Tích cực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Nhằm tạo phong trào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp tái tạo phát triển NLTS tại các thủy vực tự nhiên nội địa, hồ chứa và vùng biển ven bờ của tỉnh.
Các tổ chức phối hợp với huyện Nga Sơn thả tôm giống khu vực ven biển.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và môi trường, hiện nay nhiều loài thủy sản bị suy giảm tới 80 - 90%, thậm chí sắp bị tuyệt chủng như: cá trê vàng, cá ngát, ốc nhồi, ếch đồng, tôm càng... Nhiều loài cá có tên trong sách đỏ Việt Nam như cá mòi cờ hoa và cá mòi cờ chấm... sống ở khu vực vùng cửa biển Lạch Hới, nơi tiếp giáp giữa huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn, đang dần trở nên hiếm gặp. Tình trạng cạn kiệt NLTS như hiện nay là do việc khai thác quá mức và sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt. Tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển NLTS trên các vùng biển, vùng nước nội địa vẫn diễn ra, đặc biệt là việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, khai thác sai vùng, sai nghề...
Trước thực trạng trên, để chung tay bảo vệ NLTS, các cấp, ngành, địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ NLTS như: phát các bản tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn; treo băng rôn, khẩu hiệu ở cửa sông, cửa lạch, nơi đông người qua lại; phát tờ rơi tuyên truyền về tái tạo, bảo vệ NLTS và các quy định về chống khai thác IUU.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ NLTS, các địa phương ven biển đã thành lập và đi vào hoạt động 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 2.810 thành viên tham gia. Các tổ đồng quản lý đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý khai thác và bảo vệ NLTS tại khu vực ven biển được giao. Qua đó, cộng đồng ngư dân được tham gia vào công tác quản lý nghề cá ven bờ, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản và phát hiện các hoạt động vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, thông báo cho các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời, góp phần bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản vùng ven biển, tạo sự lan tỏa người dân tham gia bảo vệ NLTS vùng ven bờ. Hàng năm, các ngành có liên quan của tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, địa phương trong tỉnh thả cá, tôm giống bổ sung xuống lưu vực sông, hồ, khu vực ven biển nhằm từng bước khôi phục NLTS tự nhiên đang dần cạn kiệt.
Trong năm 2024, Chi cục Biển đảo và Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tổ chức thả 6.000kg cá giống nước ngọt (trắm, trôi, mè, chép), 5.000 con cá lăng, chiên giống, 30kg tôm sú giống, 4.000 con cua xanh giống xuống các hồ chứa nước lớn, lưu vực sông Mã và khu vực ven biển nhằm phục hồi và phát triển NLTS. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ NLTS và tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững NLTS. Hiện nay, Chi cục Biển đảo và Thủy sản đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng. Cùng với đó, điều tra hoạt động khai thác và sản lượng khai thác của các loại nghề, hiện trạng sinh học nghề cá, giám sát hoạt động khai thác và đánh giá mức độ xâm hại ở vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa Lê Xuân Đồng cho biết: "Nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển NLTS trên địa bàn tỉnh, hàng năm từ ngày 1/4 đến 30/8, chi cục phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển thường xuyên tuần tra kiểm soát khu vực bãi đẻ tự nhiên và khu vực phát triển tập trung các loài thủy sản chưa trưởng thành tại vùng ven biển. Cùng với đó, chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ NLTS. Qua đó, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, khai thác thủy sản tại khu vực cấm và khai thác trái phép các loài trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Thực hiện Kế hoạch quy hoạch bảo vệ và khai thác NLTS thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chi cục đang tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng khoanh vùng và quản lý 7 khu bảo vệ NLTS vùng nội địa như: khu vực sông Lò tại ngã ba sông Lò, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa); khu vực suối Hòn Tra, xã Thiết Kế (Bá Thước); khu vực cửa Lạch Trường, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa); khu vực cửa Hới, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa); khu vực gò Song trên sông Mã, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy); khu vực hạ lưu sông Mã, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy); khu vực cửa Lạch Sung, xã Đa Lộc (Hậu Lộc).
Sự nỗ lực trong công tác bảo vệ NLTS của các cấp, các ngành đã góp phần phát triển và phục hồi NLTS nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phát triển kinh tế biển bền vững và giữ gìn sinh kế lâu dài của cộng đồng ngư dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi
{name} - {time}
-
2025-04-01 18:21:00
Góp phần thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn
-
2025-04-01 15:20:00
Hà Tân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân
-
2025-03-31 15:15:00
Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả
Thị xã Nghi Sơn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Bản tin Tài chính 31/3: Chuyên gia dự báo giá vàng lao dốc trong những năm tới
Tăng cường kiểm soát tàu cá trên biển
Bá Thước thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng bền vững
Bảo vệ và phát triển rừng ở thị xã Nghi Sơn
‘Mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc năm 2025 là không thay đổi’
Hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội
Giá vàng ngày 30/3: Neo ở mức kỷ lục mới, chuyên gia dự báo tiếp tục tăng
Bản tin Tài chính 30/3: Các chuyên gia nói gì về giá vàng tuần tới?