(Baothanhhoa.vn) - Để người nghèo phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo, một trong những giải pháp được các địa phương trong tỉnh đưa ra đó là giúp người nghèo có sinh kế bền vững, thu nhập ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo” vào năm 2030.

Tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo

Để người nghèo phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo, một trong những giải pháp được các địa phương trong tỉnh đưa ra đó là giúp người nghèo có sinh kế bền vững, thu nhập ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo” vào năm 2030.

Tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèoNgười dân xã Tam Chung (Mường Lát) phát triển mô hình chăn nuôi bò thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có một rào cản “vô hình” đó là một bộ phận người nghèo có tâm lý không muốn thoát nghèo. Bởi khi thoát nghèo sẽ không còn được thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Với lối suy nghĩ này đã làm cho ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo bị “thui chột”, khiến cuộc sống của họ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn với cái nghèo đeo bám, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho rằng, trong công tác giảm nghèo hiện nay đã và đang diễn ra một thực trạng là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Đây là bài toán đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để phá vỡ “sức ì” này. Một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của huyện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo về công tác giảm nghèo. Cùng với đó thực hiện phương châm “vừa trao cần câu vừa chỉ cách bắt cá” để các đối tượng yếu thế đứng vững trên đôi chân của mình.

Trước năm 2020, gia đình anh Thao Văn Tông, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát) thuộc diện hộ nghèo của xã. Sau khi được chính quyền địa phương đấu mối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi mua cặp bò sinh sản, anh Tông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho gia đình mình. Trong chăn nuôi, ngoài tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cỏ voi, thân cây chuối trong vườn đồi, anh Tông còn thực hiện công tác phòng tránh dịch bệnh, nhờ đó bò của gia đình anh phát triển nhanh. Đến nay đã nhân đàn lên 7 con, gồm 5 bò thịt và 2 bò giống. Cùng với phát triển đàn bò, anh Tông còn chăn nuôi thêm lợn, gà, kết hợp trồng rừng... Nhờ ý chí, nghị lực của mình, mô hình kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Năm 2023, gia đình Tông đã thoát nghèo, vươn lên hộ có mức thu nhập khá trong bản.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, một trong những giải pháp trọng tâm được huyện Mường Lát tập trung triển khai, đó là đưa nguồn vốn giảm nghèo đến với người dân để đầu tư sản xuất, tạo sinh kế bền vững để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò sinh sản giống bản địa theo hình thức “ngân hàng bò”; mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả, với diện tích trồng cỏ trên 100ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Quang Chiểu mang lại thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha; mô hình nuôi vịt siêu đẻ, nuôi ếch thương phẩm ở xã Mường Chanh...

Ngoài các dự án hỗ trợ sinh kế, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, huyện Mường Lát còn thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế... Những chính sách này đã góp phần đáng kể vào nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Từ những giải pháp thiết thực trên, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 25,85%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28,9 triệu đồng/năm...

Cũng như huyện Mường Lát, nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa cũng triển khai quyết liệt những giải pháp để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, từ đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng... Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể hỗ trợ khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững.

Còn tại Như Xuân, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo từng năm và giai đoạn; đồng thời bố trí ngân sách huyện để hỗ trợ cho các địa phương, hộ gia đình trong thực hiện công tác giảm nghèo; ban hành các cơ chế hỗ trợ đặc thù như: hỗ trợ khuyến khích XDNTM; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển hệ thống điện chiếu sáng công cộng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động địa phương...

Có thể khẳng định, nhờ thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Minh chứng là giai đoạn 2022-2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,66% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 giảm 1,4%); bình quân giai đoạn 2022-2024 mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,55%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]