(Baothanhhoa.vn) - Tại hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), PGS. TS. Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa) và TS. Lê Thị Thảo (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có tham luận làm rõ hơn về nhà sử học và bộ Quốc sử nổi tiếng này. Báo Thanh Hóa xin lược trích để bạn đọc rõ hơn.

Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký” nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), PGS. TS. Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa) và TS. Lê Thị Thảo (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có tham luận làm rõ hơn về nhà sử học và bộ Quốc sử nổi tiếng này. Báo Thanh Hóa xin lược trích để bạn đọc rõ hơn.

Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký

Chương trình nghệ thuật tại Hội thảo.

Thân thế và sự nghiệp

Lê Văn Hưu được sinh ra ở vùng đất Kẻ Rỵ, tức giáp Bối Lý, sau đổi thành xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tài liệu chính sử chỉ ghi chép sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Lê Văn Hưu. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời vua Trần Thái Tông, ông thi đậu Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên đặt lệ lấy Tam khôi. Lúc đó ông mới 17 tuổi.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết: Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, Lê Văn Hưu đã biên soạn bộ “Đại Việt sử ký”. Công trình này được hoàn thiện vào năm 1272, ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), gồm 30 quyển. Sau khi hoàn tất ông được nhà vua xuống chiếu khen ngợi.

Tài liệu Lê Thị gia phả do con cháu Lê Văn Hưu ở Thiệu Trung - Thiệu Hóa lưu giữ được các nhà nghiên cứu cho rằng tuy còn một số nhầm lẫn, nhưng đã cung cấp nhiều thông tin hơn về Lê Văn Hưu như sau:

Ông là cháu sáu đời Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương. Ông sinh năm Canh Dần (1230), mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322).

Cha ông Húy là Minh, tự Văn Thiện. Mẹ ông họ Đỗ. Cha ông qua đời khi mẹ ông mới mang thai được 4 tháng tuổi. Việc ra đời của Lê Văn Hưu được ghi chép lại khá màu nhiệm: Một đêm mẹ ông nằm mộng thấy có người dẫn đến giữa xứ Mả Hỗn chỉ tay bảo: Nên đem mả chồng nàng đến táng chỗ huyệt này, tọa Đông hướng Tây, cấn sơn canh hướng, thì con ra đời sẽ đậu khôi nguyên. Khi tỉnh ra, nói tường với cha, đem mộ con rể táng vào huyệt xứ ấy, sáu tháng sau thì sinh ra Lê Văn Hưu, 18 tuổi đỗ đầu, làm quan đến Thượng thư, được trên ban cho mộ địa 3 sào để con cháu đời đời gìn giữ.

Lê Văn Hưu thọ 93 tuổi, mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) mộ táng ở xứ Mả Giòm, tọa Quý hướng Đinh, được ban ba sào ruộng làm mộ địa…

Đại Việt sử ký

Hầu hết các sử gia từ trước tới nay đều công nhận Đại Việt sử ký của lê Văn Hưu giữ vị trí là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta.

Bộ Đại Việt sử ký nay không còn nhưng đã được sử gia Ngô Sỹ Liên sử dụng khi biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Trong Tựa Đại viêt sử ký tục biên ghi: “Nước ta có sử đã lâu. Nước việt ta, sử ký các đời do các tiền hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau”.

Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí cho thấy Đại Việt sử ký là bộ sử đầu tiên: “Ngày xưa các nước đều có sửa, như sách Xuân thu của nước Lỗ, sách Đào ngột của nước Sở, sách Thặng của nước Tần. Nước ta ở về phía nam Ngũ Lĩnh, trời đã ngăn ra Nam, Bắc, mà thủy tổ là con cháu Thần Nông, như thế là trời mở đầu sinh ra chân chúa. Vì thế nước ta có thể cùng với Bắc triều đều làm chủ một phương. Thế mà sử sách ghi chép không có, sự thực chỉ thấy ở truyền thuyết, văn thì huyền hoặc, việc thì thiếu sót, cho đến chữ viết lầm lẫn, biên chép rườm rà, chỉ tổ chức mắt, còn làm gương gì được!Đến triều Trần Thái Tông mới sai học sĩ Lê Văn hưu soạn lại từ Triệu Vũ Đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng, bản triều Nhân Tông lại sai sử thần Phan Phu Tiên chép tiếp từ Trần Thái Tông trở xuống, đến khi quân Minh về nước đều lấy tên là Đại Việt sử ký. Từ đấy công việc các đời mới được rõ ràng”.

Bia Ngô Sỹ Liên di tích ký niên đại Tự Đức thứ 14 (1861), dựng ở đền thờ Ngô Sỹ Liên ở thôn Ngọc Giả, xã Chúc Lý, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết: Ngô Sỹ Liên khi biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã hiệu chính 2 bộ sử có trước do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên vâng sắc soạn và thêm vào phần Ngoại Kỷ, gồm 15 quyển.

Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược đánh giá Lê Văn Hưu “là người làm sử nước Nam trước hết cả”.

