Sông Mã hồn tôi
Quê tôi nằm ngay bên bờ dòng sông mang tên con Ngựa thần linh thiêng (sông Mã) huyền thoại. Cái mênh mang, cái dào dạt; cái dữ dội, cái mãnh liệt; cái thơ mộng, cái hùng vĩ huyền bí của sông thấm đẫm vào hồn người quê tôi, vỗ vào lòng tôi.
Ngã ba Bông - nơi con sông Mã tách dòng, phân nhánh, nơi giáp ranh giữa nhiều miền quê mà dân gian vẫn lưu truyền câu nói quen thuộc: “Một tiếng gà gáy năm huyện cùng nghe”. Ảnh: Trần Đàm
Không biết ai mang hồn quê ra bể. Không biết ai mang khát vọng lên nguồn. Tôi là đứa trẻ sơ sinh trước dòng sông hàng nghìn năm tuổi. Dòng sông mạch đất tưới đẫm hồn tôi nhân nghĩa, nhân văn, nhân hậu, nhân ái. Sống cùng lá han lá nén mà không ngứa. Bên cạnh lá ngón mà không độc. Ngồi dưới bóng chanh bóng khế mà không chua. Hái ớt mà không cay. Cầm gai găng gai bưởi gai bồ kết mà không đâm bị thóc chọc bị gạo. Đất quê, truyền thống quê, văn hóa quê, lịch sử quê luyện lọc vào tâm hồn người quê cái tinh chất làm người cao cả, trọng nghĩa, lịch thiệp, hướng thiện. Cái dữ dội của sông, cái mãnh liệt của sông, cái lắng xuống của sông, cái trong vắt mở ra bờ bãi của sông thành triết lý sông của người quê tôi: “Phù sa nén giữ sóng xô/ Cho làng xóm mọc, cho bờ tre xanh/ Tóc thơm hương bưởi hương chanh/ Lời ru đằm ngọt nghĩa tình nghìn năm/ Trầu cau mùng một hôm rằm/ Thành diều lộng gió, thành tằm nhả tơ”.
Gối đầu lên hạt phù sa, ca dao tục ngữ hiện về, cổ tích hiện về, thần thoại, huyền thoại hiện về, nguồn cội hiện về. Nó nói với ta những điều trong lồng xương, ống máu. Nó nói với ta những điều nghìn năm tích cóp. Có tiếng rung thành chuông, thành khánh; có tiếng rung bằng con tim khối óc. Ta nghe bằng cái giá cuộc đời. Ta nghe bằng nỗi đau nhân thế. Ta ngẫm nghĩ bằng thác bằng ghềnh. Thấm vào lòng người cái tên Bến Đá, cái tên Ngã Ba Bông, Cái tên Cửa Hới, Lạch Sung, Lạch Bạng, Lạch Trường. Chạm vào cói Nga Sơn. Chạm vào chum vại làng Hương, làng Hạc. Ta buông neo vào cái thuở trăm năm nghìn năm. Trăng lả vào dải yếm người con gái vo gạo bến sông quê. Yếm lả vào đò dọc. Đò dọc xuôi Nam ngược Bắc. Bà Triệu chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Hồ Quý Ly chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Các chúa Trịnh chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Các Chúa Nguyễn từ Kinh thành xứ Huế về Gia Miêu tế Tổ chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ: “Không có máu thì các thày địa lý không có cách nào tìm ra thế núi hình sông rồng cuộn hổ ngồi/ Không có máu thì không có cách nào tìm ra huyệt đất phát vương phát tướng”.
Mấy chục điệu hò sông Mã dội vào tuổi thơ tôi. Những chuyện Bà Triệu, Lê Hoàn, những chuyện hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, chuyện Mai An Tiêm gửi dưa từ hoang đảo, chuyện Lý Nhân tông về bái đền Đồng Cổ chảy vào ký ức tôi. Nhìn hạt phù sa thấy Lang Cun Khương, Lang Cun Cần đi chặt cây Chu Đá lá Chu Đồng dựng nhà trăm gian mở Mường Trời, Mường Đất; thấy ông Bùng gánh đồi gánh núi; thấy Thần Độc Cước phân thân; thấy Hồ Quý Ly xây thành; thấy Trần Khát Trân bị chặt đầu “không chết”. Rồi phương ngôn, phương ngữ đồng dao cà Giáng, dưa Lê, chè lam Phủ Quảng, cam Giàng, vịt Trạc Nhật, mía Kim Tân... thấm mãi vào tôi.
Hồn tôi là hồn sông Mã. Tôi có một niềm tự hào về cái lý lịch trích ngang của mình: “Nắm nhau tôi chôn góc phù sa sông Mã/ Trăm thác nghìn ghềnh cuộn xoáy vào tơ/ Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi/ Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ”! Không đâu, không nơi nào trên cái dải đất ken dày các di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, có di tích được công nhận là Di sản Văn hóa lịch sử thế giới lại cho ta hiểu sâu sắc bản lĩnh anh hùng quật cường bất khuất, sức sống mãnh liệt, ý chí sắt đá, truyền thống vẻ vang của người xứ Thanh bằng sông Mã. Nhưng cũng không đâu cho ta hiểu cái gian lao vất vả đến khốc liệt đối với con người xứ Thanh bằng sông Mã: “Con hến con trai một đời nằm lệch/ Lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng”!
Khốc liệt đến mức “Chiếc liềm nhỏ không còn nơi cắt chấu/ Gặt hái xong rồi rơm rạ bó nhau”. Đối với người ở một nơi khác nghe điệu hò sông Mã đơn giản chỉ là tiếng dô khoan dô huầy, tiếng dô tả dô tà. Nhưng ai là người quê Thanh đều thấm đến xương đến tủy, câu hát mở ra đẫm hai phần mồ hôi nước mắt, còn một phần là xương máu ông cha.
Chính dòng sông Mã đã tạo nên con người xứ Thanh yêu như Thủy Tinh, bảo vệ hạnh phúc như Sơn Tinh. Cứ sau mỗi lần trắng tay, chiếc sào mồ hôi lại cong hơn đẩy con thuyền bốn mảnh Xuân - Hạ - Thu - Đông nặng trĩu lo toan ngược gió, giọng hát như có thần có thánh. Người quê tôi mang số phận mình chắn sóng. Kỳ quan của hạt thóc là những con đê sừng sững. Yêu nhau, thương nhau thành niêu cơm Thạch Sanh trong lũ, trong đau thương trận mạc. “Người thành danh, kẻ lỗi lầm/ Không ai lạc lõng trong tâm hồn làng/ Vườn mình rụng chiếc lá vàng/ Cứ lo giông bão ập sang vườn người”. Người quê tôi không có triết lý gì cao sâu thâm thúy to tát. Sống rồi yêu, rồi xả thân vì nhau. Sống rồi thành đồi thành núi. “Rít chung một điếu thuốc lào/ Bao nhiêu dòng họ bện vào thành quê”.
Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Mã.
Lam lũ, đau thương, và hy sinh thấm vào đất. Những cái giá đắt nhất cuộc đời thấm vào đất. Có lẽ vì thế đất chỗ nào cũng có huyệt linh thiêng. “Nhổ cây rau má cổng làng/ Bao nhiêu lọng tía tàn vàng lung lay/ Quần nâu cởi vắt đáp cày/ Thế mà vững chãi thành này lũy kia”.
Nhiều người bạn thơ từ Nha Trang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh hỏi Thanh Hóa ra răng anh? Tôi nói vui “Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này/ Vì sao hát lại dô huầy/ Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang/ Vì sao đi cấy sáng trăng/ Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng/ Đâu cũng Thần Núi, Thần Sông/ Đâu cũng truyền thuyết thêu trong dệt ngoài”... Em sẽ hiểu được mảnh đất “Đá mài mực, đá ăn thề/ Yêu nhau mang cả biển về rửa chân”.
Qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, vật đổi sao dời, qua bao nhiêu bom đạn khốc liệt của kẻ thù dòng sông Mã với sức sống mãnh liệt ngàn năm triệu năm vẫn là biểu tượng tinh thần, nghị lực, sức mạnh, tâm hồn của người quê tôi. Sông Mã vẫn trong tình yêu, tâm khảm, ký ức, hơi thở, máu thịt của tôi. Lịch sử, quá khứ, hiện tại, tương lai, truyền thống, niềm tự hào, kiêu hãnh, sức sống bất khuất... không lúc nào sông Mã không vọng dội trong nhịp tim tôi.
Phù sa sông Mã kết tinh thành cuộc sống đời tôi. Tinh hoa, tinh chất sông Mã nuôi lớn hồn tôi. Cái dữ dội, cái mạnh mẽ, cái bạo liệt, cái cuồng phong bão lũ của sông Mã hun đúc thành ý chí, nghị lực, cốt cách của tôi. Tôi yêu dòng sông này. Chỉ cần chạm tay vào giọt nước dòng sông thì tất cả cuồn cuộn tuôn trào: “Cát cựa mình huyền thoại chảy dưới chân/ Lòng biển mở ra từ vỏ sò vỏ ốc/ Nâng hạt phù sa mở triệu năm ra đọc/ Hồn đất hồn người hiện từ cửa sông lên”. Thịt da tôi ngân lên tiếng hát. Sông Mã ơi! Sông Mã hồn tôi.
NGUYỄN MINH KHIÊM
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-02-12 15:56:00
Thầm thì tiếng tiền nhân
Lung linh miền di sản
Xúc tiến, quảng bá - tiền đề cho du lịch “cất cánh”
Một thế kỷ di chỉ văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh
Trẩy hội Đền Nưa - Am Tiên
[E-Magazine] – Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Trong hương xuân thơm nồng
Cáp treo Fansipan mở cửa trở lại từ 8/2 cùng chuỗi lễ hội rộn ràng đón xuân
[Podcast] Truyện ngắn: Xuân về bên sườn đồi
Cà kê chuyện rồng