Sức bật từ hạ tầng giao thông nông thôn
Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành giao thông cùng với các địa phương trong tỉnh đang tích cực huy động các nguồn vốn thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.
Hệ thống đường giao thông nông thôn của xã Quang Trung (Ngọc Lặc) được đầu tư xây dựng khang trang.
Trong thời gian qua, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) đã tranh thủ tối đa các nguồn lực để triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông gắn với XDNTM. Nhờ đó, đến nay có hơn 20km đường tỉnh, đường liên huyện đi qua địa bàn xã được nhựa hóa; hơn 25km đường liên thôn, bản được bê tông hóa. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, giao thương, thúc đẩy kết nối liên thông giữa các xã trong huyện và các địa phương lân cận. Ông Phạm Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung, cho biết: Việc phát triển hạ tầng giao thông đã tạo sức bật cho các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số của xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa của người dân. Được sự quan tâm của các cấp, ngành trên địa bàn xã đang triển khai các dự án nâng cấp tuyến đường từ xã Quang Trung đi thị trấn Yên Lâm (Yên Định); nâng cấp tuyến đường từ xã Quang Trung đi xã Thọ Lập (Thọ Xuân). Đây là những tuyến đường huyết mạch của xã kết nối với các huyện lân cận, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển hệ thống cung ứng, tiêu thụ nông, lâm sản. Mặc dù vậy, trên địa bàn xã còn hơn 2km đường thôn cần cứng hóa và khoảng 15km cần nâng cấp mở rộng, cứng hóa theo tiêu chí NTM nâng cao. Vì vậy, xã đang tích cực huy động và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn...
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhằm tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2021-2023, huyện Ngọc Lặc đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn với tổng số vốn thực hiện hơn 107,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã cứng hóa 101,6km đường giao thông các loại, xây mới 26,2km rãnh thoát nước đường giao thông có nắp đậy... Một số tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả đầu tư, như: Đường giao thông thôn Minh Hòa, xã Minh Sơn đi thôn 7 xã Lam Sơn; sửa chữa, cải tạo tuyến đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh, xã Minh Sơn đi xã Minh Tiến; đường tràn Lương Thiện, xã Thạch Lập... Hiện huyện Ngọc Lặc đang tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường tràn làng Mới đi làng Ắng, xã Minh Sơn; cầu Bàn Lai, thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn; cải tạo nâng cấp đường giao thông xã Phùng Giáo... Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Lặc tập trung đôn đốc các đơn vị thiết kế các dự án phát triển hạ tầng giao thông đã có chủ trương đầu tư, như: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Mết và thôn Rẻ, xã Vân Am; sửa chữa, cải tạo tuyến đường giao thông từ đường tỉnh 518D đi đường tỉnh 516B xã Cao Thịnh; khắc phục đường giao thông thôn Đắm Vân Giang, thôn Thuận Bà, xã Vân Am...
Từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.696 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường lớn quan trọng với chiều dài hơn 133km; đầu tư mới khoảng 154km đường giao thông; cứng hóa khoảng 350km đường giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất của Nhân dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự phát triển của hệ thống giao thông nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ và XDNTM ở các địa phương trong tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Đức Trung, cho biết: Để thúc đẩy các địa phương trong tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 184/2021/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Trong năm 2023, tỉnh đã bố trí phân bổ hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ cho 14 huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ nguồn vốn hỗ trợ này đã kích cầu các địa phương huy động nguồn lực phát triển hệ thống giao thông gắn với phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều địa phương đầu tư phát triển hệ thống giao thông như các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... Hiện ngành giao thông cùng với các địa phương đang tích cực huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì các tuyến đường đã hoàn thành, góp phần kéo dài tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Bài và ảnh: Lê Hợi
- 2024-11-04 22:11:00
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
- 2024-11-04 22:02:00
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam
- 2023-12-25 20:57:00
Ai sẽ là người đặt tên cho “Siêu Dự án”?
Góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Agribank
Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logistics
Cơ duyên ra đời của “Sao Mai Center”
Chú trọng phát triển kinh tế vườn hộ
Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên
Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm
Dược phẩm Tâm Bình - Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự phát triển dược liệu Việt
Đảng bộ Agribank Bắc Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ năm 2024
Hội viên phụ nữ khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP