(Baothanhhoa.vn) - Với vai trò “bà đỡ” luôn hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, việc thu hút nông dân tham gia vào HTX để phát triển theo hướng chuyên nghiệp, giải quyết việc làm cho số đông lao động nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vẫn là một bài toán khó.

Thu hút nông dân tham gia vào các HTX nông nghiệp

Với vai trò “bà đỡ” luôn hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, việc thu hút nông dân tham gia vào HTX để phát triển theo hướng chuyên nghiệp, giải quyết việc làm cho số đông lao động nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vẫn là một bài toán khó.

Thu hút nông dân tham gia vào các HTX nông nghiệpHTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) thu mua khoai tây vụ hè thu cho các hộ thành viên.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 9-2023, toàn tỉnh có 827 HTX nông nghiệp, với tổng số thành viên khoảng 61.990 người, bình quân 82 thành viên/HTX; tổng số lao động thường xuyên là 17.388 người, bình quân 23 người/HTX. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, góp phần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, một điều mà nhiều HTX đang phải đối mặt là tình trạng quy mô thành viên nhỏ hoặc siêu nhỏ, chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào HTX. Việc HTX có số lượng thành viên ít cũng tỷ lệ thuận với nguồn vốn điều lệ thấp, khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Thậm chí, nhiều HTX đã thành lập nhưng do số lượng thành viên quá khiêm tốn nên sau một thời gian không huy động, mở rộng được vốn, không phát triển được sản xuất, kinh doanh nên buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) - một trong những điển hình cho mô hình HTX toàn xã, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều tham gia góp đất, góp vốn vào HTX để phát triển sản xuất kinh doanh. Với 955 thành viên, HTX thực hiện sản xuất trên diện tích khoảng 200 ha lúa/năm và hơn 220 ha đất màu. Việc thu hút được gần 100% số hộ dân trên địa bàn xã tham gia vào HTX là một bước tiến lớn, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập của người dân. Đồng thời, thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, phát triển diện tích sản xuất cây trồng hàng hóa quy mô lớn tại địa phương. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX, cho biết: Để thu hút được người dân tích cực tham gia, trước hết HTX phải xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, năng lực sản xuất của người dân. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: nhà kho, cửa hàng, sân kho, hệ thống thủy lợi nội đồng, máy cày, máy gặt đập liên hợp nhằm giúp thành viên thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; chủ động trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các thành viên và khách hàng không phải là thành viên. Qua đó, tạo được niềm tin, kỳ vọng của người dân vào HTX.

Thực tế cho thấy, trong số 827 HTX nông nghiệp của tỉnh thì hầu hết được đánh giá hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Lý giải điều này, ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân), cho biết: Khi mới thành lập hoặc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, hầu hết các HTX đều khó thu hút người dân địa phương tham gia, góp vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, HTX đã mở thêm các dịch vụ, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hiệu quả... đáp ứng nhu cầu và tạo được lòng tin cho người dân.

Hiện trên địa bàn có 63 HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Đồng nghĩa với số lượng HTX này không thể thu hút được thành viên tham gia. Bên cạnh đó, có một số HTX tiêu biểu thu hút được số đông thành viên, như: HTX Dịch vụ cơ giới hóa Đông Tiến (Đông Sơn) 121 thành viên, HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh 266 thành viên, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) 65 thành viên...

Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX, cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu các HTX nông nghiệp không thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động, chỉ phụ thuộc vào một số khâu dịch vụ công và một số dịch vụ nhỏ lẻ, thì chắc chắn sẽ khó có thể phát triển và kết nạp thành viên. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, điều hành HTX cần phải thay đổi tư duy, thể hiện cho người dân thấy được năng lực, hiệu quả trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản có thể mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân thì họ sẽ sẵn sàng góp đất, góp vốn, đăng ký tham gia vào HTX.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]