Sau khi quân Minh xâm chiếm Đại Ngu (tên nước thời nhà Hồ) đã đem cuốn “Đại Việt sử ký” sang Trung Quốc. Đến thời nhà Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên căn cứ vào bộ “Đại Việt sử ký” cùng các cuốn sử khác để viết thành “Đại Việt sử ký toàn thư”, còn cuốn “Đại Việt sử ký” đến nay đã thất lạc.

Mặc dù không còn, người đời sau có thể thấy được bóng dáng của Đại Việt sử ký qua Đại Việt sử ký toàn thư. Đặc biệt, có 30 lời bàn những sự kiện, hiện tượng và nhân vật lịch sử ghi rõ là “Lê Văn Hưu viết”. Có thể phỏng đoán rằng các sự kiện và nhân vật được bình là những điểm nhấn quan trọng trong mô tả lịch sử của Lê Văn Hưu. Qua lời bàn đó có thể thấy được một số quan điểm và thái độ viết sử của Lê Văn Hưu.

Tinh thần dân tộc

Cũng như mọi sử gia, sự tồn vong của dân tộc gắn liền với cơ nghiệp đế vương. Việc xưng đế và xây dựng cơ nghiệp đế vương là một biểu hiện quan trọng nhất của vị thế dân tộc. Ở lài bàn thứ nhất, ông khen Triệu Vũ Đế (Triệu Đà): “Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế màng giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với làng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”. Ở đây chúng ta tạm chưa bàn đến sự đúng sai trong quan điểm của Lê Văn Hưu khi ông coi Triệu Đà là triều đại khởi đầu lịch sử nước nhà. Điều đáng chú ý ở đây là ông đã chọn 1 vị vua đã xưng “đế” để ngang hàng với nhà Hán, mở đầu cơ nghiệp đế vương của nước ta. Sự bình đẳng, ngang hàng với triều đại phong kiến phương Bắc trở thành một tư tưởng xuyên suốt trong các lời bình của Lê Văn Hưu còn sót loại ở Đại Việt sử ký toàn thư.

Đối với thời thuộc Hán, từ năm 43 đến 186, Lê Văn Hưu than: “Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ, Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu, bất giác xen lẫn cảm thương hổ thẹn, muốn tỏ lòng thành như Minh Tông nhà Hậu Đường, thường thắp hương khấn trời: xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp xét”.

Tư tưởng thândân

Qua 30 lời bàn của Lê Văn Hưu còn lại trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy ngòi bút viết sử của ông thể hiện lòng yêu dân, tư tưởng thân dân rõ nét. Người ta thường cho rằng ông là bậc đại Nho luôn bài xích Phật giáo. Cũng có người băn khoăn là ông sống ở thời đại Phật giáo thịnh hành, lại nữa ở quê hương ông người dân rất chuộng đạo Phật. Theo suy nghĩ của người viết, ông chỉ đứng trên lập trường Nho giáo để phê phán tệ sùng tín mê muội của tín đồ Phật giáo cũng như Đạo giáo, đứng về phía dân mà nhận định. Ông phê phán Lý Thái Tổ xây dựng chùa chiền làm dân khổ cực “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể”. Như vậy quan điểm Nho giáo chỉ là cái cớ, là công cụ để Lê Văn Hưu phê phán những hành động làm tổn hại đến dân.

Đề cao đức và lễ

Lê Văn Hưu chịu ảnh hưởng của Nho giáo, ông phê phán Phật giáo và cho rằng cần phải lấy giáo lý của Nho giáo làm tiêu chuẩn đạo đức, Nho đạo chính là sử đạo. Trong hầu hết các trường hợp, lời bình luận phê phán của ông dựa theo tiêu chí của Nho giáo, rõ ràng nhất là những bài học về đức và lễ.

Đức là một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo đất nước. Ở lời bàn thứ nhất còn lưu lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, ông nói: “Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế; Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi”. Ông ca ngợi Sỹ Vương “biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ”, khen Ngô Xương Văn tha tội cho Dương Tam Kha là “nhân”, chịu nhịn Ngô Xương Ngập là “cung”.

Tạm kết

Sách An Nam chí lược của Lê Trắc có đoạn đánh giá về Lê Văn Hưu như sau: “Vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu Minh Vương, đổi làm Kiểm Pháp quan, sửa sách Việt chí”.

Đại Việt sử ký đã được công nhận là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Đánh giá Đại Việt sử ký, Ngô Sĩ Liên trong bài tựa Đại Việt sử ký toàn thư vừa khen: “Văn Hưu là đại thủ bút đời Trần,… vâng chiếu biên soạn lịch sử nước ta, tìm thêm các sách vở còn sót loại, gom hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa”, vừa chê: “ghi chép có chỗ chưa đủ, nghĩa lề còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý”.

Tuy nhiên, qua bóng dáng thấp thoáng của Đại Việt sử ký trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhất là qua 30 lời bàn sử còn lại, có thể thấy Lê Văn Hưu là nhà sử học rất tiến bộ. Những lời bình sử thấm đẫm tinh thần yêu nước thương dân, tinh thần đạo đức và ý thức dân tộc của ông mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị. Ông xứng đáng là một trong những nhà sử học hàng đầu của nước ta.

Nguyễn Đạt (lược trích)


Nguyễn Đạt (lược trích)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]