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường mầm non
Lê Xuân Mạnh giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23
Giao lưu đồng diễn dân vũ thể thao nữ cựu TNXP Thanh Hóa
Hàng nghìn cổ động viên cổ vũ cho Lê Xuân Mạnh tại điểm cầu Quảng trường Lam Sơn
Lộ diện 4 MC “cháy hết mình” tại các điểm cầu Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023
Sôi động Ngày hội Sinh viên Uni Tour năm 2023
Đừng vì lợi nhỏ
Đồn Biên phòng Trung Lý hỗ trợ học sinh khó khăn khu vực biên giới
Thiết thực hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên