Sức sống trường tồn của Văn hóa Đông Sơn
Nền Văn hóa Đông Sơn, tức Văn hóa Lạc Việt được hình thành với một diễn trình văn hóa vật chất liên tục từ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt, từ đầu thiên niên kỷ II TCN đến đầu thiên niên kỷ I SCN (khoảng thời gian từ 4.000 năm đến 2.000 năm trước đây). Đây là giai đoạn gắn liền với thời đại Hùng Vương, An Dương Vương (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc) và nền văn minh cổ đại của người Việt cổ trong lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ Đông Sơn vẫn giữ được nhiều nét cổ kính của làng quê nông nghiệp truyền thống.
Nền văn hóa này cũng được giới khảo cổ học thế giới biết đến từ rất sớm, bắt đầu từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX bởi một người nông dân là Nguyễn Văn Nắm tình cờ tìm thấy một số di vật bằng đồng bên bờ phải sông Mã bị sạt lở, phía trên cầu Hàm Rồng khoảng 1km thuộc làng Đông Sơn, TP Thanh Hóa hiện nay. Từ thông tin này, L.PaJot - một viên thương chính người Pháp ở Trường Viễn Đông Bác Cổ ngay từ năm 1924 đến năm 1932, đã tiến hành những khai quật ở khu vực ven bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn. Những kết quả khai quật cùng với những đồ đồng thu được đã được V.Bouloubew - một học giả của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) công bố lần đầu trong công trình Thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ vào năm 1929, đã gây được sự chú ý của các học giả nghiên cứu Đông Nam Á trên thế giới. Năm 1934, nhà nghiên cứu người Áo R.Heine Geldern đã đề nghị gọi thời kỳ đó là “Văn hóa Đông Sơn” trong một công trình khảo cứu của mình.
Trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, giới khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã tiếp tục phát hiện và khai quật thêm hàng trăm địa điểm khảo cổ học trên một địa bàn rộng lớn thuộc các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Không kể những hiện vật thu giữ một cách ngẫu nhiên, cho đến năm 1999 đã phát hiện được 275 địa điểm văn hóa Đông Sơn. Thanh Hóa là nơi phát hiện di tích đầu tiên và phân bố dày đặc nhất, cho đến cuối năm 2004 số di tích đã lên đến 80 và nếu cả địa điểm phát hiện ngẫu nhiên thì lên đến 124. Các di tích văn hóa Đông Sơn phân bố rộng khắp miền Bắc Việt Nam cho đến Quảng Bình, chủ yếu là dọc lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, từ miền núi đến đồng bằng ven biển, thường là trên vùng đất cao, chân đồi ven sông, với các loại hình rất phong phú, đa dạng bao gồm di chỉ cư trú, di chỉ cư trú – mộ táng, mộ táng và di chỉ xưởng. Tại các di tích này hiện vật đồ đá không còn nhiều, phần lớn là đồ trang sức như vòng tay, vòng tai, một ít công cụ như rìu, bôn, chày, bàn mài, khuôn đúc rìu, dao găm... Đồ gốm mang nặng ý nghĩa thực dụng, chế tạo đơn sơ và thường là gốm trơn, không trang trí hoặc trang trí bằng những hoa văn đơn điệu như văn thừng, văn chải ở thân. Đã tìm thấy các loại đồ gốm như nồi, chõ, bình, chậu, bát, khuôn đúc, nồi nấu và rót đồng, chì lưới, dọi xe chỉ. Trái lại đồ đồng Đông Sơn phát triển rực rỡ, đạt đến mức hoàn hảo về mặt kỹ thuật cũng như mặt nghệ thuật. Hiện nay, chúng ta đã có một sưu tập đồ đồng Đông Sơn hết sức phong phú về số lượng và đa dạng về hình loại, có đến 56 loại hình với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Đặc biệt, đến giai đoạn Đông Sơn bên cạnh đồ đồng đạt đến đỉnh cao về chế tác và trang trí, đã xuất hiện đồ sắt. Đồ sắt gồm 2 nhóm chính là công cụ như lưỡi cuốc, lưỡi mài, lưỡi liềm, rìu và vũ khí như kiếm, giáo. Ngoài ra còn có đồ thủy tinh như hạt chuỗi, vòng tai, vòng tay, một ít đồ xương, đồ tre gỗ, dấu tích vải,...
Thanh Hóa có thể nói là phong phú nhất trong cả nước với số lượng nhiều nhất hơn 3 ngàn hiện vật, nhiều bộ sưu tập độc đáo, nhiều hiện vật quý hiếm mang sắc thái vùng là loại hình sông Mã như lưỡi cày cánh bướm (30 chiếc) đến nay mới tìm thấy ở làng Vạc (Nghệ An) 1 chiếc; kiếm ngắn có chuôi là một khối tượng phụ nữ (kiếm ngắn Núi Nưa) được coi là tiêu biểu nhất trong cả nước là bảo vật quốc gia; trống Đông Sơn cũng được tìm thấy nhiều nhất, có 56 chiếc trong tổng số 178 chiếc cả nước; nhiều trống đồng loại I (Heger) có niên đại sớm, đẹp như trống Quảng Xương, trống Vĩnh Hùng, đặc biệt là trống Cẩm Giang (Cẩm Thủy) là bảo vật quốc gia.
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ trên đây, đã tạo ra một cơ sở tư liệu mới, kết hợp với các nguồn tư liệu thư tịch cổ đối với việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương - An Dương Vương với hai thành tựu cơ bản là sáng tạo nền văn minh Đông Sơn và hình thành hình thái Nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, đã tạo lập nền tảng ban đầu nhưng giữ vai trò rất cơ bản cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Những thành tựu đó được thể hiện cụ thể với một số chuyển biến quan trọng đã được ghi nhận. Đó là sự phát triển của nghề nông trồng lúa nước, trồng khoai, sắn, trồng dâu, chăn tằm dệt lụa, trồng bông, đay, gai, trồng các thứ cây ăn quả như chuối, cam, vải, nhãn, dừa, dưa hấu và các thứ rau, nghề chăn nuôi, nghề gốm, nghề chế tác đá, nghề dệt, nghề mộc, nghề làm nhà, nghề đóng thuyền và nhất là sự xuất hiện của nghề luyện kim đồng với việc đúc nhiều loại sản phẩm. Trong các văn vật khảo cổ thì trống đồng Lạc Việt có ý nghĩa hơn cả. Căn cứ vào những hình chạm trổ trên trống đồng có thể ước đoán công dụng của trống đồng.
***
Có thể nói, sau một trăm năm phát triển và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, ngành khảo cổ học và Sử học Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng có ý nghĩa lịch sử là xác định được quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Đông Sơn tương ứng với thời đại Hùng Vương - An Dương Vương, hay nói cách khác là sự hình thành Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam, trong đó có bộ Cửu Chân (tức Thanh Hóa ngày nay) – một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Nền văn hóa đó được thể hiện bằng thành quả dựng nước và giữ nước ban đầu, với nền văn minh Đông Sơn rực rỡ, đã khẳng định vị trí của nó trong lịch sử dân tộc như một kỷ nguyên: “Kỷ nguyên mở đầu sự nghiệp dựng nước và giữ nước, kỷ nguyên văn minh đầu tiên của dân tộc”. Đó là cơ sở vững vàng cho toàn bộ sự tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc sau đó. Đấy chính là sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa Đông Sơn trước những thử thách của lịch sử, nhất là thời kỳ chống Bắc thuộc một nghìn năm, dân tộc ta không bị đồng hóa, vẫn giữ vững bản sắc văn hóa và kết tinh giá trị mãi vọng ngàn sau, vì thế mà “Văn hóa Đông Sơn đã trở thành một thuật ngữ khoa học quốc tế” trong nền văn minh nhân loại.
Kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa này và cũng là nơi tìm thấy hàng trăm địa điểm di tích (TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa...), nhiều nhất so với cả nước với hàng vạn hiện vật có giá trị và chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong nền văn hóa dân tộc, chính vì thế mà chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về vị thế của văn hóa Đông Sơn ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản để có biện pháp bảo tồn di tích, di sản vật thể và các không gian thiên nhiên của văn hóa Đông Sơn nhằm bảo vệ di sản với tất cả sự đa dạng của nó và truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa; đồng thời tiến tới xây dựng Hồ sơ khoa học trình tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh văn hóa Đông Sơn là di sản văn hóa thế giới, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển hiện nay.
TS. Phạm Văn Tuấn
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-02-06 06:07:00
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi!
TS Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế: Phát triển nguồn nhân lực y tế - đã đến lúc phải đổi mới quyết liệt từ nhận thức đến hành động
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế
Tiếng trống Xuân Phả
Trường Sa kì vĩ
Bên những bóng cây nghìn tuổi
Chuyện trên trời
Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn
“Việc học không bao giờ cùng”
Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”